Nàng thơ Trúc Phương kể chuyện bà ngoại năn nỉ đem cháu bị vảy nến từ chùa về

17/03/2021 20:05 GMT+7

Chia sẻ với Thanh Niên , Nguyễn Đỗ Trúc Phương tâm sự phía sau mỗi hoàn cảnh mà chị giúp đỡ đều có một câu chuyện về số phận, tình người... Về câu chuyện của bà ngoại nuôi cháu bị vảy nến trong bệnh viện, chị viết...

Tôi biết đến trường hợp của bà ngoại và bé Khánh qua mạng xã hội. Nhìn thấy gương mặt xinh xắn của con, đang nằm chịu đựng nỗi đau của căn bệnh vẩy nến và gương mặt mệt mỏi của bà ngoại vì thức mấy đêm liền chăm cháu. Tôi không thể nào cầm lòng và quyết định kêu gọi giúp cho hai bà cháu có một số tiền để mua thuốc chữa trị, đồng thời cũng giúp cuộc sống của bà đỡ vất vả hơn.
Được biết bé Khánh bị bệnh vảy nến từ khi lọt lòng, nhưng may mắn thay được bà ngoại yêu thương chăm sóc. Dù có chịu cực bà cũng cam lòng.
Khi tôi đăng bài kêu gọi, rất may mắn được các mạnh thường quân gần xa yêu thương, ủng hộ nên sau 1 tiếng đồng hồ đã quyên góp được 124.068.000 đồng cho trường hợp của 2 bà cháu. Không đợi chờ thêm, tôi xin ngưng quyên góp va điện thoại cho bà ngoại báo tin mừng.
Hôm sau tôi đã ghé thăm bà và bé Khánh. Nhưng do thời gian qua, nhiều đội nhóm vào thăm trao quà, nên hôm nay bệnh viện cũng nghiêm ngặt hơn. Rất khó cho tôi vào thăm bé trực tiếp. Tôi chỉ có đến gặp và đưa bà đi làm số tài khoản và sổ tiết kiệm để lưu giữ số tiền quyên góp. Tôi cũng có đề nghị làm thẻ ngân hàng (để sau này cho bé Khánh có thể tự rút tiền sử dụng hoặc lỡ có chuyện gì thì bé vẫn sẽ là người được thừa kế số tiền). Nhưng mai bà về rồi và thời gian không cho phép nên kế hoạch làm thẻ tạm thời bị dời lại.
Sau khi tâm sự với bà, theo lời bà, chỉ có một mình bà nuôi bé Khánh thôi. Cha bỏ con đi, mẹ của con thì đem con vào chùa từ khi đỏ hỏn. Vì thương cháu, nên bà năn nỉ để mẹ đưa bé về cho bà nuôi và chu cấp số tiền ít ỏi hàng tháng.
Tôi cũng được biết thêm là có hơn 100 triệu mà bà được các mạnh thường quân khác góp, nhưng đã được chuyển khoản vào số tài khoản của cháu bà ở quê. Ban đầu bà cũng ngại phiền tôi, nên cũng bảo tôi chuyển khoản vào số tài khoản đó nhưng em nhất quyết không chịu.
Nên em quyết định dắt bà đi làm số tài khoản. Dù bà đã ở tuổi xế chiều, dù phải chạy đi chạy về, dù phải chở bà đi lại mấy vòng để lấy cho đầy đủ giấy tờ nộp ngân hàng. Tôi vẫn ko ngại, vì vốn dĩ số tiền để quyên góp giúp cho 2 bà cháu, nên nhất quyết phải gửi cho bà đến nơi đến chốn. Và bản thân mình cũng thật sự thấy yên tâm.
Do tôi quan niệm như thế này, khi mạnh thường quân trao tiền cho tôi, tôi phải có trách nhiệm với số tiền đó và tôi sẽ chỉ trao cho người mà tôi đã kêu gọi. Dù là gia đình hoặc thân nhân, tôi đều không tin tưởng để gửi tiền.
Mọi người có thể không tin, nhưng tôi tin đồng tiền có ma lực rất mạnh, nó có thể thay đổi con người nhanh chóng mặt. Vì tôi đã giúp nhiều gia đình và đã thấy họ vì tiền mà xô xát nhau, chia rẽ nhau. Buồn lắm!
Đó cũng là lý do vì sao, mà tôi lúc nào cũng chỉ xin vừa đủ. Đủ để cứu ngặt, đủ để họ vượt qua quãng thời gian khó khăn, đủ để cho họ cái cần câu mưu sinh và cho họ thêm hy vọng vào cuộc sống này.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 bà cháu đèo nhau 1 vòng ngắm đường phố Sài Gòn. Mặc dù được mạnh thường quân khắp nơi ủng hộ rất nhiều tiền, nhưng gương mặt bà vẫn chất chứa nỗi u buồn. Bà tâm sự: “Con là người xa lạ mà còn thương bà, giúp đỡ bà nhiều như vậy, đằng này 5 đứa con ở nhà, đến bữa cơm no cũng không thể cho bà” ...
Nghe đến đây lòng tôi cũng thắt lại, phải chăng mỗi người đều có một số phận, một nỗi niềm riêng phải không bà... Lặng nhìn bà cả đoạn đường, tay vuốt nước mắt khóc thút thít, vì cảm động trước tình cảm của mọi người, vì tủi thân trước tình cảnh của bản thân và vì cuối cùng, bà cũng đã có tiền để lo cho cháu gái bé nhỏ.
Tôi từng nghe họ nói thế này: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày. “Dù biết bà đã được giúp rất rất nhiều tiền, nhưng không thể nào khỏa lấp được nỗi lòng cô đơn của một người mẹ già, chỉ mong được con cái mình chăm sóc.
Tôi cảm giác có thể bà sẽ cho hết các con của mình số tiền này, nhưng khi cảm được nỗi lòng của bà, tôi lại cảm thấy điều là đúng tình đúng nghĩa. Vì đây là điều mà chắc chắn bậc cha mẹ nào cũng sẽ làm. Dù bạn có sai thế nào đi nữa, cha mẹ vẫn là cha mẹ, họ không bao giờ từ bỏ bạn... Lặng nhìn dáng vẻ bà bước vào bệnh viện, vẫy tay chào bà lần cuối, tôi chỉ thầm cầu mong: “Bà ơi, con chúc bà và bé Khánh, một đời sau này thật bình an!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.