Nét duyên của 'Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ'

29/03/2021 12:00 GMT+7

Cuốn tạp bút Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ (NXB Lao Động - Chibooks phát hành) của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền vừa được tái bản sau một năm ra mắt.

Theo nhà văn Dạ Ngân: “Việc tạp bút của một tác giả không viết theo dòng văn học thị trường được tái bản khiến tôi thấy rất mừng, nó chứng tỏ quyển sách có duyên và thu hút thật sự”.
Nhà văn Dạ Ngân thừa nhận ngay bản thân chị nhìn bìa sách là muốn mua (và chị đã mua thêm dù đã được tặng). Đáng nói, cũng là chủ đề về Sài Gòn nhưng: “Góc nhìn của Thanh Tuyền không giống ai ở chỗ sau hơn 30 năm kể từ thời sinh viên đi học tại Sài Gòn, cô quay lại và cảm nhận, viết về nơi, về những rong ruổi bắt đầu từ vùng đất này. Đó là góc nhìn rất riêng của Thanh Tuyền. Văn chương là phải có nét riêng, và riêng là thắng, là sẽ có độc giả”, nhà văn Dạ Ngân nhìn nhận.
Tại buổi giao lưu sáng 28.3 ở TP.HCM nhân dịp tái bản, tác giả Đào Thị Thanh Tuyền cho biết sau khi nghỉ hưu (chị làm ở Sở Khoa học - Công nghệ Khánh Hòa), chị chuyển vào TP.HCM sống cùng các con từ năm 2015 và đề ra mục tiêu: tìm hiểu về Sài Gòn, viết nên những câu chuyện trên đường rong ruổi. “Tôi quyết định chọn Sài Gòn làm nơi định cư cho gia đình, mảnh đất nhiều yêu thương và rộng lòng với tôi cũng như với nhiều người. Và Nha Trang, xin giữ lại làm một chốn đi về. Tôi yêu cả hai nơi này. Yêu nhiều lắm, không nói hết được. Mà một phần nhỏ của cái sự yêu này nằm trong Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ”, tác giả chia sẻ. Sách cũng vừa được trao giải C - giải thường niên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa.
Cuốn tạp bút này, theo TS văn học Hà Thanh Vân: “Có thể xem như một dạng du ký nhưng cũng không hẳn thế, vì nó còn gửi gắm vào đó những tình cảm, sự luyến lưu của tác giả về những nơi chị đã đi qua”. TS Hà Thanh Vân chia sẻ: “Từng có luận văn cao học về dòng sách du ký của những nhà văn nữ, theo đó đa phần tác giả nữ viết thể loại này đều là người trẻ; riêng chị Thanh Tuyền thuộc thế hệ lớn hơn một chút, và viết ở độ tuổi này thường chú ý những gì làm cho chúng ta lắng đọng, trìu mến, yêu thương”. Vì vậy khi đọc, ta không chỉ biết thêm về cảnh đẹp, món ăn, nơi chốn... mà còn cảm nhận được cái tình, và quan trọng là, có thể kích thích người đọc xách ba lô lên hay khám phá để viết theo cách riêng của mình.
Đặc biệt, cuốn sách được minh họa bởi những bức vẽ màu nước của họa sĩ Pháp Jean-marc Potlet. Ông đến Việt Nam lần đầu vào năm 2015 khi tham gia Liên hoan tranh màu nước quốc tế IWS rồi sau đó liên tục trở lại Việt Nam nhiều lần, dành nhiều thời gian du ngoạn khắp các vùng miền như Hà Nội, Hạ Long, TP.HCM, Bến Tre, Vũng Tàu... để sáng tác tranh về Việt Nam với chất liệu màu nước. Cùng với nội dung mộc mạc, chân tình của tạp bút, những bức vẽ với hình ảnh rất thân quen cùng người Sài Gòn: người bán hàng rong, chợ hoa Hồ Thị Kỷ, cảnh kẹt xe... như những lát cắt về thành phố vừa mảnh mà tinh tế của Jean-marc Potlet (được chọn in trong sách kèm bộ postcard) tạo nên điểm xuyết duyên dáng cho Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.