'Nắng nóng như tận thế', hàng trăm người đã chết

19/07/2022 19:42 GMT+7

Đợt nắng nóng đang hoành hành tại châu Âu cũng như tại Nam Á trước đó chính là dấu hiệu của biến đổi khí hậu và đã có những cảnh báo những đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên và cực đoan hơn.

Đợt sóng nhiệt dữ dội ở Tây Âu đang phà hơi nóng ra khắp lục địa, gây ra nhiều vụ cháy rừng và đe dọa phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ.

Nóng như tận thế

Tại Anh, các nhà khí tượng dự báo nhiệt độ kỷ lục 38,7 độ C hiện nay có thể lần đầu tiên tăng lên thành 40 độ C trong ngày 19.7, theo AFP. Lần đầu tiên trong lịch sử, nắng nóng đã buộc chính phủ Anh phải kích hoạt cảnh báo “khẩn cấp quốc gia".

Lính cứu hỏa trong đám cháy rừng tại Gironde, tây nam Pháp ngày 17.7

Reuters

Nhiều chuyến bay tại sân bay Luton của Anh đã bị hoãn sau khi nhân viên phát hiện sự cố trên đường băng. Theo Sky News, thời tiết nắng nóng cũng đã làm chảy đường băng tại căn cứ không quân Brize Norton của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh.

Ở bên kia eo biển Manche, hàng loạt thị trấn và thành phố của Pháp ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay vào ngày 18.7. Tại một số thành phố, nhiệt độ lên đến 38-42 độ C. Lính cứu hỏa đang phải vất vả đối phó với hai đám cháy rừng cực lớn gây tàn phá trên diện rộng tại tây nam. Một số nhà khí tượng so sánh cái nóng tại một số khu vực tây nam nước này như "ngày tận thế".

Choáng váng cảnh người đàn ông người bén lửa thoát khỏi đám cháy rừng Tây Ban Nha

Các đám cháy rừng tại Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã phá hủy hàng ngàn hecta đất. Đám cháy gần khu vực cồn cát cao nhất châu Âu Dune de Pilat ở Pháp đã khiến 8.000 du khách phải sơ tán để đề phòng.

Đây là đợt sóng nhiệt thứ hai tại châu Âu trong vài tuần gần đây. Các nhà nghiên cứu của Ủy ban châu Âu nói rằng gần một nửa lãnh thổ EU đang chịu cảnh hạn hán ở mức cảnh báo và mùa màng bị ảnh hưởng vì thiếu nước.

Dự báo bản đồ nhiệt ngày 20.7 tại Mỹ

Cục Khí tượng quốc gia Mỹ

Bên kia bờ Đại Tây Dương, khoảng 40 triệu người Mỹ đang sống trong vùng báo động nhiệt do đợt nóng kỷ lục nguy hiểm trên khắp vùng đại bình nguyên và thung lũng Mississippi dự báo sẽ lan sang vùng đông nam trong tuần này, theo trang Axios. Tổng cộng 89 đám cháy rừng lớn đang xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước.

Dữ liệu vệ tinh từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy phần lớn bề mặt các lục địa trên trái đất đang bị bao phủ bởi sắc đỏ do những đợt sóng nhiệt gần đây.

Hình ảnh cho thấy nhiệt độ không khí trên trái đất ngày 13.7

NASA

Ngày càng cực đoan

“Khu vực rộng lớn có nhiệt độ cực đoan vượt kỷ lục này là chỉ dấu rõ ràng cho thấy việc phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người đang gây ra thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến điều kiện sống của chúng ta”, ông Steven Pawson, trưởng Văn phòng mô hình và so sánh toàn cầu của Trung tâm du hành vũ trụ Goddard NASA cho biết. “Cái nóng cực đoan như vậy có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như những hậu quả khác, gồm các đám cháy đang diễn ra tại châu Âu và châu Phi và đã tàn phá trong vài năm qua tại Bắc Mỹ”.

Châu Âu 'bốc hỏa', Anh và Pháp chuẩn bị đón đợt nắng nóng kỷ lục

Giảng viên Friederike Otto tại Viện biến đổi khí hậu Grantham thuộc Đại học Hoàng đế London (Anh) phân tích: “Mỗi đợt sóng nhiệt chúng ta đang hứng chịu hôm nay đã trở nên nóng hơn và thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu do con người tạo ra. Đây là vấn đề thuần vật lý. Chúng ta biết phân tử khí nhà kính hoạt động như thế nào, chúng ta biết chúng có nhiều hơn trong khí quyển. Khí quyển đang ấm hơn và điều đó đồng nghĩa chúng ta đang chứng kiến những đợt sóng nhiệt thường xuyên và nóng hơn”.

Nhà khí hậu học Matthieu Sorel thuộc dịch vụ thời tiết Meteo-France nói rằng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng và "chúng ta đang sắp chứng kiến những mùa hè ngày càng nóng hơn, nơi mức nhiệt 35 độ C là điều bình thường và 40 độ C thường xuyên xảy ra".

Các nhà khoa học tính toán rằng biến đổi khí hậu đã khiến cho đợt sóng nhiệt lớn gần nhất tại châu Âu vào năm 2019 nóng hơn bình thường 3 độ C. Đợt nóng tại Bắc Mỹ vào tháng 6.2021 khiến hàng trăm người chết với nhiệt độ ở vài nơi lên 50 độ C gần như không thể xảy ra nếu không có sự nóng lên toàn cầu.

Người dân tắm biển tránh nắng tại Brighton, miền nam Anh ngày 17.7

AFP

Trong thông báo ngày 18.7, Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết: “Sự gia tăng tần suất, độ dài và cường độ của những sự kiện này trong vài thập niên gần đây rõ ràng liên quan đến việc ấm lên đã được quan sát của hành tinh và có thể quy cho hành động của con người”.

Bất chấp nhiệt độ trong tuần này là “không thể chịu được”, các nhà khoa học đều nhất trí rằng điều xấu nhất vẫn còn chưa xảy ra. Với tốc độ nóng lên toàn cầu thêm 1,5 độ C như mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris, các nhà khoa học ước tính khả năng xảy ra các đợt nắng nóng sẽ cao hơn mức cơ sở tiền công nghiệp hơn 4 lần. Ở mức tăng 2 độ C, khả năng xảy ra nắng nóng tăng lên 5,6 lần và ở mức 4 độ C là gần 10 lần.

Các đợt sóng nhiệt trong tương lai phụ thuộc phần lớn vào tốc độ phi carbon hóa của nền kinh tế toàn cầu. Ủy ban khoa học về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tính toán rằng 14% nhân loại sẽ hứng chịu cơn nóng nguy hiểm trung bình mỗi 5 năm nếu tốc độ nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C.

Công nhân tại một công trình ở Nantes, Pháp ngày 18.7, nơi nhiệt độ lên đến 42 độ C

AFP

Nhà khoa học Eunice Lo tại Viện Môi trường Cabot thuộc Đại học Bristol (Anh) cho biết dữ liệu có được cho thấy nguy cơ tử vong tăng lên khi con người sống trong môi trường nhiệt độ cao, ngay cả những người khỏe mạnh cũng gặp nguy cơ.

Bên cạnh ảnh hưởng sức khỏe, sóng nhiệt còn gây ra hạn hán và cháy rừng đang tàn phá châu Âu, đe dọa an ninh lương thực.

Phát biểu trong một đoạn video trước Đối thoại khí hậu Petersberg (Đức) ngày 18.7, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết một nửa nhân loại đang trong vùng nguy hiểm vì lũ lụt, hạn hán, bão cực đoan và cháy rừng và nếu các nước không cùng hành động, đó sẽ là màn “tự sát tập thể”, theo đài CNBC.

“Các nước đang tiếp tục chơi trò đổ lỗi thay vì nhận trách nhiệm vì tương lai tập thể. Chúng ta không thể tiếp tục theo cách này. Chúng ta có một lựa chọn: hành động tập thể hoặc tự sát tập thể. Nó nằm trong tay chúng ta”, ông Guterres nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.