Nepal đau đớn giã biệt di sản - Kỳ 3: Các vị thần mất thánh địa

06/05/2015 05:33 GMT+7

Nyatapola - đền thờ chính trong quảng trường Bhaktapur Durbar bị mất mái, đền Vatsala Devi nổi tiếng với tường đá sa thạch cùng chóp bằng vàng cũng bị phá hủy... là bước tiếp nối kéo dài những thiệt hại di sản văn hóa của Nepal .

Nyatapola - đền thờ chính trong quảng trường Bhaktapur Durbar bị mất mái, đền Vatsala Devi nổi tiếng với tường đá sa thạch cùng chóp bằng vàng cũng bị phá hủy... là bước tiếp nối kéo dài những thiệt hại di sản văn hóa của Nepal.
Nhiều người dân Nepal đã khóc khi các ngôi đền thờ cúng linh thiêng của họ bị phá hỏng bởi động đất - Ảnh: tribune.com.pkNhiều người dân Nepal đã khóc khi các ngôi đền thờ cúng linh thiêng của họ bị phá hỏng bởi động đất - Ảnh: tribune.com.pk
Là một trong số các di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1976, quảng trường Bhaktapur Durbar nằm trước cung điện hoàng gia của vương triều Bhaktapur cổ xưa. Hiện quảng trường này thuộc một thị trấn ở Bhaktapur (còn gọi là Bhadgoan), cách thủ đô Kathmandu 13 km về phía đông.
Quảng trường là một quần thể phức hợp bao gồm 4 khu vực riêng biệt là: Durbar, Taumadhi, Dattatreya và Pottery. Bhaktapur Durbar cũng được coi là cổng chào giàu sắc màu văn hóa nhất để bước vào thung lũng Kathmandu.
Những ai đã từng đến quảng trường này đều không tránh khỏi ngất ngây trước sức quyến rũ của các công trình di sản văn hóa lâu đời nơi đây. Nằm ở trung tâm quảng trường là Cung điện 55 cửa sổ (55 Window Place), được xây dựng từ năm 1427, bởi vua Bhupatindra Malla, tuy nhiên vẫn chưa được hoàn tất cho tới năm 1754 dưới thời trị vì của vua Jaya Ranjit Malla - đồng thời cũng là vị vua cuối cùng của triều đại Bhaktapur Malla. Ngày nay, Cung điện 55 cửa sổ này vẫn được coi như cung điện hoàng gia của triều đại Bhaktapur để sử dụng trong những dịp lễ quan trọng.
Lối đi vào bên trong cung điện đã bị đóng do vẫn còn nhiều thiệt hại hư hỏng bởi trận động đất từ năm 1934. Vì vậy du khách vẫn thường được giới thiệu đi qua một lối đi khác vòng quanh sân qua Cổng vàng (Golden Gate) - một kiến trúc xuất sắc với nhiều tác phẩm nghệ thuật trang trí tinh xảo, được vua Ranjit Malla cho xây dựng.
Không ít người đã từng ví rằng Cổng vàng là tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất và đa dạng nhất về loại hình này còn lại trên thế giới. Trên cổng được tô điểm bởi các bức tượng nữ thần Kali và người đàn ông mình chim Garuda cùng hai nữ thiên thần. Ngoài ra còn có nhiều sinh vật thần thoại bay lượn.
Theo ông Percy Brown, một nhà phê bình nghệ thuật người Anh nổi tiếng, thì Cổng vàng là phần nghệ thuật đáng yêu nhất của triều đại này, tựa như một viên ngọc lấp lánh, tỏa ra vô số những mặt đẹp đẽ ra môi trường xung quanh.
Ngoài ra còn có Cổng sư tử (Lion Gate) tuyệt đẹp với hai bức tượng sư tử sừng sững hai bên, được xây dựng từ năm 1696. Tương truyền những người thợ đã bỏ công sức ra làm công trình này sau đó đã bị vua bắt chặt tay vì ích kỷ, muốn họ không thể làm ra tuyệt tác thứ hai. Bên cạnh hai mặt cổng có hình tượng đá Bhairav (mặt đáng sợ của Shiva) và Ugrachandi (phối ngẫu của Shiva).
Quảng trường Bhaktapur Durbar cũng tập trung nhiều ngôi đền rất đẹp, vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật. Đó là đền Mini Pashupati, thờ thần Shiva, được cho là đã được xây dựng ngay trước cung điện ngay sau khi một vị vua Bhadgoan đã mơ tới nó. Hoặc đền Vatsala nổi tiếng với chuông như tiếng chó sủa và được tin như là chuông báo tử mỗi khi được rung lên.
Ở đây còn có đền Nyatapola (có nghĩa là biểu tượng của 5 nguyên tố cơ bản, theo ngôn ngữ Newar), đồng thời cũng là đền cao nhất ở Nepal từng được xây dựng với sự hoàn thiện về kiến trúc và vẻ đẹp nghệ thuật.
Đền Bhairava Nath được cho là dành riêng cho thần Bhairava - vị thần của sự kinh hoàng và cái chết. Đền Taleju thờ các nữ thần Taleju Bhawani, bao gồm cả Taleju Bhawani và Kumari. Ngoài ra quảng trường này còn có nhiều đền đài tuyệt đẹp khác nữa.
Động đất cứ bào mòn tất cả
Người dân Nepal còn nhớ rõ trận động đất năm 1934 đã từng khiến quảng trường Bhaktapur Durbar bị hư hại nghiêm trọng, rất nhiều ngôi nhà cổ tại đây đã bị phá hủy hoàn toàn và tới nay vẫn chưa hề xây lại được. Tiếp đó các khu vực khác như Kathmandu, Patan cũng bị ảnh hưởng.
Ngay từ thế kỷ 18, Bhaktapur đã nổi tiếng cả nước trong việc sản xuất các đồ gốm chất lượng cùng các công trình nghệ thuật tuyệt đẹp, bao gồm cả các tác phẩm điêu khắc trong đá và gỗ.
Giờ đây đền Nyatapola cao 5 tầng được xây dựng bởi vua Bhupatindra Malla suốt 5 tháng từ 1701 - 1702, là niềm tự hào của quảng trường Bhaktapur Durbar, nay cũng bị mất mái bởi trận động đất vừa qua. Tuy nhiên, như vậy vẫn được coi là rất may mắn cho ngôi đền thờ thần Siddha Laxmi - nữ thần tượng trưng cho sự thịnh vượng. Bởi Bhaktapur - thành phố của các tín đồ, nay tan hoang và trống vắng rất nhiều sau động đất. Thánh địa của các vị thần đã bị san quét trong nỗi xót thương của loài người.
Từ ngày 30.4, cổng vòm tại quảng trường Bhaktapur Durbar đã phải phá bỏ do nó bắt đầu sụp dần. Phần chạm khắc gỗ mô tả các vị thần đã bị long ra khỏi các viên gạch. Bất chấp những cấm kỵ linh thiêng của thần thánh, người dân nhiều khi phải buộc dây thừng để kéo các bức tượng hoặc những linh vật thờ cúng ra khỏi đống đổ nát. Trong đó có nhiều linh vật thờ cúng vốn được cất giữ kín từ nhiều năm. Nhiều người dân Nepal giàu tín ngưỡng hiện vẫn đang ra sức lùng sục, tìm kiếm từng mảnh nhỏ di tích trên thánh địa linh thiêng này với ước vọng tìm được một vật nhỏ để cầu may.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.