Nắng đổ lửa: Nhớ những xe kem Sài Gòn leng keng, những thương hiệu danh tiếng

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
08/05/2020 11:47 GMT+7

"Đất Sài Gòn nắng quanh năm, làm kem không bao giờ ế. Chỉ có quán mở thêm ngày càng nhiều chứ không bao giờ ít đi...". Vậy mà vẫn có những tiếc nuối.

Cà rem nước đá ngọt... huyền thoại

Có khi sau một cơn mưa rào trút xuống, lại bừng nắng lên, nên kem lúc nào cũng có thể nhanh tan chảy, vội ăn để nghe mát lạnh thêm đầu lưỡi…
Ngày thơ ấu, tôi có hơn mười năm ở qua 3 nơi: Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng. Gia đình di chuyển dài theo cuộc chiến suốt cả mấy ngàn ngày, nhưng ở nơi đâu vị mát lạnh của que kem cũng dày hơn trong ký ức.

Bên trong xe kem của chú bán kem dạo

Trần Thanh Bình


Tôi còn nhớ, con đường Quang Trung rợp bóng me chạy dọc theo bờ sông Thạch Hãn ở Thị xã Quảng Trị ngày ấy, có hãng nước đá của ông Sáu Tùng. Ông già khoảng sáu mươi tuổi có mấy người con trai. Cả nhà cùng nhau cật lực sản xuất nước đá, có kêu thêm mấy người thợ, để cung ứng cho nhiều quán hàng trong thị xã.
Bên hông hãng nước đá rộng mênh mông với những cái máy to đùng chạy dây tời nhả và đẩy qua dãy máng dài từng thùng đá to hình chữ nhật, vang động một góc đường ấy, là một gian riêng ông Sáu dành làm cà rem để bán cho lũ nhóc học trò trường tiểu học.
Chẳng có gì đâu, chỉ có nước pha đường thêm mấy loại màu đổ vào những chiếc khuôn nhỏ, có cắm chiếc que và làm lạnh đông lại. Lúc xổ ra, đó là những cây cà rem… huyền thoại. Lạnh mát chân răng ngày hè và ngọt lịm khi mút tê đầu lưỡi. Cà rem thuở ấy là một thú ăn hàng độc đáo mà bọn nhỏ chúng tôi vô cùng thích sau mỗi buổi tan trường. Dù chỉ là nước đá ngọt, vậy thôi!
Kem cây bán dạo ở Sài Gòn
Sau cuộc chiến bùng lên với sự khốc liệt chưa từng thấy ở Thành cổ Quảng Trị ngày ấy, chúng tôi rời đi để đến Huế rồi Đà Nẵng. Nhưng dù nơi đâu, những que cà rem được sắp trong những chiếc thùng mút xốp khoác lên vai người bán dọc theo lề đường các khu tạm cư vẫn là sự thu hút, hấp dẫn sau những ván bắn bi, đánh đáo.
Đứa nào thua, phải đãi chúng bạn vài que cà rem. Có khi chia phe đông, tiền lại ít, vậy là mua để cùng ăn chung. Đứa cắn thì còn đỡ, có đứa “chơi xấu” chuồi cả… vào mồm mút luôn từ “gốc đến ngọn”. Vậy là cãi nhau chí chóe và vẫn rất thèm, phải đành… giải tán!
Kem cây bán dạo ở Sài Gòn

Kem Sài Gòn, thành phố chỉ hai mùa nắng mưa 

Kỷ niệm ấy, của một thuở đã trôi đi gần nửa thế kỷ. Bây giờ, trên những con phố Sài Gòn, mỗi khi xe qua một tiệm kem hào nhoáng, lại nghe ùa về một thoáng tuổi nhỏ. Kem dù xưa hay nay vẫn làm bằng nguyên lý đông lạnh, nhưng vào tiệm kem có nghĩa đến với một thế giới đủ màu, đủ mùi và đủ vị.
Ngày nắng cũng như mưa, các tiệm kem dặt dìu bao lớp trẻ hò hẹn. Kem Sài Gòn đã như từng hiện diện cả trăm năm, vẫn luôn là nơi chốn bày tỏ tình cảm của tuổi thanh xuân, bằng cách đãi nhau ly kem chiều mát lạnh. Sở dĩ tôi tìm hiểu và để ý cái ngành công nghệ… dễ thương này là bởi có dạo quen biết với một ông chủ hãng kem khá nổi tiếng có hãng tọa lạc ở đường Phạm Ngũ Lão, Q.1.
Kem cây bán dạo ở Sài Gòn
Nhập máy từ Nhật, và công nghệ của người Hồng Kông, ông chủ hãng đã làm kem được 7 năm, sau đó vì vụ giải tỏa một phần Công viên 23.9 cho một dự án đầu tư của Đài Loan, nên bỏ hãng đi định cư luôn ở nước ngoài, dù kem bán chạy vào hàng nhất nhì Sài Gòn.
Có lần, khi hỏi về công nghệ làm kem và việc lời lãi của hãng kem, ông nói gọn: “Đất Sài Gòn nắng quanh năm, làm kem không bao giờ ế. Chỉ có quán mở thêm ngày càng nhiều chứ không bao giờ ít đi. Xứ nhiệt đới nên không chỉ người Việt, mà du khách nước ngoài cũng chuộng kem Việt, vì có đủ loại kem có nhiều vị trái cây xứ mình. Còn lời lãi? Nói vậy là biết rồi”.
Ông bỏ lửng câu ấy, như một minh chứng cho cái ngành làm kem và mở tiệm kem ở Sài thành. Và quả đúng vậy, thời điểm tôi tìm hiểu về nghề kem ấy là năm 2.000. Qua 20 năm, để ý thấy càng ngày Sài Gòn càng có thêm nhiều thương hiệu kem, nội ngoại đủ cả. Tiệm kem mở ra khắp nơi để đáp ứng nhu cầu và cũng để lưu giữ cái hương vị, hồn cốt của một thành phố chỉ có hai mùa mưa nắng này.

Kem cây bán dạo ở Sài Gòn

Làm dịu cả một chiều nóng bức

Những ngày đầu tháng 5, ngồi viết bài ở nhà. Bỗng nghe tiếng leng keng của xe kem đã vô đầu ngõ. Như bao lần, tôi ra gọi lại và mua chục que kem. Có một điều là hẻm nhà tôi thường có 2 xe kem thay nhau đến bán: một xe kem ghi trên thân xe là Kem Huế của một người đàn ông quê Nam Định trạc 40 tuổi, bán vào lúc 10 giờ sáng; một xe kem ghi là Kem ốc quế của một cô tầm tuổi 30 nói giọng miền Tây bán vào lúc 5 giờ chiều.
Nhưng rất vui là sáng cũng như chiều, theo sau tiếng leng keng thường có đám trẻ con trong xóm rồng rắn nối đuôi. Mỗi đứa một que kem cây hoặc một chiếc kem múc đổ vào chiếc bánh ốc xoáy có rắc thêm chút đậu phụng. Để ý thấy bé gái thường thích kem bánh ốc xoáy màu xanh hay màu đỏ, bé trai thường thích kem cây đủ vị như dừa, mít, sầu riêng hoặc đậu đen đậu đỏ.
Nhưng có điểm chung là đứa nào cũng hào hứng cắn, mút. Những cái miệng nhỏ xinh như tôi của thuở ấu thơ nào, vẫn luôn thích thú với vị ngọt và mát lạnh, bình yên “hưởng thụ” một thứ… “sản vật” sáng tạo của loài người. Lúc ấy bỗng dưng bật cười, chợt lướt qua đầu một ý nghĩ ngộ nghĩnh: chẳng có nơi nào trên thế giới này mà trẻ thơ chẳng thích kem, dù kem tiệm hào nhoáng lung linh hay kem chuông leng keng bán rong ở những ngóc ngách nơi phường phố!
Rồi như nhớ lại, đã từng có những ngày chở mấy nhóc ở nhà đi tìm một quán kem nổi tiếng đã thành thương hiệu, để chúng được thưởng thức vị kem khác lạ một chút, trên ly có cắm chiếc ô giấy đủ màu, làm mát dịu đi một chiều nóng bức trong tiếng cười giòn tan lan dài trên con phố.
Bỗng nhiên nghe mà như nuối tiếc một điều gì…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.