Nàng Mây 'biến hóa như tắc kè' nâng tầm giá trị nông sản Việt

28/12/2022 08:00 GMT+7

Cô gái này từng được cộng đồng mạng biết đến với cái tên nàng Mây và câu chuyện bỏ phố về quê .

Hiện tại, để đưa nông sản Việt đi xa hơn, nàng Mây không ngại lúc thì ở thành phố làm doanh nhân, khi thì về quê làm nông dân chân lấm tay bùn.

Đó là câu chuyện về chị Kiều Thị Hồng Vân (33 tuổi), ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM. Lớn lên ở miền đất đỏ bazan của Đắk Lắk, chị Vân mang trong mình tình yêu mãnh liệt với nông sản Việt. Chính điều này đã thôi thúc chị đồng hành cùng nông dân để nâng tầm giá trị của nông sản quê hương.

Chị Vân đến tận nơi để tìm hiểu và đồng hành với nông dân làm nông nghiệp sạch

NVCC

Đồng hành với nông dân làm nông sản sạch

Xuất phát từ trăn trở tại sao người Việt thường lựa chọn hàng ngoại nhập trong khi nông sản của quê hương mình không hề kém cạnh và rất được người nước ngoài ưa chuộng, chị Vân bắt đầu hành trình tìm câu trả lời.

Từng có thu nhập ổn định với công việc trong ngành du lịch và bất động sản, nhưng khi thấy bản thân đủ trải nghiệm sống, cuối năm 2020, chị Vân quyết định rời TP.HCM về quê phát triển mô hình vườn rừng, trồng xen kẽ với cây nông sản, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Tưởng chừng như đã “an phận” ở quê, chị Vân chưa từng nghĩ sẽ quay trở lại thành phố. Thế nhưng bài toán giải quyết đầu ra cho nông sản Việt đã khiến chị quay lại TP.HCM một năm sau đó.

“Khi đã quy hoạch nông trại của mình ổn định đâu vào đấy, tôi lại mong muốn làm gì đó để hỗ trợ bà con nông dân. Thế nhưng vì không có chuyên môn về canh tác hay kỹ thuật nông nghiệp nên tôi không thể phổ biến được kiến thức cho họ. Điều duy nhất tôi có thể làm là tìm kiếm đầu ra và nâng tầm giá trị nông sản Việt. Vì vậy, tháng 12.2021 tôi trở lại TP.HCM”, chị Vân kể.

Chỉ có con đường phân phối sỉ mới có thể đưa lượng lớn nông sản đi xa, nên sau thời gian tìm hiểu, đến tháng 6.2022 chị Vân chính thức liên kết với các chủ nông trại từ Nghệ An trở vào, trở thành nhà phân phối sỉ nông sản.

“Tôi chọn đồng hành với nông dân chứ không mua theo kiểu thương lái nên khi hợp tác với chủ vườn nào, tôi sẽ tìm kiếm đầu ra và định hướng để xây dựng vườn trồng hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe con người”, chị Vân nói.

Chỉ mới 5 tháng đồng hành nhưng chị Vân đã tìm được đầu ra cho hơn 200 tấn nông sản tươi. Chị Lê Thảo Hương (40 tuổi), chủ nông trại Vinh An, thuộc thôn 2, xã Quỳnh Thắng, H.Quỳnh Lưu (Nghệ An), từng được chị Vân hỗ trợ tìm đầu ra cho 50 tấn dứa, cho biết: “Vân yêu cầu rất cao về chất lượng. Sau khi ra thăm nông trại, biết tôi canh tác theo mô hình nông sản sạch, Vân mới giúp tôi phân phối. Vân không chỉ giúp tôi tìm đầu ra cho dứa mà còn hỗ trợ thiết kế tem nhãn, quảng bá, giúp khách hàng hiểu hơn về quy trình canh tác và những yếu tố cấu thành một sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Tôi rất biết ơn Vân, nhờ Vân mà quả dứa được người tiêu dùng đón nhận đúng với giá trị thực của nó”.

Rời vai trò doanh nhân khi ở phố, về quê “nàng Mây” chân lấm tay bùn để nâng tầm giá trị nông sản

Lan tỏa nguồn năng lượng tích cực

Mọi người hay nói chị Vân “biến hóa như tắc kè”, bởi chị “một chân ở phố, một chân dưới quê”, lúc ở phố làm doanh nhân, khi về quê lại làm nông dân lấm lem bùn đất.

“Ở thành phố, tôi đóng vai trò là doanh nhân, thương thảo những hợp đồng với khách hàng, nhưng khi về quê thì sẵn sàng lăn xả vào cuốc đất, bón phân. Nhiều lúc đi xe đường dài từ TP.HCM về Đắk Lắk mệt mỏi, nhưng vừa tới nhà là tôi lao ngay ra vườn. Lúc lên xe quay lại TP.HCM người vẫn lấm lem bùn đất nhưng tôi thấy rất vui. Tôi hạnh phúc với những điều đó nên quên đi mọi mệt mỏi”, chị Vân tâm sự.

Vì tìm thấy hạnh phúc trong công việc mình đang làm nên chị Vân chưa bao giờ cảm thấy khó khăn, lúc nào cũng lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới mọi người. Từ khi bắt đầu đồng hành với nông dân tới bây giờ, điều duy nhất khiến chị cảm thấy đau xót là cảnh nhìn nông sản bị hư phải đổ bỏ. Vì hơn ai hết, chị Vân hiểu rõ công sức để làm ra trái cây sạch rất cực khổ.

Do vậy, khi góp phần giúp được nông dân, chị Vân rất vui. Nụ cười hạnh phúc, sự biết ơn của họ là động lực to lớn thôi thúc chị tiếp tục cố gắng. “Khi nhận được những tình cảm biết ơn của nông dân, tôi nhận ra mình không thể nào dừng công việc này lại được mà phải cố gắng nhiều hơn nữa để giúp đỡ họ”, chị Vân chia sẻ.

Chị Vân hy vọng mình sẽ tiếp tục là cánh tay nối dài của nông dân để nâng tầm giá trị nông sản Việt. Trong tương lai, chị dự định sẽ mở rộng thị trường ra nước ngoài để quảng bá nông sản quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.