Nắng nóng, sinh viên ở trọ 'lao đao' vì tiền điện tăng cao

29/04/2023 10:30 GMT+7

Việc liên tục trải qua cái nắng nóng gay gắt gần đây đã khiến cho nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát liên tục tăng. Và điều này khiến cho những sinh viên ở trọ lại phải lao đao trước hóa đơn tiền điện.

Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM, vào ngày 25.4, sản lượng tiêu thụ điện tại TP.HCM đã đạt mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay là 93,566 triệu kWh và dự đoán tiền điện tháng 4 sẽ tăng cao.

Tiền điện hơn 300.000 đồng/người

Hiện đang ở trọ ghép chung 3 người tại số 59 Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), Nguyễn Ngọc Trân, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết dạo gần đây luôn cảm thấy khó chịu vì thời tiết nắng nóng gay gắt.

Nhiệt độ tăng cao, tiền điện sinh viên ở trọ 'lao đao'  - Ảnh 1.

Nhu cầu sử dụng quạt máy, điều hòa của sinh viên tăng cao trong mùa nắng nóng

THƯỢNG HẢI

"Nhiều lúc nóng mà mình bị nhức đầu rồi không muốn làm việc gì, buổi trưa nếu không học trên trường thì mình cũng sẽ ghé thư viện cho mát chứ không về phòng trọ vì 2 cây quạt máy ở phòng "gánh" không nổi tiền điện", Ngọc Trân chia sẻ. Lúc nào ở phòng thì hầu như Trân bật quạt liên tục nên tháng vừa rồi tiền điện lại tăng thêm 100.000 đồng. Vì không đi làm thêm nên Trân lấy tiền ăn bù qua tiền điện và hạn chế mua sắm.

Đồng cảnh ngộ với Trân, Trịnh Thị Thanh Hoài, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện đang ở trọ tại số 384 Lý Thái Tổ, P.10, Q.10 (TP.HCM) vẫn chưa hết choáng với số tiền trọ 1,8 triệu đồng/người của tháng vừa rồi, riêng tiền điện đã hơn 300.000 đồng/người.

"Hôm nào đi học về mở cửa phòng ra là như "cái lò hoả thiêu", lại không có cửa sổ nên quạt với điều hòa phải hoạt động hết công suất. Nhìn tiền điện tháng rồi mình vẫn còn sốc vì mình không xin tiền sinh hoạt từ gia đình mà đi làm thêm, nên chi tiêu cũng bị hao hụt. Bình thường mình 1 tháng đi siêu thị 2 lần để mua đồ ăn, mà tiền điện hơn 300.000 đồng coi như mất hết 1 tuần ăn rồi", Thanh Hoài thở dài.

Nhiệt độ tăng cao, tiền điện sinh viên ở trọ 'lao đao'  - Ảnh 2.

Việc tiền điện tăng cao tháng nắng nóng là "ác mộng" đối với sinh viên ở trọ

THƯỢNG HẢI

Để tiết kiệm tiền điện cho tháng sắp tới, Hoài cũng nghĩ ra nhiều cách như: đặt thau nước trước quạt, bớt dùng điện thắp sáng, chỉ bật điều hòa vào buổi trưa hoặc đi dạo siêu thị để… tránh nóng. "Mình nghĩ là tháng sau cũng lên thêm vài trăm ngàn đồng nữa, vì nóng quá tụi mình chịu không nổi nên quạt máy là dùng 24/24, cầm chừng giảm dùng điều hòa được hôm nào thì giảm chứ nắng nóng quá không có kế hoạch tiết kiệm gì nhiều", cô nàng này cho hay.

Liên tục 2 tháng vừa rồi, tiền điện của Hoàng Thị Giao, sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM cũng tăng lên hơn 100.000 đồng và cô bạn sẽ sợ tháng này sẽ tăng hơn nữa nên chắc chắn sẽ phải cắt giảm chi tiêu mua sắm, đi ăn uống với bạn bè.

"Mình thấy ngột ngạt vô cùng, đến trưa là không thể ngủ trưa hay làm gì được, phải tạt nước trước phòng để tránh sốc nhiệt nữa. Phòng có 2 cây quạt bật suốt mà mồ hôi vẫn đổ như tắm, tháng rồi vì bật liên tục nên một cây bị cháy rồi hỏng luôn nên cây còn lại sợ bị nữa nên mình lấy khăn ướt đắp lên quạt cho đỡ nóng. Nhiều khi, có ngày mình tắm 3 lần để giải nhiệt, chứ không dám bật quạt sợ tốn tiền", Giao bày tỏ. 

Tuyệt đối không được làm ẩm ướt máy quạt và máy lạnh vì có thể gây rò điện, cháy nổ...

Chia sẻ về vấn đề "Vì sao tiền điện có khả năng tăng cao trong mùa nắng nóng?", tiến sĩ Huỳnh Văn Vạn, Khoa Điện - điện tử, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho biết: "Lượng điện năng tiêu thụ được xác định bằng công suất điện của thiết bị nhân cho thời gian sử dụng, nên để xác định mức tiền điện chi trả, chúng ta lấy điện năng nhân với giá tiền. Tiền điện trả theo lũy tiến bậc thang nên số kWh tăng thường trả giá cao hơn có thể dẫn đến tiền tăng nhiều lên".

Nhiệt độ tăng cao, sinh viên ở trọ 'lao đao' tiền điện - Ảnh 3.

Việc sử dụng điều hòa, quạt máy ở trọ cần chú ý phòng tránh cháy nổ

THƯỢNG HẢI

Tiến sĩ Vạn cũng nói thêm trong mùa nắng nóng chúng ta sử dụng quạt và máy lạnh thường xuyên hơn, đặc biệt là luôn bật 24/24 để giải nhiệt nên thời gian sử dụng nhiều hơn và dẫn đến điện năng tiêu thụ nhiều hơn.

"Ngoài ra, việc nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường tăng cao cũng là nguyên nhân làm cho máy lạnh tiêu thụ điện nhiều hơn. Đơn cử như khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1oC thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa không khí có thể tăng từ 1,5-3%, nhiệt độ tăng khoảng 5oC thì điện năng tiêu thụ có thể tăng thêm khoảng 10% do giải nhiệt của dàn nóng khó khăn hơn làm cho máy lạnh làm việc nặng nề hơn", ông Vạn cho hay.

Khi được hỏi về một số phương pháp như để thau nước trước quạt máy, máy lạnh hoặc đắp khăn ướt lên đầu quạt để vừa mát, vừa tiết kiệm điện của các sinh viên ở trọ thì vị chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý: "Việc đặt cục nước đá, thau nước trước máy quạt, máy lạnh có thể làm cho phòng mát hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được làm ẩm ướt máy quạt và máy lạnh vì có thể bị ngắn mạch (chậm điện) gây rò điện, cháy nổ hư hỏng thiết bị, mất an toàn cho người và thiết bị".

Nhiệt độ tăng cao, sinh viên ở trọ 'lao đao' tiền điện - Ảnh 4.

Cần lưu ý các nguyên tắc sử dụng thiết bị điện để tránh phải chi trả lượng tiền khổng lồ mùa nắng nóng

THƯỢNG HẢI

Ông Vạn cũng cho biết khi sinh viên quyết định ở trọ nên cân nhắc chọn nơi lắp đặt dàn nóng máy lạnh ở vị trí hợp lý, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp và có dán nhiều sao về hiệu suất năng lượng.

"Trong mùa nắng nóng, để hạn chế việc phải trả nhiều tiền điện thì sinh viên nên chú ý các cách sử dụng thiết bị làm mát sao cho hợp lý. Điều hòa nên đặt ở mức 26-27oC trở lên, sử dụng kết hợp với quạt trong mùa này; khi đi ra vào mà phòng đang sử dụng máy lạnh thì phải đóng cửa và chèn các khe hở để tránh khí lạnh thoát ra lãng phí và hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm từ 9 giờ 30 - 11 giờ 30 và 17 giờ - 20 giờ. Không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn như: điều hòa, bếp đun điện…", ông Vạn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.