Nắng sớm xa cảng Miền Đông

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
07/11/2020 08:08 GMT+7

Tiếng chộn rộn của người và xe len vào giấc ngủ. Tôi trở mình dậy lúc bốn giờ sáng cùng người bạn bước ra đường trong sương lạnh. Quán cà phê bên hông Bến xe Miền Đông vẫn mở cửa, nhạc trỗi du dương.

“Mùi bến xe” một thuở !

Có chủ quán ý chừng rất ngái ngủ, hỏi bâng quơ: “Nay các anh dậy sớm vậy, ồn quá phải không?”. Tôi gật, kêu hai ly cà phê đen nóng. Nhìn qua bức tường thấp phía đối diện, người ra kẻ vào đã náo nức, í ới ngược xuôi. Anh bạn là một nhạc sĩ ở Bình Định mới vô, tay thu lu trong chiếc áo khoác ngắn, đến thăm chúng tôi từ hồi đêm nói chuyện thức hơi khuya, giờ tỉnh hẳn như sáo, hỏi: “Đêm nào cũng ồn vậy á?”. 
... Đó là những ngày cuối thập niên 1990, tôi với một đồng nghiệp ngụ ở khu nhà trọ trên con đường ngắn bên hông Bến xe Miền Đông, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Con đường chỉ khoảng 7 - 8m bề rộng và vỏn vẹn vài trăm mét dài nối QL13 với đường Đinh Bộ Lĩnh, nên bước ra cổng chính bến xe cũng gần và bước vào cổng phụ cũng ngắn.
Ở đây ngót nghét cả năm trời, nên chúng tôi quá quen thuộc với 2 thứ: một là tiếng ồn, hai là... “mùi bến xe”! Mỗi ngày, khi nắng sớm bắt đều le lói ở phía cầu Sài Gòn rọi qua, hình ảnh chộn rộn của bến xe với hàng ngàn người đi và về đã trở thành một điểm rất đặc biệt, quyện với thứ mùi... lưu cữu. Người người tay xách nách mang, nam phụ lão ấu tất bật lên xuống. Rất nhiều buổi sáng, ngồi ở quán cà phê nhìn qua, tôi cắc cớ cứ hình dung sự lưu chuyển và sức sống của một bến xe trải qua mấy chục năm thành hình này quá lớn, và tự hỏi đã có không biết bao nhiêu lượt đi và về, từ nơi đây?
Thường mỗi khi đi làm về qua QL13, từ ngã tư Hàng Xanh phải đi qua cầu Sơn, cách bến xe khoảng 500m, tôi hay thắc mắc vì cái tên là lạ không biết có từ đâu. Một bữa, tẩn mẩn giở sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết dưới thời vua Minh Mạng (1820), bỗng dưng thấy ở chương Thành trì chí (quyển 6, phần trấn Phiên An), tại mục Tất kiều, có viết: “Đó là cầu Sơn ở phía bắc trấn 7 dặm (trấn ở đây là trung tâm trấn Phiên An - NV), vì nơi đây có nhiều cây tất (cây sơn) nên có tên ấy”. Và Đô úy quân Tây Sơn là Nguyễn Trấn chọn vùng cầu Sơn để đồn trú, bởi nơi đây có địa thế “trên có gò cao nổi lên, giữa có khoảng đồng bằng trải rộng, dưới giáp ruộng cạn, rạch nhỏ ăn thông, chu vi ước có trăm dặm, 4 mặt có sông ngòi ngăn cản...”, nên đã khởi sự xây dựng dinh trại vào năm Bính Ngọ (1786)... lùa cả dân chúng đến đó ở (trang 560, Phạm Hoàng Quân dịch, chú giải và khảo chứng, NXB Tổng hợp TP.HCM, năm 2018).

Bến xe Miền Đông mới ở Q.9, hiện đại, rộng lớn, sẽ thay thế Bến xe Miền Đông hiện tại

Ảnh: Hà Mai

Chuyện đôi dép sa-bô thời bao cấp

Mùa hè năm 1984, lần đầu tiên tôi đến Sài Gòn để có một chuyến đi dài về miền Trung. Từ H.Định Quán (Đồng Nai) lên chiếc xe chạy bằng than, đến xa cảng Miền Đông - Trung bộ (tên đặt cho bến xe thời điểm ấy) vào tầm 5 giờ chiều. Quang cảnh một bến xe rộng thênh thang nhưng vô cùng lộn xộn của thời bao cấp vẫn còn như in trong tâm trí. Người người chen chúc xếp hàng theo các khung rào sắt đã xây sẵn. Trước chiếc cửa hẹp, một khung thép nhỏ xíu vừa thò lọt bàn tay để đưa giấy tờ mua vé, là một nhân viên có vẻ mặt quạu quọ, thường hay gắt gỏng. Vật vã mãi mới mua được vé rồi bắt đầu ngồi chờ để mãi đến... sáng hôm sau bắt đầu hành trình.
Đêm xuống dần, thoáng thấy bóng nhiều người đi lại trong ánh đèn vàng vọt. Có nhiều người mặc quần áo bộ đội, mũ cối. Một số phụ nữ mang xách choàng từ vai xuống nách, đứng túm tụm, là dân buôn tha thẩn ở trong khu vực này, chờ có ai bán gì mua nấy. Mỏi lưng, chúng tôi thuê tạm chiếc chiếu đôi, giá một đêm còn nhớ là 20 đồng.
Nằm một lúc thiu thiu, chợt có người mặc đồ bộ đội, mũ cối sà xuống nói chuyện huyên thuyên. Kể rằng anh ở chiến trường K về, bị giật ba lô, giờ đang khuân vác để kiếm tiền mua vé xe về Bắc. Rồi anh ghé lưng ngủ lúc nào không hay. Đến tầm 4 giờ sáng, tỉnh giấc thì “anh bộ đội” đã biến đi tự lúc nào, cuỗm luôn đôi dép
sa-bô (một loại dép xốp đặc đế cao, giá khá đắt thời ấy - NV) của tôi. Đôi dép mới tinh, mà trước đó đã cẩn thận luồn vào dưới chiếu. Vậy là tôi phải chạy quanh ra đến ngã tư Hàng Xanh năn nỉ gõ cửa tiệm dép vào lúc tinh mơ kiếm mua tạm đôi dép mủ, để kịp lên xe về Trung. Đó là kỷ niệm khó quên trong đời về chuyến đi đầu tiên, xuất phát từ Bến xe Miền Đông.
Sau này hơn mười năm đến ở Sài Gòn, được biết theo thời gian, bến xe đã cải tiến rất nhiều lần, mà chuyến đến bến xe gần đây nhất là đi H.Tánh Linh (Bình Thuận), tôi đã thấy điều đó. Nhưng cảm nhận, dù có căn tin để hành khách ăn uống, nhân viên bán vé đi các tuyến niềm nở hơn, có chỗ để ngồi đợi xe, vẫn thấy chật chội, nhếch nhác và hơi xô bồ. Khó có thể thấy được hình ảnh rộng thoáng của một bến xe đảm nhận sức chứa hàng chục ngàn người mỗi ngày.

Cổng số 1, Bến xe Miền Đông hiện tại

ẢNH: T.T.B

Kỳ vọng bến xe mới

Bao lần đọc được những phóng sự của đồng nghiệp về cảnh nhốn nháo, giật dọc hoặc cung cách lượn lờ lừa đảo của một “bộ phận” sống bám vào Bến xe Miền Đông cũ, tôi và nhiều người không lạ lắm. Bởi nơi ấy, hàng chục ngàn lượt người chân ướt chân ráo đến Sài Gòn, hoặc những người rời thành phố này về quê hương bản quán của mình mỗi ngày. Nên chi, mỗi khi có việc đưa đón ai đó, hầu như ai cũng hay dặn dò bắt đầu bằng hai chữ “cẩn thận”!
Vì vậy, cách đây mấy hôm, khi hay tin Bến xe Miền Đông mới đã hoàn tất giai đoạn 1 tọa lạc ở P.Long Bình, Q.9 và bắt đầu đón khách đi miền ngoài, nhìn hình ảnh khang trang sạch đẹp, có đủ thứ dịch vụ văn minh, nhiều người đã bình phẩm bằng những lời rất hoan hỉ. Việc di dời Bến xe Miền Đông ở vị trí cũ ra một nơi có diện tích lên đến 160.000 m2, dù có hơi xa nhưng các hãng vận tải hành khách sẽ có nhiều chỗ đậu xe hơn, cảnh chen chúc sẽ không còn. Và nhất là những dịp lễ, tết mọi người sẽ bớt mệt mỏi bởi cảnh nhốn nháo, ồn ã.
Xem những hình ảnh của bến xe mới, tôi vẫn hy vọng rằng, với sự nhiệt tâm điều hành và áp dụng triệt để những quy chế trong sinh hoạt nơi công cộng, cái ám ảnh của “mùi bến xe” như thuở nào ở nơi cũ sẽ không còn. Để cho, mỗi ngày hàng chục ngàn người đi và đến, cũng sẽ mang theo mình hình ảnh thân thiện của một Sài Gòn văn minh và nghĩa tình, vợi bớt đi nỗi nhớ nhung quê nhà. Như một khúc hát đẹp cố nhạc sĩ Trọng Khương từng viết mà tôi rất thích, trong bản Đường về nhà tôi, mỗi sáng nghe ở quán cà phê dạo nào bên hông bến xe cũ: “Đường quen ai về nơi cũ. Nhắn rằng tôi còn nhớ cho vợi bao nhớ thương. Lạc loài lìa quê lê gót tha hương”.
Rồi nhìn ra, khi nắng sớm vừa tỏa ngọn đầu tiên trong ngày, những chuyến xe đã vội vàng chuyển bánh... 

Bên trong Bến xe Miền Đông mới lớn và hiện đại nhất Việt Nam có gì?

Bến xe Miền Đông (cũ) vào quý 2 năm nay có 193 đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh đăng ký tham gia hoạt động, với khoảng 2.800 xe. Mỗi ngày khoảng 1.100 xe xuất bến, chuyên chở hơn 21.000 lượt khách. Vào dịp lễ tết, bến xe này có thể xuất bến với khoảng 1.900 xe. Như vậy, chỉ tính riêng ngày thường, bến xe cũ này có lượng khách trung bình khoảng 6 triệu lượt/năm.
Bến xe Miền Đông (mới) ở P.Long Bình, Q.9 bắt đầu hoạt động ngày 10.10 vừa qua, theo tính toán số lượng khách đi - về khoảng hơn 7 triệu lượt/năm, có tuyến kết nối với sân bay Long Thành. Ở giai đoạn 1 mới đưa vào sử dụng, đây là một cơ sở đưa đón hành khách đi 24 tỉnh thành tính từ Quảng Trị trở ra. Là một đầu mối giao thông quan trọng trong việc lưu chuyển hành khách, hàng hóa đi và đến các tỉnh, thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.