Năng lượng tái tạo: Cuộc chơi lớn của ‘bầu Hiển’

16/09/2021 14:00 GMT+7

Với hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió trong nước và cú bắt tay với các tập đoàn hàng đầu thế giới , T&T Group đang bước vào “sân chơi” năng lượng tái tạo một cách đầy táo bạo nhưng cũng rất bài bản, bền vững.

“Bắt trend” tăng trưởng xanh từ 10 năm trước

Nhắc tới Chủ tịch của T&G Group Đỗ Quang Hiển phần lớn mọi người đều quen thuộc với hình ảnh của một “ông bầu” làm bóng đá – người đã nuôi dưỡng, phát triển hàng loạt tài năng cho đội tuyển Việt Nam như: Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hùng Dũng, Duy Mạnh… “Bầu Hiển” cũng nổi bật với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) - ngân hàng có thương hiệu lớn, chi nhánh và phòng giao dịch trải khắp cả nước.
Song T&T Group không chỉ có bóng đá và ngân hàng. Vài năm trở lại đây, dưới sự chèo lái của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đỗ Quang Hiển, T&T Group nổi lên là một tập đoàn hoạt động rất mạnh trong nhiều lĩnh vực: logistics, kinh doanh điều, thức ăn chăn nuôi, bất động sản, xây dựng hạ tầng giao thông… và đặc biệt là năng lượng tái tạo, lĩnh vực mà nhà nước đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ.
Về điện mặt trời, kể từ năm 2020 đến nay T&T Group đã đầu tư và đưa 4 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất lên tới 245 MWp. Nhà máy đầu tiên là điện mặt trời Phước Ninh (tỉnh Ninh Thuận) công suất 45 MWp. Cũng tại Ninh Thuận còn có 2 nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 (công suất 100 MWp) và Thiên Tân 1.3 (công suất 50 MWp). Tại tỉnh Bình Thuận, T&T Group triển khai xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3 với công suất 50 MW.
Để cán đích con số 245 MWp, rất ít người biết được T&T Group đã dành nhiều năm để chuẩn bị và sẵn sàng cho “sân chơi” mang tên năng lượng. Tập đoàn này đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường chuẩn bị các bước đi bài bản, sẵn sàng đón đầu khi cơ hội tới. Từ 10 năm trước, bám sát chủ trương của Chính phủ, T&T Group đã bắt tay vào việc hoạch định chiến lược cho sân chơi khi đó vẫn còn rất mới mẻ.

Hợp tác với tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới, T&T Group sẽ đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trong thời gian tới

Ảnh T&T Group

“Se duyên” với các tập đoàn hàng đầu thế giới

Trong lĩnh vực điện gió, T&T Group ghi dấu ấn đặc biệt hơn. Trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại châu Âu vừa qua, T&T Group ký kết nhiều dự án với các đối tác nước ngoài. Tập đoàn do ông Đỗ Quang Hiển làm chủ tịch HĐQT và Ørsted đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỉ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm). Ngay sau lễ ký kết, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch các dự án điện gió ngoài khơi phù hợp với quy hoạch điện quốc gia, trình các cấp có thẩm quyền của Việt Nam xem xét phê duyệt.
Đặt trụ sở chính tại Đan Mạch và Chính phủ Đan Mạch sở hữu cổ phần chi phối, Ørsted là tập đoàn hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi với hơn 6.000 nhân viên. Đến nay, Ørsted đã phát triển và xây dựng 28 trang trại điện gió ngoài khơi với tổng công suất lắp đặt gộp là 7,6 GW công suất gió ngoài khơi và 2,3 GW đang được xây dựng. Mục tiêu của Ørsted là lắp đặt 30 GW tổng công suất điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới vào năm 2030.
Việc hợp tác với một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi như Tập đoàn Ørsted giúp T&T Group đẩy nhanh tiến độ triển khai, kinh nghiệm và nguồn tài chính dồi dào. Song với tầm nhìn xa hơn, ông Đỗ Quang Hiển Chủ tịch HĐQT T&T Group chia sẻ: “Từ 10 năm trước, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo để sẵn sàng đón đầu cơ hội. Đến nay, bên cạnh một số dự án điện mặt trời, điện gió lớn đã và sắp hoàn thành, T&T Group còn hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia”.
Cũng trong chuyến đi với Chủ tịch Quốc hội, Tập đoàn T&T Group của Việt Nam và Smart Universal Logistics N.V (SUL) - tập đoàn hàng đầu Vương quốc Bỉ về phát triển năng lượng bền vững và hạ tầng môi trường cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các nhà máy khử mặn bằng năng lượng gió để sản xuất nước ngọt cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
 

T&T Group hướng mục tiêu trở thành nhà phát triển điện gió hàng đầu Việt Nam trong tương lai

Ảnh T&T Group

Có thể nói việc ký hàng loạt dự án năng lượng tái tạo với các “đại gia” nước ngoài cho thấy uy tín, sức mạnh và hướng đi rất táo bạo của T&T Group. Theo kế hoạch trong 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000 - 11.000 MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.
Trong khi đó, theo dự kiến tới năm 2030 tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW, đến năm 2045 tổng công suất lắp đặt của nguồn điện đạt gần 276,7 GW. Cơ cấu nguồn điện cho thấy ưu tiên khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.
Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện Hội đồng Điện gió toàn cầu cho biết trong thập niên vừa qua, chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên phạm vi toàn cầu và dự kiến trong 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm thêm 30%. Quy hoạch điện VIII là cơ hội để Việt Nam có thể bắt đầu triển khai phát triển điện gió ngoài khơi như một biện pháp dự phòng hữu hiệu cho các nguồn điện gặp rủi ro về tiến độ khác.
Tương tự, ông Keld Bennetsen, lãnh đạo Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners, đơn vị phát triển dự án điện gió La Gàn cũng bày tỏ: “Việc phát triển điện gió ngoài khơi có thể đảm bảo an ninh năng lượng và giảm việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu. Chúng tôi khuyến nghị chính phủ nắm bắt cơ hội chuyển đổi năng lượng xanh thông qua việc hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi. Đây là thời điểm để chính phủ thiết lập và chuyển đổi thị trường năng lượng của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Các thị trường khác tại châu Á - Thái Bình Dương chỉ mới thực hiện các bước đầu tiên trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.
Với những bước đi bài bản và tầm nhìn chiến lược phù hợp với chủ trương tăng trưởng xanh bền vững của Việt Nam, “bầu Hiển” đang chơi một ván cờ rất lớn nhưng tràn đầy cơ hội thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.