Nên tu bổ di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn thế nào?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
10/11/2021 06:20 GMT+7

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện xung quanh đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng ).

Tháng 12.2018, danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đến tháng 4.2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Công tác trùng tu, tu bổ di tích tại Ngũ Hành Sơn được khuyến cáo thận trọng để gìn giữ tính nguyên gốc

HOÀNG SƠN

Nên mở rộng ranh giới quy hoạch

Theo đơn vị tư vấn lập quy hoạch Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa Kiến Trúc Việt, quy mô lập quy hoạch gần 105 ha. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch được xác định: phía đông giáp đường Trường Sa và các khu vực ven Biển Đông; phía tây giáp sông Cổ Cò; phía nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2. Cụ thể, phương án quy hoạch là bảo vệ nguyên trạng toàn bộ diện tích đất trong ranh giới khu vực bảo vệ di tích cùng với khu vực mới bổ sung (diện tích gần 190.000 m2), thiết lập vùng đệm cây xanh rộng 20 m xung quanh khu vực này.

Tại báo cáo kết quả hội nghị phản biện xã hội đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Ủy ban MTTQ TP đã tổng hợp nhiều ý kiến giá trị của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa gửi đến Thành ủy, HĐND TP, UBND TP.Đà Nẵng. Các góp ý quy hoạch hết sức quan tâm đến sự hài hòa đối với cảnh quan “sơn kỳ thủy tú” của khu danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. “Cần hạn chế tối đa việc nhựa hóa, bê tông hóa, phố hóa trong khu vực này. Chẳng hạn, thay tráng nhựa mặt đường bằng sử dụng đá chẻ lát nền đường”, PGS-TS Ngô Văn Minh - Hội Di sản văn hóa TP.Đà Nẵng, kiến nghị.

Trong khi đó, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.Đà Nẵng cho rằng nên xem xét mở rộng thêm ranh giới nghiên cứu quy hoạch qua bên bờ bên kia của sông Cổ Cò khu vực hướng tây và nam của đồ án nhằm gắn kết cảnh quan ven sông với cảnh quan chung của danh thắng. Ông Huỳnh Văn Phương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.Đà Nẵng, cũng kiến nghị cần nghiên cứu rộng hơn, bao gồm sông Cổ Cò và ven biển.

Đồng quan điểm đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng cũng nhấn mạnh: cần quan tâm hơn đến vùng phụ cận của đồ án như sông Cổ Cò, khu vực ven biển và phía nam cầu Biện để đảm bao quanh đồ án tạo thành một tổng thể hài hòa, cảnh quan chung đẹp mắt, tránh việc chắp nối quy hoạch sau này.

Bảo tồn yếu tố gốc hiện vật và giữ dân cư bản địa

Liên quan đến định hướng phát huy giá trị di tích gắn với du lịch, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.Đà Nẵng, cho rằng cần gìn giữ, không được làm mất yếu tố gốc của hiện vật. Theo ông Tiếng, những cổ vật dưới lòng đất trong các khu di chỉ khảo cổ học ở Ngũ Hành Sơn là di chỉ nam hòn Thổ Sơn và di chỉ Vườn đình Khuê Bắc cần có tính toán để mở rộng diện tích khai quật, bởi vì đây chính là nơi phát tích quan trọng của cư dân bản địa Đà Nẵng, liên quan tới văn hóa tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh...

Một yếu tố gốc khác được ông Huỳnh Văn Phương đề cập là cư dân bản địa. Theo ông Phương, không nên giải tỏa trắng dân cư xen kẽ trong di tích mà chỉ giải tỏa các nhà dân ở khu vực sát chân núi, vì dân cư chính là hồn cốt, là văn hóa, là kiến trúc mang hơi thở cuộc sống, làm “sống động” thêm cho di tích.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng cũng nhìn nhận việc quy hoạch mô hình du lịch sinh thái làng quê tại khu vực phía tây bắc là phù hợp. Đây là khu vực có nhiều nhà cổ tư nhân, đã trải qua nhiều đời sinh sống, người dân ở đây cũng quen với lối sống này nên quan điểm giữ nguyên nét cổ kính của các ngôi nhà cổ.

Lần đầu tiên tổ chức khảo sát thực tế trước khi phản biện

Hội nghị phản biện xã hội đối với đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn do Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng tổ chức đã có báo cáo kết quả gửi các ngành liên quan. Theo Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên một hội nghị của đơn vị có tổ chức đi khảo sát thực tế địa bàn (với 2 đoàn có đầy đủ các chuyên gia, chủ đầu tư, địa phương sở tại) và có dự thảo cần phản biện. Hội nghị đã nhận được khoảng 50 ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người dân…

Các ý kiến đặc biệt quan tâm việc xây dựng bờ kè ở hữu ngạn sông Cổ Cò, đoạn qua Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn (chiều dài 1.414 m). Theo ông Bùi Văn Tiếng, cần “hết sức chú ý giám sát đối với công trình kè cứng đang tiến hành với những cọc bê tông dài khoảng 10 m”. Theo ông, cao độ đỉnh tường trước là +3,32 m, hiện nay đã điều chỉnh còn +2 m nhưng vẫn còn cao. Việc hạn chế kè theo dạng tường thẳng đứng có liên quan cuộc họp vào cuối tháng 4.2021 giữa Sở

VH-TT TP, Q.Ngũ Hành Sơn… bởi lúc đó đã đi đến thống nhất phải giữ gìn, bảo tồn xung quanh khu vực di sản. Do đó, đề nghị điều chỉnh hạ cao độ đỉnh kè, cao hơn so với cao độ đường bê tông hiện trạng khoảng 0,3 m, sử dụng giải pháp thiết kế kè mềm, đồng thời tạo cảnh quan cho khu di tích và khu vực. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP xem xét cân nhắc các ý kiến liên quan đến bờ kè này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.