NĐ132: Thủ tướng giao sửa đổi, Bộ Tài chính kéo sang năm sau

Mai Phương
Mai Phương
29/11/2023 07:23 GMT+7

Việc sửa đổi Nghị định 132 quản lý thuế với giao dịch liên kết là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, có ý nghĩa sống còn với hàng nghìn doanh nghiệp, nên Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi báo cáo Thủ tướng trong quý 4 này. Thế nhưng, theo tiến độ mà Bộ Tài chính đưa ra thì đến quý 3 năm sau bộ này mới tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Trần lãi vay 'đè' DN

Theo Nghị định số 132/2020, các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết được tính tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần.

Thủ tướng giao sửa đổi, Bộ Tài chính kéo sang năm sau - Ảnh 1.

Doanh nghiệp đang trông chờ sửa đổi quy định khống chế trần lãi vay theo Nghị định 132/2020

NGỌC THẮNG

Sau 3 năm áp dụng quy định này, các DN đã gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những năm trước đây khi mặt bằng lãi suất ổn định ở mức trung bình thấp, chi phí lãi vay của hầu hết các DN đều dưới mức 30% này. Thế nhưng từ cuối năm 2022 và trong năm 2023, mặt bằng lãi suất tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều DN vượt mức 30% cho phép của Nghị định 132. Hệ quả là các DN này bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn, chi phí vốn lại tăng cao khiến DN khó chồng thêm khó.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nhiều lần có công văn kiến nghị đề xuất Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ quy định này vì không hợp tình hợp lý. Cụ thể, theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, chi phí lãi vay phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN là "chi phí hợp pháp" được quy định tại luật Đầu tư 2020 cũng như luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định khách hàng vay vốn phải có "mục đích sử dụng vốn hợp pháp".

Bên cạnh đó, lãi vay là chi phí hợp pháp nên phải được nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN trong năm tài chính. Điều này mới phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời "bức tranh" hoạt động của DN.

Hơn nữa, quy định phần chi phí lãi vay không được trừ sẽ chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo trong thời gian không quá 5 năm cũng có thể làm thiệt thòi cho các DN. Bởi lẽ trường hợp DN trong thời gian 5 năm tiếp theo nếu kinh doanh bị thua lỗ, hòa vốn, kể cả trường hợp có lãi nhưng tổng chi phí lãi vay phát sinh không thấp hơn mức quy định thì coi như toàn bộ phần chi phí lãi vay không được trừ trước đó sẽ không được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo… Do vậy, HoREA đề xuất Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về trần chi phí lãi vay theo hướng chỉ áp dụng đối với DN nước ngoài có giao dịch liên kết, không áp dụng đối với DN trong nước.

Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng đã gửi công văn kiến nghị những bất cập của Nghị định 132. Theo VASEP, phần lớn DN của VN là nhỏ và vừa, các DN mới khởi nghiệp, nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển. Việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của DN. Điều này khiến DN không có đủ tiềm lực hoặc ngại đầu tư, đổi mới công nghệ. Trong khi đầu tư, đổi mới là sống còn cho sự phát triển của DN nói riêng, cũng như nền kinh tế của đất nước nói chung.

Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc Phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết - Deloitte Việt Nam, trong quá trình áp dụng Nghị định 132, các DN đã gặp một số khó khăn. Điển hình như các hồ sơ dùng để chứng minh chi phí được trừ cho dịch vụ nội bộ tập đoàn cũng gây ra nhiều khó khăn vì quy định yêu cầu "dịch vụ từ các bên liên kết chỉ được xác định đã cung cấp trong điều kiện hoàn cảnh tương tự các bên độc lập chi trả cho các dịch vụ này".

Trên thực tế, hầu hết các dịch vụ nội bộ chỉ cung cấp cho nội bộ tập đoàn nhằm hỗ trợ cho các hoạt động của các công ty thành viên, đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả về chi phí. Do vậy, sẽ không thể tìm được giao dịch tương tự đã cung cấp cho bên độc lập để chứng minh. Hay xác định loại hình liên kết trong trường hợp khoản vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay. Quy định này sẽ dẫn đến trường hợp ngân hàng thương mại vốn không có quan hệ gì về vốn và điều hành nhưng lại trở thành "bên liên kết" với DN. Điều đó không phù hợp với nguyên tắc "bản chất quyết định hình thức" của luật Quản lý thuế cũng như của chính Nghị định 132.

Bà Mai Hạnh nhấn mạnh: Quy định về mức trần chi phí lãi vay hiện đang chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế VN, đặc biệt là DN VN có nhu cầu sử dụng vốn vay lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc các DN cần hồi phục và phát triển sau giai đoạn Covid-19.

Kéo dài thêm 1 năm là quá chậm chạp

Trên thực tế, việc DN không dám mạnh dạn vay vốn cho hoạt động cũng là một nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng thừa tiền mà không thể cho vay. Quy định trần chi phí lãi vay này khiến DN không thể lớn được nhưng cũng góp phần khiến kinh tế chậm tăng trưởng. Càng khó khăn, quy định này càng tạo rào cản cho việc tiếp cận vốn của các DN.

Quy định về mức trần chi phí lãi vay hiện đang chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế VN, đặc biệt là DN VN có nhu cầu sử dụng vốn vay lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc các DN cần hồi phục và phát triển sau giai đoạn Covid-19.

Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc Phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết - Deloitte Việt Nam

Chính vì vậy, thấu hiểu và lắng nghe kiến nghị của các DN, ngay từ giữa tháng 7.2023 vừa qua, tại Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020 và báo cáo Thủ tướng trong quý 4/2023.

Thế nhưng, theo công văn do Bộ Tài chính vừa công bố, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020 sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong quý 1/2024 và đến quý 3/2024 mới tổng hợp, báo cáo Chính phủ để ban hành. Việc kéo dài thời gian sửa đổi thêm gần 1 năm là quá chậm chạp, không theo đúng tinh thần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN như Thủ tướng Chính phủ đã nêu.

Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: Các vấn đề dự kiến được sửa đổi trong Nghị định 132 như trần chi phí lãi vay 30% cũng chưa được Bộ Tài chính tiếp thu trong khi quy định này là bất hợp lý đối với DN. Hơn thế nữa, trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" như hiện nay, khi DN vẫn đang đối diện hàng loạt khó khăn, chậm sửa đổi ngày nào DN càng khó, các chủ thể tham gia nền kinh tế đều khó và cả nền kinh tế đều khó.

Đồng tình, bà Đinh Mai Hạnh cũng cho rằng hiện các DN đang rất mong chờ vào việc sửa đổi Nghị định 132 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại, đặc biệt là cơ chế tính toán chi phí lãi vay vượt trần, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Do đó, nếu các quy định mới được ban hành sớm và có hiệu lực từ năm tài chính kết thúc ngày 31.12.2023 sẽ thực sự giảm bớt khó khăn cho các DN. Bộ Tài chính cần nhanh chóng lên dự thảo quy định, triển khai lấy ý kiến từ cộng đồng DN, các ban ngành liên quan cũng như tham khảo thêm các quy định từ các nước để trình Chính phủ và ban hành quy định sớm nhất có thể trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024. 

Tất cả DN đang trông chờ vào hành động tháo gỡ khó khăn cụ thể như quy định về trần chi phí lãi vay trong Nghị định 132 theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra. Điều này sẽ khiến các DN tăng thêm niềm tin, có động lực để hoạt động sản xuất, góp phần đưa kinh tế phục hồi.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.