'Né bẫy' này vừa tránh điểm liệt tốt nghiệp, vừa dễ đậu đại học

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/04/2022 06:00 GMT+7

Thấy bạn bè đăng ký bài thi khoa học xã hội tốt nghiệp THPT vì 'dễ điểm cao', có thí sinh đăng ký theo nhưng phút cuối té ngửa vì ngành mình xét tuyển đại học không có môn sử, địa, giáo dục công dân!

Câu chuyện ấy được chuyên gia cảnh báo cho các thí sinh (TS) trong chương trình Tư vấn mùa thi với chủ đề “Chiến thuật chọn tổ hợp môn xét tuyển” của Báo Thanh Niên, sẽ phát trên Đài phát thanh - truyền hình Đắk Lắk, đồng thời trên thanhnien.vn, YouTube, Tiktok Báo Thanh Niên chiều nay 15.4. Chương trình do Vingroup tài trợ.

Chiến thuật “né bẫy”

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhắc lại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS phải thi 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân hoặc khoa học tự nhiên (KHTN) với vật lý, hóa học, sinh học.

Tiến sĩ Hải khuyên TS đăng ký thi tốt nghiệp THPT cần xác định là đậu tốt nghiệp mới vào được đại học (ĐH). Điểm xét tuyển vào ĐH có cao tới đâu mà thi tốt nghiệp bị điểm liệt thì cũng không ích gì.

Các chuyên gia cho thí sinh lời khuyên chọn tổ hợp môn để tăng cơ hội trúng tuyển

THANH HẢI

“Từ lớp 10 các em đã theo đuổi những ban thế mạnh của mình, KHTN hoặc KHXH. Các em nên chọn các bài thi tổ hợp là môn sở trường đó để tránh bị điểm liệt và làm bài thi tốt nhất. Đừng để phút chót mới chọn đại một bài thi thì dễ rủi ro”, ông Hải khuyên.

Tiến sĩ Hải cho biết theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2021 tỷ lệ chọn bài thi tổ hợp KHXH tốt nghiệp cao hơn hẳn các năm. Và nhiều em đã “mắc bẫy”, đó là ban đầu chọn bài thi tổ hợp KHXH vì thấy sử, địa, đặc biệt là giáo dục công dân, dễ đạt điểm cao kéo theo tổng điểm cao. Tuy nhiên, khi xét tuyển vào ĐH, các ngành như công nghệ thông tin, khoa học sức khỏe… cần tổ hợp toán, hóa, sinh hay toán, lý, hóa thì không có môn để xét. Dù có tốt nghiệp loại giỏi các em cũng rớt ĐH.

Từ lớp 10 các em đã theo đuổi những ban thế mạnh của mình, KHTN hoặc KHXH. Các em nên chọn các bài thi tổ hợp là môn sở trường đó để tránh bị điểm liệt và làm bài thi tốt nhất. Đừng để phút chót mới chọn đại một bài thi thì dễ rủi ro.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, Trưởng khoa Kinh tế và luật, Trường ĐH Thái Bình Dương, khuyên nếu chỉ cần tốt nghiệp THPT thì TS nên chọn một tổ hợp mình thấy ổn nhất, tránh bị điểm liệt là được. Tuy nhiên, nếu dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH thì cần đặc biệt chú ý sở trường, năng lực của mình, nhu cầu của xã hội để chọn ngành, sau đó xem ngành mình chọn cần tổ hợp môn nào để đăng ký bài thi tổ hợp tốt nghiệp cho phù hợp.

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng TS cần phải nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh từng trường. Mỗi ngành với mỗi trường có thể có tổ hợp môn khác nhau. “Khi chọn đúng bài thi tổ hợp là các môn thế mạnh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển ĐH. Dựa trên các môn nền tảng đó, các bạn sẽ học ĐH nhẹ nhàng, dễ dàng hơn”, thạc sĩ Trắng chia sẻ.

Chú ý gì khi xét tuyển vào cao đẳng ?

Thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết từ năm 2016, nếu TS có nguyện vọng học các ngành ở CĐ mà không phải sư phạm, thì chỉ cần tìm hiểu ngành, chọn trường, liên hệ trực tiếp với các trường để biết cách thức đăng ký, nộp hồ sơ.

Thạc sĩ Đặng Thị Tuyết Nhi, chuyên gia tư vấn Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho biết nhà trường có nhiều tổ hợp môn xét tuyển, phổ biến nhất là A00, A01, D01. Trường có xét tuyển bằng học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo cô Nhi, học sinh nên xem ưu thế của mình là môn học gì thì đăng ký bài thi tổ hợp KHXH hay KHTN. “Yêu thích trường nào, các em nên theo dõi phương thức xét tuyển của trường đó”, cô Nhi khuyên.

Thế nào là một tổ hợp môn xét tuyển mạnh?

Tiến sĩ Võ Thanh Hải nhấn mạnh ngành học, trường ĐH thì có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp, nhưng khi đã chọn sai bài thi tổ hợp thì không thể sửa được.

Thầy Hải lưu ý mỗi ngành ở mỗi trường có những tổ hợp môn khác nhau. “Bài tổ hợp thi tốt nghiệp là các môn sở trường của các em. Còn tổ hợp môn xét tuyển mạnh nhất đó là tổ hợp cho điểm cao nhất. Các em hãy đọc đề án tuyển sinh của các trường. Có trường tổ hợp toán, lý, hóa chỉ tiêu ít, nhưng toán, lý, tiếng Anh lại nhiều hơn chẳng hạn. Hãy chú ý chọn tổ hợp môn mạnh để xét tuyển, tăng cơ hội trúng tuyển ĐH”, tiến sĩ Hải đúc kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.