NASA đưa những công nghệ nào lên sao Hỏa?

21/02/2021 07:29 GMT+7

Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm dấu hiệu sự sống ngoài Trái đất, sứ mệnh Mars 2020 còn là dịp để Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thử nghiệm nhiều công nghệ tiên tiến trên bề mặt hành tinh đỏ.

Rạng sáng 19.2 (giờ Việt Nam), tàu thăm dò Perseverance hạ cánh thành công xuống hõm chảo Jezero trên sao Hỏa, mang theo một số thiết bị công nghệ có thể hỗ trợ robot và con người trong tương lai.
Theo Space News, một trong những thiết bị được tàu Perseverance chở theo là trực thăng Ingenuity có vẻ ngoài nhỏ gọn như drone (máy bay không người lái), chỉ nặng khoảng 1,8 kg nhưng các cánh có thể quay 2.400 vòng/phút. Ingenuity sắp thực hiện chuyến bay thử nghiệm chạy bằng năng lượng mặt trời trong bầu khí quyển sao Hỏa.

Trực thăng Ingenuity sẽ bay thử nghiệm trong bầu khí quyển sao Hỏa

Ảnh: NASA

NASA lên kế hoạch chuyến bay đầu tiên diễn ra ở độ cao 3 mét, trực thăng lơ lửng trong vòng 20 giây trước khi hạ cánh, sau đó NASA sẽ cho Ingenuity bay 4 chuyến với những độ khó khác nhau trong vòng 1 tháng tới. MiMi Aung - giám đốc dự án Ingenuity mô tả chuyến bay này sẽ là "một cuộc trình diễn công nghệ". Trực thăng đã được thử nghiệm nhiều lần ở Trái đất và đây là lúc "thử nghiệm, chứng minh và tìm hiểu cách nó vận hành trên Hỏa tinh".
Nếu thử nghiệm thành công, Ingenuity có thể mở đường cho việc vận hành các máy bay trực thăng cao cấp hơn trong nhiệm vụ của robot và phi hành đoàn. Matt Wallace - phó giám đốc dự án Mars 2020 cho biết: “Tôi nghĩ Ingenuity là Sojourner của ngày hôm nay". Sojourner là tàu thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của NASA, hạ cánh năm 1997 trong sứ mệnh Mars Pathfinder.
Bên cạnh đó, tàu Perseverance cũng mang theo công nghệ sản xuất oxy, được gọi là Thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên sao Hỏa (MOXIE). MOXIE sở hữu khả năng chuyển đổi carbon dioxide trong khí quyển sao Hỏa thành dưỡng khí mà con người có thể hít thở. 
Theo dự kiến, MOXIE được bật ba lần trong 30 ngày đầu tiên sau khi hạ cánh, hai lần đầu tiên để kiểm tra tải trọng. Jeff Sheehy - kỹ sư trưởng của Ban Giám đốc Sứ mệnh Công nghệ Không gian NASA cho biết: “Trong lần chạy thứ ba, chúng tôi sẽ tạo ra oxy trong một số điều kiện vận hành bảo tồn". MOXIE sẽ chạy ít nhất 10 lần xuyên suốt nhiệm vụ, khả năng sản xuất oxy của nó sẽ được kiểm tra vào nhiều thời điểm trong ngày và các mùa trong năm. Mỗi lần hoạt động như vậy kéo dài khoảng 1 giờ, tạo ra 6 - 10 gram oxy.  

Công cụ tạo oxy có kích thước chỉ lớn hơn chiếc máy nướng bánh mì một chút

Ảnh: NASA

Để cung cấp năng lượng cho quá trình chuyển đổi, MOXIE cần rất nhiều nhiệt, khoảng 800 độ C. Do đó bên trong MOXIE có nhiều loại vật liệu chịu nhiệt khác nhau như các bộ phận hợp kim niken được in 3D, lớp cách nhiệt aerogel siêu nhẹ. Bên ngoài MOXIE được phủ một lớp vàng mỏng giúp phản xạ tia hồng ngoại, giữ cho nhiệt độ không bức xạ vào các bộ phận khác của tàu Perseverance.
Do Perseverance cần thu thập các mẫu vật để bổ sung tư liệu cho các nhà khoa học, công cụ tên là SuperCam sẽ giúp tàu thực hiện nhiệm vụ này. SuperCam được trang bị tia laser để làm vỡ đá, phân tích thành phần hóa học từ đá. Micro trên SuperCam sẽ lắng nghe âm thanh khi tia laser bắn vào đối tượng, cung cấp cho nhà khoa học manh mối về độ cứng và các đặc tính khác của đá.
Theo Sylvestre Maurice - người góp phần xây dựng SuperCam, micro trên thiết bị có thể "lắng nghe tiếng gió, lắng nghe tiếng tàu thăm dò và cả tia laser hồng ngoại", giúp các chuyên gia nghiên cứu sự nhiễu loạn của khí quyển, đồng thời cung cấp thông tin chẩn đoán về Perseverance. Ông cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi có micro trên sao Hỏa. Nó đang mở ra một thế giới mới". 

Tàu thăm dò Mỹ đáp xuống sao Hỏa để truy vết vi sinh vật cổ đại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.