Nên bỏ tích hợp một số môn học để 'lối cũ ta về'

Nguyễn Xuân Khang
(Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội)
24/07/2023 15:08 GMT+7

Việc triển khai thực hiện tích hợp ở cấp THCS quá khiên cưỡng, không thấy ưu điểm, chỉ thấy rắc rối cho việc giảng dạy của giáo viên. Tôi đề nghị sau khi thay sách hết lớp 12, Bộ GD-ĐT nên đánh giá lại, bỏ tích hợp, "lối cũ ta về"...

Chương trình cũ (2006) ở cấp THCS có 5 môn học riêng biệt: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Chương trình mới (2018) yêu cầu tích hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học thành một môn học là khoa học tự nhiên; tương tự, tích hợp môn lịch sử, địa lý thành một môn học là lịch sử và địa lý. Thực tế như thế nào?

Môn khoa học tự nhiên: Lớp 6, lớp 7 tích hợp kiểu "xôi đỗ", lớp 8 lại như tổ hợp

Với lớp 6, lớp 7, sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên được viết thành các chủ đề hoặc chương. Chương này có thể là lý, chương sau sẽ là hóa, chương sau nữa là sinh. Lý, hóa, sinh xếp lẫn lộn theo kiểu "xôi đỗ". Trong chương và trong từng bài học không có sự tích hợp các kiến thức lý, hóa, sinh như kỳ vọng mà là thuần túy kiến thức của phân môn.

Về giáo viên, do chưa có giáo viên dạy học tích hợp nên với đội ngũ giáo viên dạy đơn môn hiện có, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Thủ đô tổ chức các lớp học "cấp tốc", khoảng 8 tháng, đào tạo bổ sung các phân môn cho giáo viên có nhu cầu.

Trường chúng tôi động viên giáo viên đi học để về dạy môn khoa học tự nhiên, kinh phí học nhà trường cung cấp. Giáo viên lý đi học thêm hóa, sinh; giáo viên hóa đi học thêm lý, sinh; giáo viên sinh đi học thêm lý, hóa.

Đến nay, tất cả giáo viên đã được cấp Chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên. Chúng tôi phân công mỗi giáo viên khoa học tự nhiên dạy cả 3 phân môn lý, hóa, sinh.

Thực tế, giáo viên "gốc lý" thì rất vất vả và thiếu tự tin khi phải dạy hóa, sinh. Giáo viên "gốc hóa" thì thiếu tự tin khi phải dạy lý, sinh. Giáo viên "gốc sinh" thiếu tự tin khi phải dạy lý, hóa. Ở lớp 6, kiến thức lý, hóa, sinh còn đơn giản, càng lên cao kiến thức càng sâu…, giáo viên dạy trái môn càng vất vả và càng mất tự tin. Học sinh hỏi thêm một chút, giáo viên đành nói: "Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này sau!".

Đến lớp 8, chúng tôi mới tiếp cận sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên lớp 8 để chuẩn bị dạy học cho năm học 2023 - 2024 tới thì thấy sách giáo khoa thể hiện 4 phần riêng biệt, không "xôi đỗ" như lớp 6, lớp 7.

Cụ thể, phần 1 là nội dung của môn hóa với chủ đề: Chất và sự biến đổi chất; phần 2 nội dung của môn vật lý với chủ đề Năng lượng và sự biến đổi; phần 3 và phần 4 thuộc về môn sinh học với chủ đề Vật sốngTrái đất và bầu trời.

Như vậy, năm học 2023 - 2024 sẽ phân công dạy môn khoa học tự nhiên lớp 8 thuận lợi hơn, giáo viên của phân môn nào sẽ dạy phân môn ấy. Các phân môn lý, hóa, sinh song song dạy từ đầu năm đến cuối năm. Thời khóa biểu sẽ thể hiện rõ môn khoa học tự nhiên từng buổi sẽ dạy phân môn gì, tương tự như khi chưa thay sách mới.

Chưa biết sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên lớp 9 sẽ như thế nào, nhưng nhiều người dự đoán sẽ như ở lớp 8. Như vậy, sách giáo khoa khoa học tự nhiên lớp 8 không thấy bóng dáng của tích hợp nữa mà tương tự tổ hợp 3 phân môn lý, hóa, sinh.

Việc tổ hợp các phân môn thành một môn học mới sẽ thuận lợi cho việc tổ chức giảng dạy, không phải đào tạo lại giáo viên. Lực lượng đông đảo giáo viên đã được đào tạo trước đây và trải qua nhiều năm có kinh nghiệm giảng dạy các môn sử, địa, lý, hóa, sinh được phát huy hết khả năng. Giáo viên vô cùng phấn khởi.

Lịch sử và địa lý: Tích hợp chỉ là gộp 2 môn vào một quyển sách

Sách giáo khoa của môn lịch sử và địa lý khác với cách sắp xếp của môn khoa học tự nhiên.  Mở sách giáo khoa môn này ra thấy ngay 2 phần riêng biệt: phần lịch sử được in toàn bộ ở phần nửa trước của sách và phần địa lý chiếm trọn nửa sau. Hình như môn học này không bận tâm đến chuyện tích hợp. Các nhà viết sách giáo khoa cũng rạch ròi hai nhóm: nhóm viết lịch sử, nhóm viết địa lý.

Trước đây, có 2 cuốn sách giáo khoa lịch sử và địa lý riêng biệt thì nay in gộp vào một cuốn sách giáo khoa có tên lịch sử và địa lý.

Cuốn sách giáo khoa lịch sử và địa lý lớp 7 có 2 chủ đề chung: Các cuộc đại phát kiến địa lý; Đô thị: Lịch sử và hiện tại. Ở 2 chủ đề này có hơi hướng tích hợp lịch sử và địa lý. Nhưng thú vị là ở chỗ, chủ đề về phát kiến địa lý thì giáo viên sử dạy thích hợp hơn giáo viên địa; chủ đề lịch sử đô thị thì giáo viên địa thuận tay hơn giáo viên sử.

Do cách thiết kế môn học tích hợp như vậy nên việc tổ chức dạy môn lịch sử và địa lý không khác trước: giáo viên sử thì dạy sử, giáo viên địa thì dạy địa. Thời khoá biểu cũng rõ ràng như các môn học đơn môn.

Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ cũng riêng biệt giữa sử và địa. Chỉ khác mỗi một việc: điểm cuối học kỳ, cuối năm học của môn lịch sử và địa lý là điểm trung bình của 2 phân môn. Giáo viên sử và giáo viên địa không cần thiết phải đi học bồi dưỡng để dạy cả 2 phân môn.

Tôi đề xuất: "Lối cũ ta về"

Việc triển khai thực hiện tích hợp 3 môn lý, hóa, sinh thành môn khoa học tự nhiên; tích hợp 2 môn sử, địa thành môn lịch sử và địa lý như nói ở trên quá khiên cưỡng; không thấy ưu điểm, chỉ thấy rắc rối cho việc giảng dạy của giáo viên môn khoa học tự nhiên.

Tôi đề xuất sau khi thay toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 (năm 2025), đề nghị Quốc hội và Chính phủ đánh giá toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các bộ sách giáo khoa đã được sử dụng.

Theo tôi, nên bỏ việc tích hợp một số môn học ở THCS. "Lối cũ ta về": vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý là những môn học độc lập, sách giáo khoa in riêng cho từng môn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.