Nền giáo dục Việt Nam rất đặt nặng vào 'tuân thủ nội quy'

29/09/2017 14:43 GMT+7

Đó là nhận định của tiến sĩ Bùi Thanh Bình, giảng viên chính môn Kế toán, Khoa Kế toán và Luật Thương mại, Trường đại học Tổng hợp Victoria, Wellington, New Zealand, nhân chuyện diễn ra ở Trường THPT Lương Thế Vinh , Hà Nội.

Văn hoá "tuân thủ quy định" hay văn hoá "phát triển và cầu tiến"?
Tôi có đọc trên Facebook chia sẻ về một mẹ về tình hình giáo dục ở trường THPT Lương Thế Vinh. Xin chia sẻ quan điểm của cá nhân tôi từ quan điểm của người ngoài cuộc.
Nền giáo dục Việt Nam rất đặt nặng vào "tuân thủ nội quy". Xin nói từ kiến thức về nghiên cứu trong chính lính vực mà tôi đang làm. Nội quy chỉ là một phần, một phương pháp quản lý trong môi trường giáo dục hay kinh doanh. Nghiên cứu chứng minh, đặt nặng vào nội quy thì sẽ tạo ra những con người chỉ biết tuân thủ, làm việc theo một khuôn mẫu, chuẩn mực sẵn có mà không biết sáng tạo hay cầu tiến. Một tổ chức đặt nặng vào việc tạo ra những con người khác biệt, đa đạng thì sẽ có những cơ chế để tôn trọng và phát triển sự đa dạng ấy. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng những tổ chức này sẽ sử dụng những hệ thống quản lý cho phép sự tương tác, đối thoại giữa những tầng lớp và cơ sở khác nhau (ví dụ trong trường hợp này là giữa giáo viên và ban quản trị, giữa nhà trường và phụ huynh, báo chí) để tạo cơ hội cho những hồi đáp và ý tưởng được xem xét và thực hiện một cách nhanh chóng. Những điều này dẫn đến một văn hoá cầu tiến và phát triển thay vì "tuân thủ nội quy". Nói thế để thấy đây có thể là một vấn đề mang tính hệ thống, không chỉ trong môi trường giáo dục, mà các cơ quan, tổ chức trong xã hội Việt Nam.
Con tôi trước khi vào lớp 1 trong 4 tờ đơn xin lên lớp chỉ có 2 tờ quy định về thức ăn trưa được phép mang đến trường (để đảm bảo dinh dưỡng và giảm thiểu nguy cơ dị ứng với những bạn khác) và hướng dẫn về cách sử dụng máy tính cá nhân trong trường, thì chả có quy định nào nữa. Còn ăn mặc thế nào cũng được (miễn không mặc quần áo ngủ đến trường), đầu tóc thì tự do đi. Vấn đề là, bản thân môi trường tốt, các con tự điều chỉnh hành vi để không ảnh hưởng xấu đến người khác, thế thôi, chứ không bao giờ phải vào một "khuôn khổ" hay "chuẩn mực" nào.
Ai cũng biết thế hệ mới, thường gọi là Generation Z có cái tôi rất lớn tạo ra những thách thức rất lớn cho giáo dục. Tuy nhiên có lẽ chúng ta phải thay đổi cách giáo dục đề phù hợp với những đặc tính này, thay vì cố gò để giết chết cái tôi, cái tự tin, để tạo ra những con rô bốt đi theo một khuôn khổ hay chuẩn mực sẵn có.
Ở bên New Zealand, sau mỗi kì bố mẹ sẽ được gửi báo cáo về tình hình học tập của con cũng như phát triển về tính cách, nhân cách. Mỗi bản báo cáo sẽ hoàn toàn cá nhân và bảo mật, vì vậy mỗi học sinh sẽ không biết các bạn khác giỏi hơn và kém hơn ở điểm nào. Sự so sánh, ghen tị vì thế mà gần như không có. Tuy nhiên mỗi môn học sẽ có những phần thi đua và những bạn xuất sắc sẽ được giấy khen mang về nhà. Ví dụ, học sinh giỏi toán của tuần. Học sinh xuất sắc về hoạt động thể dục. Thậm chí những việc nhỏ như giúp đỡ bạn cũng sẽ được giấy khen. Nói chung cô giáo và nhà trường sẽ luôn tìm ra những điểm tích cực để động viên và khen thưởng các học sinh.
Ở New Zealand không có hội phụ huynh của mỗi lớp. Cả trường con tôi có một ban phụ huynh gồm 3-4 người gì đấy, chỉ có mục đích để tổ chức các hoạt động gây quỹ cho trường, hay các hoạt động ngoài giờ học chính thức cho các học sinh. Hội phụ huynh sẽ không tham dự vào bất cứ vấn đề gì liên quan đến học thuật, hay học phí, cũng như mối quan hệ giữa giáo viên- học sinh-gia đình. Mỗi kì sẽ có cuộc họp phụ huynh của cha mẹ mỗi bé với cô giáo chủ nhiệm để thông báo về các kết quả học tập của mỗi học sinh. Tất nhiên sẽ có những chuẩn quốc gia cho mỗi cấp, và học sinh sẽ được xem xét xem có đạt chuẩn hay không. Thường không có họp chung cả lớp vì vậy không có cơ hội để kiểm điểm, phê bình công khai gây xấu hổ cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Ít khi thấy từ “kỷ luật” trong môi trường giáo dục
Khi nghĩ đến từ "kỷ luật" tôi cảm thấy khó khăn để đưa ra ví dụ cho quy trình kỷ luật ở bên này. Lý do là vì tôi cực kì hiếm khi bắt gặp từ này được sử dụng trong môi trường giáo dục cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Điều này tiêu biểu cho việc kỷ luật không phải là một quy trình hay hành động được tán thưởng hay chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, tổ chức nào cũng có một quy trình kỷ luật ghi trên giấy tờ rất rõ ràng. Nhưng để thực hiện nó thì có rất ít trường hợp. Tôi dạy trong môi trường đại học 12 năm mới trực tiếp xử lý một trường hợp kỷ luật sinh viên, và nghe đến 2-3 trường hợp kỷ luật khác.
Khi học sinh còn nhỏ - mẫu giáo hoặc cấp 1: Nếu học sinh có những biểu hiện ngỗ ngược hay học kém, trước khi thông báo đến gia đình, thầy cô sẽ cố gắng giúp các em sửa đổi hành vi bằng nhiều biện pháp. Sau đó thầy cô sẽ liên lạc và thảo luận với gia đình, lắng nghe ý kiến giải thích của gia đình và miêu tả hành vi ở nhà để xem vấn đề có phải do bạn bè hay môi trường học tập). Bố mẹ sẽ có những biện pháp can thiệp, ví dụ cố gắng uốn nắn con ở nhà. Nhà trường và gia đình có thể đưa ra những biện pháp khác, ví dụ như cho giáo viên dạy kèm riêng cho học sinh đó (có thể gia đình phải đóng góp kinh phí), hoặc lý do là em học sinh đó không phù hợp môi trường của lớp, thì sẽ xem xét chuyển lớp, cuối cùng mới là chuyển trường. Lưu ý, chuyển trường thường sẽ là lựa chọn của gia đình học sinh, chứ giáo viên không thể đưa ra lời doạ "đuổi học". Sẽ có những trường hợp học sinh bị yêu cầu nghỉ học, nhưng thường chỉ nghỉ một thời gian rồi đi học lại (vẫn ở ngôi trường đó). Tôi chưa nghe thấy trường hợp nào học sinh bị "đuổi" khỏi trường.
Khi học sinh đã lớn hơn trước khi đưa ra bất cứ hình thức "kỷ luật" nào, giáo viên và nhà trường phải nghe trình bày và giải thích của học sinh. Những giải thích hợp lý thì hành vi sẽ được bỏ qua, chỉ với lời nhắc nhẹ nhàng. Phải là hành vi liên tục lặp đi lặp lại và hoàn toàn cố ý thì mới đưa ra những hình thức kỉ luật nặng hơn, ví dụ, trừ điểm, cho rớt môn... Quyền lợi của học sinh cực kỳ đưọc tôn trọng và bảo vệ. Ví dụ ở trường đại học tôi dạy các giáo viên thường rất khó để kỷ luật được học sinh nào, vì để đưa ra một quyết định kỷ luật chính thức phải đi qua rất nhiều cấp và uỷ ban, từ lãnh đạo khoa, trường, uỷ ban học thuật, uỷ ban sinh viên. Và ở bất cứ cấp nào, sinh viên cũng có quyền "kháng cáo". Cho nên một cách mà rất nhiều người chọn, đó là "cho cơ hội thứ 2". Ví dụ nếu sinh viên bị phát hiện copy bài bạn đem nộp, sau khi nghe sinh viên giải thích và đưa ra lời cảnh cáo nhẹ nhàng, tôi sẽ cho sinh viên đó làm lại bài, và sẽ trừ bớt số điểm cho phép, tương tự với trường hợp giảm điểm khi sinh viên nộp chậm bài thông thường.
Tôi nghĩ với tinh thần đối thoại 2 bên thế này sẽ tôn trọng quan điểm và quyền lợi mỗi bên, cũng như cho phép mọi chuyện được giải quyết trước khi nó đi quá xa. Tinh thần đối thoại sẽ cho phép chúng ta bàn luận trên cơ sở bình đẳng, chứ không phải nỗi sợ sệt và chênh lệnh quyền lực. Học sinh không phải sợ cô giáo vì cô giáo sẽ "trù". Cha mẹ không phải sợ vì nếu không làm theo những gì cô giáo nói, nhà trường yêu cầu thì sẽ bị "đuổi học" khi rõ ràng họ không có lựa chọn khác.
Và nếu ngay từ mái trường chúng ta có sự tôn trọng nhau thế này, ra ngoài xã hội cuộc sống cũng sẽ đơn giản và yên bình hơn, sẽ thêm nhiều thấu hiểu, những cái bắt tay hợp tác và nụ cười thay vì những cái cúi đầu, tuân thủ nhưng kèm theo là những uất ức và những dòng nước mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.