Nâng điểm chuẩn đánh rớt thí sinh: Câu chuyện trách nhiệm xã hội

16/08/2019 07:02 GMT+7

Kỳ tuyển sinh vào các trường đại học năm nay xảy ra hiện tượng một số đại học nâng điểm chuẩn đầu vào để loại thí sinh. Điều này được dư luận quan tâm, phản đối do trường nâng điểm không phải vì chất lượng mà vì không có thí sinh theo học.

Điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm xã hội của một trường đại học.

Không sai quy định nhưng thiếu trách nhiệm

Việc định điểm chuẩn đầu vào Bộ GD-ĐT giao cho các trường đại học (ĐH) tự xác định, riêng hai ngành sức khỏe và sư phạm thì Bộ định ngưỡng sàn để các ĐH nhận hồ sơ tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Kết quả là điểm đầu vào của các trường sư phạm tăng, nhất là ở các trường lớn.
Tuy nhiên, do quy định ngưỡng điểm nhận hồ sơ dự tuyển ngành sư phạm nên xảy ra tình trạng có những trường không thể tuyển thí sinh dưới ngưỡng này dù họ được quyền tự chủ tuyển sinh. Kết quả, ngay từ khi có quy định này, nhiều trường sư phạm đã không tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Có những trường chỉ tuyển được một vài thí sinh nên dẫn đến hiện tượng nâng điểm tuyển đầu vào để không có thí sinh trúng tuyển.
Dựa theo quyền tự chủ tuyển sinh của trường, trên khía cạnh hiệu quả thì chuyện nâng điểm chuẩn đầu vào là không vi phạm quy định. Nhưng ở góc độ trách nhiệm xã hội, các trường này đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Họ quên tuyên bố của họ về tuyển sinh mà họ ghi trên các thông tin tuyển sinh của nhà trường, họ khước từ trách nhiệm mà Bộ GD-ĐT giao... Họ đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình, không hoàn thành trách nhiệm xã hội.

Cơ hội để quy hoạch mạng lưới trường sư phạm

Tình trạng này xảy ra là không hay nhưng đây có lẽ là một cơ hội mới để Bộ GD-ĐT quyết định quy hoạch các trường/cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước.
Trong một bài viết trên Báo Thanh Niên, các chuyên gia nhận định cả nước hiện có hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên là quá nhiều nên thừa nguồn cung. Năm nay, Bộ lại áp dụng điểm sàn nên có các các trường tuyển được ít, hoặc không tuyển sinh được là hiển nhiên.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm ĐH Thái Nguyên đã thực hiện đề tài khoa học “Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm”, do GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, chủ trì. Theo đề tài này, đến năm 2025 hình thành một mạng lưới 6 - 8 trường sư phạm chủ chốt. Đến năm 2030, chỉ còn 3 trường sư phạm trọng điểm cho 3 miền, phát triển theo mô hình ĐH, cùng 3 - 5 trường sư phạm chủ chốt. Theo đó, các cơ sở đào tạo giáo viên khác chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt, trong đó giảm số lượng trường sư phạm ở các địa phương theo hướng sáp nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn.
Nếu đề tài này được nghiệm thu thì nội dung đề tài sẽ là nội dung quyết định chính thức của Bộ GD-ĐT về quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.
 

Cho phép thí sinh "trượt do trường nâng điểm" được xét tuyển vào trường khác

Khi xảy ra tình trạng này, một số người đưa ra ý kiến rằng các trường ĐH sư phạm khác có thể tuyển số thí sinh bị đánh trượt do nâng điểm. Đây là một ý kiến đáng lưu ý nếu như điểm thi THPT của các thí sinh bằng hoặc lớn hơn điểm tuyển của các ĐH lớn và phải được Bộ cho phép.
Ngày 15.8, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết trong tình huống cụ thể đã xảy ra năm nay thì Bộ GD-ĐT cũng có thể hỗ trợ, để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Nếu thí sinh chỉ có một nguyện vọng hoặc đây là nguyện vọng cuối thì trường có thể trao đổi với thí sinh để chuyển sang ngành khác mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển tại trường.
Hoặc nếu thí sinh xin vào cùng ngành đăng ký xét tuyển ở trường khác, nếu đủ điểm trúng tuyển, thì Bộ đồng ý cho trường khác đó được xét tuyển. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký ngành học của trường khác đủ điểm trúng tuyển rồi gửi đơn đề nghị Bộ GD-ĐT. Vụ Giáo dục ĐH sẽ trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT chuyển đơn đến trường để tuyển thí sinh.
Quý Hiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.