Nếu bị hacker chiếm Facebook cá nhân để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật…

Thanh Nam
Thanh Nam
04/10/2023 15:00 GMT+7

Có những người sau khi gây chuyện trên Facebook nhưng "dám làm không dám nhận" và đổ thừa là bị hack tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên thực tế vẫn có những người gặp "tai bay vạ gió" bởi bị hacker chiếm quyền sử dụng Facebook cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này nên làm gì để chứng minh bản thân bị oan?

Những điều cần làm…

Nguyễn Hoàng Tuyển (26 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang làm việc tại một tập đoàn xây dựng ở Q.1 (TP.HCM), kể lại việc đã từng có quãng thời gian stress vì bị bạn bè cùng khóa và giảng viên hiểu lầm về những phát ngôn trên Facebook.

Theo Tuyển: "Người nào đó đã hack tài khoản Facebook cá nhân của mình và liên tục đăng status (trạng thái) nói xấu về trường, xúc phạm đội ngũ giảng viên. Nhiều người cho rằng "chỉ có mày làm" vì chứng kiến những bài viết tiêu cực xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Dù cố gắng giải thích đã có kẻ chiếm quyền sử dụng Facebook cá nhân, đồng thời khẳng định bản thân bị oan nhưng không ai tin".

Câu chuyện của Tuyển không ngoại lệ. Đã có nhiều trường hợp tương tự, khi bỗng dưng bị chê trách, phê phán: "phát ngôn thô tục", "bôi nhọ người khác"… chỉ vì tài khoản Facebook cá nhân… rơi vào tay hacker.

Đặng Anh Nhân, sinh viên Trường CĐ Công thương Việt Nam, ta thán: "Mình từng bị hack tài khoản Facebook cá nhân và sau đó, người chiếm đoạt tài khoản đã gửi những video 18+ cho các thành viên nữ trong danh sách bạn bè. Hành vi phản cảm ấy của hacker đã khiến mình khốn đốn, gặp nhiều phiền phức".

Nếu bị hacker chiếm quyền sử dụng Facebook, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật… - Ảnh 1.

Có những người gặp "tai bay vạ gió" bởi bị hack tài khoản Facebook cá nhân

SHUTTERSTOCK

Nhiều "khổ chủ" có cùng thắc mắc, nếu hacker thực hiện những hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống, pháp luật… thì cần làm gì để chứng minh tài khoản Facebook cá nhân bị hack và bản thân không liên quan?

Chia sẻ về băn khoăn trên, luật sư Nguyễn Văn Đoàn, Công ty Luật TNHH Hệ thống dịch vụ pháp lý luật sư X (TP.Hà Nội), cho biết: "Khi bị hack tài khoản Facebook cá nhân, cần nhanh chóng thực hiện ngay một số việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đây cũng là cách để có chứng cứ nhằm chứng minh trước cơ quan chức năng trong trường hợp hacker sử dụng Facebook chiếm đoạt được thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản…".

Cụ thể, luật sư Đoàn hướng dẫn: "Cần báo cáo tới Facebook theo đường link: https://www.facebook.com/hacked/ về việc tài khoản cá nhân bị xâm phạm. Sau đó thông báo tới bạn bè, người thân để nâng cao cảnh giác, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Cũng có thể nhờ họ đăng tải thông báo để mọi người cùng cảnh giác. Ngoài ra, nên lưu giữ clip quay lại cảnh bản thân không thể thực hiện được việc đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân. Bên cạnh đó, cũng nên quay lại clip đang thực hiện việc báo cáo Facebook về tài khoản bị hack. Đồng thời cần phải trình báo sự việc tới cơ quan công an để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật".

Kỹ sư công nghệ thông tin Huỳnh Xuân Huy (32 tuổi), làm việc tại Công ty KMS Technology, Q.Tân Bình TP.HCM, cho rằng thực trạng hacker chiếm đoạt các tài khoản Facebook cá nhân diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Các hacker có thể dựa vào đó mà thực hiện những mục đích khác nhau như: đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... mà chủ tài khoản không thể kiểm soát được. Từ đó có thể để lại hậu quả không nhỏ cho chính bản thân chủ tài khoản và môi trường mạng.

Theo anh Huy, nếu bị hacker chiếm quyền truy cập tài khoản Facebook cá nhân để thực hiện các hành vi trái pháp luật, "khổ chủ" cần thông báo cho mọi người được biết và trình báo đến tổ chức có liên quan, cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc. "Khi trình báo tới cơ quan chức năng, chủ tài khoản cần cung cấp các thông tin về hành vi vi phạm và thời gian diễn ra các hành vi đó", anh Huy nói.

Anh Huy cũng khuyến cáo mọi người khi sử dụng Facebook cần bảo vệ tài khoản an toàn bằng cách: sử dụng mật khẩu mạnh (cả chữ thường lẫn hoa, số, ký tự đặc biệt...) và thường xuyên thay đổi, nên chứng thực hai lớp, cài đặt chế độ thoát tài khoản Facebook từ xa...

Nếu bị hacker chiếm quyền sử dụng Facebook, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật… - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Đoàn

THANH NAM

Sẽ nhanh chóng điều tra ra thủ phạm

Một cán bộ làm việc tại Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.HCM, cũng cho biết những trường hợp sử dụng Facebook để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, bằng những biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng điều tra ra thủ phạm.

Luật sư Đoàn cho biết việc hack tài khoản Facebook cá nhân của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng trường hợp cụ thể, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Theo đó, hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng theo khoản 1 điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Trường hợp truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển, xóa bỏ thông tin lưu trữ, thay đổi tham số cài đặt hoặc thu thập thông tin của người khác có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng theo điểm a khoản 2 điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Trường hợp lợi dụng Facebook để thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Nếu bị hacker chiếm quyền sử dụng Facebook, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật… - Ảnh 3.

Việc hack tài khoản Facebook cá nhân của người khác là hành vi vi phạm pháp luật

ẢNH MINH HỌA: THANH NAM

Nếu cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm theo điều 289 Bộ luật hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Còn sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.