Nên tăng liều lượng gói hỗ trợ

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
22/02/2021 04:51 GMT+7

Bộ Tài chính mới đề xuất tiếp tục gia hạn tiền thuê đất, thuế thêm 3 - 5 tháng cho doanh nghiệp.

Đề xuất này hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Thế nhưng hỗ trợ như thế nào để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, nhất là doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận được... mới là vấn đề đáng bàn hơn.
Thực tế trong suốt 1 năm qua, từ khi các chính sách hỗ trợ như ưu đãi lãi suất, giãn - giảm thuế được triển khai nhưng việc tiếp cận vẫn rất khó khăn. Thậm chí gói 16.000 tỉ đồng, lãi suất 0% dành cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 DN còn không thể tiếp cận được vì các điều kiện quá ngặt nghèo.
Sau nhiều phản ánh, kiến nghị, các điều kiện được nới lỏng hơn nhưng tính đến cuối tháng 1 vừa rồi cũng mới chỉ giải ngân được gần 32 tỉ đồng, một tỷ lệ quá ít ỏi so với tổng giá trị gói vay và ít tới vô lý so với nhu cầu trên thực tế. Đáng nói, các DN du lịch, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sớm nhất, tính tới thời điểm này gần như vẫn đứng ngoài các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cũng xin lưu ý rằng, du lịch vốn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn và tính lan tỏa của ngành công nghiệp không khói đến hàng loạt các ngành dịch vụ khác là rất lớn.
Một yếu tố quan trọng nữa là "liều lượng" của gói hỗ trợ. Gia hạn, giãn tiền thuê đất hay thời gian nộp thuế thêm vài tháng... trong tình trạng "sức khỏe" của cộng đồng DN hiện nay nói thẳng là chưa đủ.
Dịch bệnh bất ngờ ập đến và kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đa số DN đều trong tình trạng cầm cự, cố gắng duy trì sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động nên giãn hay gia hạn đóng thuế thu nhập DN với đối tượng này là không có tác dụng vì chỉ khi có lợi nhuận, họ mới phải đóng thuế.
Một số ít DN có lời nhưng khó khăn về dòng tiền, giãn vài tháng cũng chẳng thấm thía gì. Có lẽ cũng chỉ đủ họ xoay xở kịp đủ tiền đóng thuế, chưa đủ dư địa về thời gian để quay vòng vốn... Do đó, vì đề xuất gia hạn, nên thực hiện miễn, giảm thuế, tiền thuê đất cho DN, người dân.
Với liên tục các cú "đánh bồi" của dịch bệnh, chính sách hỗ trợ cũng phải tăng liều lượng tương ứng mới có thể phát huy tác dụng. Chẩn đúng bệnh, bốc đúng thuốc, bệnh mới khỏi, đó là logic ai cũng biết. Đặc biệt, phải có rà soát và có hỗ trợ khẩn cấp, thiết thực cho những ngành có sức lan tỏa nhưng bị tác động nặng nề vì dịch bệnh như du lịch, dịch vụ vận tải, hệ thống lưu trú... trước khi quá muộn. Hầu hết DN hoạt động trong các lĩnh vực này hiện đang thoi thóp, rất nhiều đơn vị đã đóng cửa...
Quan trọng hơn, gói hỗ trợ lần này phải rút kinh nghiệm những vướng mắc không đáng có của các lần trước để có thể thực hiện ngay và luôn. Đó là các điều kiện vô lý, khó khăn khiến DN không thể tiếp cận được; đó là hướng dẫn chậm, triển khai trễ ở các đơn vị bên dưới... Dịch Covid-19 đã hơn 1 năm, ngành nào khó, khó chỗ nào; đối tượng nào vẫn hưởng lợi trong cái khó chung của cộng đồng... thiết nghĩ đã rõ.
Gói hỗ trợ lần này vì thế phải đến đúng nơi, đúng thời điểm, đúng liều lượng... mới phát huy tác dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.