Netflix và câu chuyện hợp tác làm phim ở Việt Nam

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
24/03/2020 08:07 GMT+7

Netflix (dịch vụ xem video trực tuyến hàng đầu thế giới ) vừa dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện với đội ngũ sáng tạo nội dung tại Hàn Quốc .

Qua đó, có thể thấy được nhiều kinh nghiệm trong việc Netflix tạo ra những bộ phim Hàn thu hút khán giả, cũng như mở ra hướng hợp tác làm phim tại Việt Nam.
Netflix vẫn đang là một trong những dịch vụ xem phim trả phí lớn nhất trên thế giới và đang tạo nên “làn gió mới” tại Việt Nam khi mở rộng thị trường để phát triển tại Việt Nam, luôn cập nhật các nội dung phim Hàn Quốc mới và thậm chí mua bản quyền nhiều phim Việt chiếu trên nền tảng này để chiều lòng người dùng Việt Nam.

Tôn trọng tự do sáng tạo nhưng liên tục phản biện

Mở đầu cuộc trò chuyện, bà Minyoung Kim, Phó chủ tịch Phụ trách nội dung Hàn Quốc tại Netflix, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng những câu chuyện hay từ Hàn Quốc có thể giúp người xem khắp nơi kết nối, hình thành sự cảm thông và chia sẻ nhiều hơn những hiểu biết về thế giới. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi đang thực hiện cam kết đầu tư cho đội ngũ sáng tạo và cộng đồng những người làm nội dung tài năng tại Hàn Quốc”.

Phim chiếu trên Netflix là cơ hội quý giá để Việt Nam quảng bá tầm vóc của một nền điện ảnh cũng như văn hóa Việt Nam

Nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân

Nói về tiêu chí chọn kịch bản để sản xuất các tác phẩm Netflix từ Hàn Quốc, bà Minyoung Kim ở cương vị là người tìm kiếm và mua bản quyền kịch bản cho biết họ đã phải liên tục làm việc với nhiều đối tác như CJ, Studio Dragon... để luôn phát hiện và khai phá các nội dung đặc sắc dành cho fan của phim Hàn. “Phim Hạ cánh nơi anh chính là một điển hình về việc tìm kiếm câu chuyện hay cộng với tài năng diễn viên mà chúng tôi hướng đến. Phim có kịch bản và plot twist (cái kết bất ngờ) thú vị, được pha trộn sự mộng mơ và tính lịch sử thực tế. Phim Tầng lớp Itaewon chúng tôi chủ ý không đi theo hướng tình yêu truyền thống trong phim Hàn mà xoáy vào câu chuyện về xã hội, khát vọng của người trẻ, và việc phim thành công vang dội chính là nhờ vào kịch bản mới lạ, nhiều sáng tạo, không đi theo lối mòn. Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt phim Hoạt động ngoại khóa cũng mới lạ với câu chuyện về những học sinh trung học sau nhiều sai lầm đã quyết tâm tự mình kiếm tiền học đại học với vô số bài học cho cuộc đời”, bà Minyoung Kim chia sẻ thêm.
Quy trình của Netflix khi làm việc với các nhà sản xuất phim và nội dung là phải đối thoại và phản biện thật nhiều về một ý tưởng hay kịch bản nào đó trước khi bắt tay sản xuất.

Tháo gỡ khó khăn để bắt tay làm phim với Việt Nam

Từ cuối tháng 2 năm nay, Netflix tung ra tính năng mới Top 10 phim theo quốc gia, trong đó hiển thị 10 chương trình nội dung được quan tâm nhất ở một thời điểm cụ thể và theo từng quốc gia. Theo đó, nội dung phim Hàn trên Netflix hiện vẫn được các nước khu vực châu Á ưu ái xem nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số phim nổi trội vượt qua biên giới châu Á như: Train to Busan, Kingdom.
Netflix và câu chuyện hợp tác làm phim ở Việt Nam

Bà Minyoung Kim - Phó chủ tịch phụ trách nội dung Hàn Quốc tại Netflix

Hiện tại, nội dung phim Hàn Quốc được khán giả Việt Nam xem rất nhiều trên Netflix, nhất là trong mùa dịch Covid-19 (dựa theo danh sách Top phim Việt Nam Today trên Netflix). Vì thế, Netflix cho biết họ muốn khai thác và hợp tác sản xuất phim với Việt Nam. Trước mắt, đội ngũ Netflix đang trong quá trình học hỏi, nghiên cứu thêm về thói quen xem phim, giải trí của người dùng Việt Nam; bên cạnh việc đã mua bản quyền của một số bộ phim Việt để chiếu như: Yêu, Để mai tính, Trạng Quỳnh, Mẹ chồng, Siêu sao siêu ngố, Sài Gòn anh yêu em, Hạnh phúc của mẹ, Ngôi nhà bươm bướm... Chính khi bỏ số tiền lớn để mua bản quyền chiếu Hai Phượng trên Netflix, đội ngũ sản xuất của Netflix nhận ra phim Việt vẫn có thể có sức hút tại nhiều nước trên thế giới, kể cả khu vực Nam Mỹ, châu Âu... “Phim chiếu trên Netflix là cơ hội quý giá để Việt Nam quảng bá tầm vóc của một nền điện ảnh cũng như văn hóa Việt Nam. Hai Phượng thu hút khán giả quốc tế là minh chứng cho thấy những câu chuyện hay sẽ có sức lan tỏa, dù là ngôn ngữ nào đi nữa, và giúp các nhà làm phim Việt tin tưởng sẽ có cơ hội hợp tác với Netflix”, nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân của phim Hai Phượng nói.
Nhận định về đối tác Netflix, nhà sản xuất - đạo diễn Bảo Nhân và NamCito (thành công với loạt phim Gái già lắm chiêu) cho rằng cả ê kíp của anh lẫn giới làm phim Việt cần phải nỗ lực lớn và tự trang bị mọi thứ thật chuyên nghiệp trước khi mong phim mình được mua, bởi Netflix có những tiêu chuẩn chất lượng riêng cho các phim trình chiếu. Dù mỗi nước đều có những câu chuyện hay, độc đáo để kể nhưng khi xây dựng kịch bản phải mang tính phổ biến để nước nào xem cũng có thể hiểu được.
Tuy nhiên, như Ngô Thanh Vân nói, việc xúc tiến đầu tư làm phim Việt với Netflix chưa thể quyết định trong thời gian sớm được, bởi hệ thống kỹ thuật, máy móc, công nghệ, hậu kỳ, kỹ xảo của điện ảnh Việt chưa đủ hiện đại để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của Netflix. Vì sao Netflix đã đầu tư sản xuất The Stranded tại Thái Lan (chiếu vào tháng 11.2019) mà chưa hợp tác đầu tư sản xuất phim ở Việt Nam, đại diện Netflix từng cho biết: “Netflix vẫn đang tìm hiểu hướng phát triển tại Việt Nam và chọn lựa kịch bản, ê kíp đạo diễn - nhà sản xuất có tầm, đủ tài năng của Việt Nam để bắt tay cùng làm phim đóng “mác” Việt Nam với chất lượng chuẩn để thu hút khán giả toàn cầu của Netflix”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.