Nền tảng then chốt trong xu hướng địa chính trị khu vực

08/07/2015 06:30 GMT+7

Đó là nhận xét của ông Ernest Z.Bower, Cố vấn cao cấp - Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington D.C (Mỹ), về ý nghĩa quan hệ Việt - Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương.

Đó là nhận xét của ông Ernest Z.Bower, Cố vấn cao cấp - Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington D.C (Mỹ), về ý nghĩa quan hệ Việt - Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương.

       

Theo lịch trình dự kiến trong chuyến thăm chính thức đến Mỹ từ ngày 6 - 10.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đến thăm và có bài phát biểu tại CSIS về quan hệ song phương. Trước thềm sự kiện này, ông Bower hôm qua đã có cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên.

* Ông nhận xét thế nào về chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

- Chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington D.C, mà cụ thể là cuộc viếng thăm Nhà Trắng, có ý nghĩa lịch sử và rất đúng lúc. Đây là lần đầu tiên một Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN viếng thăm Nhà Trắng, vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ và 40 năm kết thúc Chiến tranh VN.

Washington đang nhìn nhận Hà Nội như một trong các rường cột trong tư duy chiến lược ở khu vực Đông Nam Á hiện nay. Sự chào đón nồng nhiệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hứa hẹn 2 lãnh đạo có thể đạt nhiều bước tiến xa hơn trong việc xây dựng lòng tin chiến lược cùng sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước.

* Như vậy, khi quan hệ Việt - Mỹ được thắt chặt hơn sẽ tác động thế nào đến địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương?

- Mỹ ngày càng tin rằng Đông Nam Á là trung tâm địa chính trị của châu Á trong thế kỷ 21. Cấu trúc an ninh kinh tế, chính trị quan trọng nhất ở khu vực Ấn Độ Dương - Tây Thái Bình Dương sẽ có nền tảng trung tâm là Đông Nam Á, thay thế sự kiểm soát của bất kỳ cường quốc nào dù là Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc.

Thay vì tập trung vào một nước nào đó, quyền lực được phân chia cân bằng hơn dựa trên chia sẻ tầm nhìn chung, luật pháp quốc tế và hợp tác kinh tế. Mô hình này chính là viễn cảnh cho sự phát triển hòa bình của khu vực trong giai đoạn còn lại của thế kỷ 21.

Quan hệ Việt - Mỹ là nền tảng then chốt cho quá trình tiến triển theo khuynh hướng trên. Cả hai nước đều tin vào một cấu trúc an ninh và hợp tác - liên kết kinh tế dựa trên luật lệ chung, được xây dựng trên cơ sở công bằng và minh bạch. Tôi tin chuyến thăm lần này sẽ nhấn mạnh những giá trị chung vừa nêu.

* Theo ông, sau chuyến thăm, Mỹ sẽ đẩy mạnh chính sách xoay trục sang châu Á mà Tổng thống Obama đã đề ra hay không?

- Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều hiểu rằng châu Á là khu vực quan trọng nhất đối với Mỹ. Không hề có sự chia rẽ trong quan điểm này. Vì thế, Mỹ sẽ nỗ lực hơn nữa vào an ninh và kinh tế khu vực. Trong khi đó, VN quan tâm và khuyến khích xu hướng này nhằm nỗ lực giữ vững sự cân bằng ở châu Á, nhất là giữa lúc khu vực có nhiều biến động.

*Xin cám ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.