Nâng tầm lao động

01/05/2022 06:27 GMT+7

Suốt nhiều năm qua, năng suất lao động luôn là bài toán khó mà VN chưa giải quyết hiệu quả.

Năng suất lao động của VN liên tục bị xếp hạng thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chứ chưa nói đến việc so sánh với các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Thực tế trên đưa chúng ta vào vòng luẩn quẩn: năng suất lao động thấp thì nền kinh tế không đạt giá trị cao trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, các ngành nghề thâm dụng lao động chiếm tỷ trọng cao. Khi nền kinh tế không đạt giá trị cao thì làm sao chi trả lương cao cho người lao động!

Cứ thế, năm này qua năm khác, chúng ta phải tranh luận, tính toán tăng lương cơ bản với mục tiêu hầu như chỉ là theo kịp hoặc nhỉnh hơn chút ít so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, nhằm đảm bảo đời sống người lao động. Mà nói thẳng ra thì mục tiêu chỉ là lương kịp tăng cao hơn lạm phát, trong khi 2 yếu tố này lại tác động lẫn nhau, “đẩy” lẫn nhau. Cho nên, đời sống của số đông người lao động trong những năm qua từng bước nâng lên nhưng chưa đủ để bứt phá.

Nhìn sang các nền kinh tế từng có nhiều đặc điểm tương đồng VN, như Trung Quốc thì những năm qua cũng dần loại bỏ các ngành nghề thâm dụng lao động để nâng cao giá trị. Đó là xu thế chung của thế giới. Song hành xu thế này là sự phát triển bùng nổ của công nghệ giúp các ngành nghề sản xuất dần hiện đại hóa, ngày càng ít sử dụng lực lượng lao động phổ thông.

Chính vì thế, nếu tiếp tục chậm chân trong việc nâng cao năng suất lao động thì nền kinh tế khó đạt giá trị cao, khó có thể cạnh tranh.

Trong khi đó, giai đoạn hồi phục kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19 và các diễn biến chính trị toàn cầu đang mở ra cho chúng ta một cơ hội. Đó là sự chuyển dịch chuỗi sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu, mà đặc biệt là các tập đoàn có trình độ sản xuất và hàm lượng tri thức cao.

Để khai thác hiệu quả cơ hội vừa nêu, chúng ta đưa các chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, chuẩn bị hạ tầng và công nghệ. Nhưng còn một yếu tố quan trọng không kém chính là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Yếu tố này không chỉ thu hút mà còn để giữ chân nhà đầu tư lâu dài.

Để nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực thì cần một chương trình dài hơi, chứ không đơn giản chỉ cần thay đổi chính sách là xong, đồng thời đòi hỏi cả sự thay đổi trong hệ thống giáo dục đào tạo. Quá trình này cần nhiều thời gian và nỗ lực. Thế nhưng, dù khó thì cũng phải làm, bởi nếu không thì vòng luẩn quẩn ở trên sẽ khó dứt!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.