Nâng cánh khởi nghiệp

01/02/2016 06:37 GMT+7

Người VN không kém về tinh thần khởi nghiệp, chấp nhận rủi ro, nhưng thiếu kỹ năng và môi trường giúp khát vọng tự thân làm giàu được nâng cánh.

Người VN không kém về tinh thần khởi nghiệp, chấp nhận rủi ro, nhưng thiếu kỹ năng và môi trường giúp khát vọng tự thân làm giàu được nâng cánh.

Nếu ai đó nhìn vào nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của Singapore mà cho rằng người dân quốc đảo này có “máu kinh doanh”, hay nói nôm na là có tinh thần tự thân khởi nghiệp (entrepreneurship), thì chưa chắc đúng.
Chính những người quản lý các cơ quan hỗ trợ, xúc tiến kinh doanh của chính phủ Singapore như SPRING từng nhìn nhận: giới trẻ VN có tinh thần entrepreneurship cao hơn giới trẻ Singapore. Họ đánh giá ở 2 biểu hiện: dám chấp nhận rủi ro và dám nghĩ vượt ra khỏi lối mòn (think out of the box).
Một trong các nguyên nhân “kìm hãm” người trẻ Singapore dấn thân khởi nghiệp, theo đánh giá của các nhà quản lý, chính là mức lương cho người mới ra trường, ở cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân, rất cao. Trong khi đó, ở VN, “lương cho người mới tốt nghiệp kể cả từ những trường cao giá như Bách khoa, Ngoại thương nhiều lắm là 10 triệu đồng. Có gì đâu để mất mà không chấp nhập rủi ro khởi nghiệp?”, người sáng lập Công ty phần mềm Epsilon Mobile Võ Hoàng Hải phân tích với Thanh Niên.
Đang học năm 2 ngành công nghệ thông tin tại ĐH Bách khoa TP.HCM, Hải được học bổng của chính phủ Singapore và sang học tiếp ngành này tại Đại học Quốc gia (NUS).
Được hơn 1 năm, Hải “nhảy” sang ngành quản trị kinh doanh, đồng thời lập Công ty Epsilon bằng cách thuê một sinh viên bản địa đứng tên, theo luật nước chủ nhà.
Sau hơn 4 năm lăn lộn trong thương trường để tìm kiếm khách hàng, gõ cửa khắp nơi xin tài trợ, tìm nhà đầu tư, tuyển dụng nhân sự cả ở Singapore và TP.HCM..., chàng doanh nhân 26 tuổi khẳng định người trẻ VN có tinh thần khởi nghiệp rất cao, đặc biệt là ý thức học hỏi.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, chính phủ Singapore đã lập một tổ công tác nghiên cứu toàn diện về nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh quốc tế đầy biến động. Hệ thống trường đại học và trường nghề từ đó có cuộc “thay máu”. Triết lý giáo dục từ chỗ đào tạo có xu hướng trang bị để sinh viên ra trường làm công sang tự khởi nghiệp. Biểu hiện cụ thể nhất là mỗi trường đều có một vườn ươm khởi nghiệp (incubator).
Bước đầu tiên các incubator thực hiện là thay đổi cái nhìn của sinh viên, gieo trong họ tâm lý không sợ thất bại khi khởi nghiệp.
Tiếp theo là khuyến khích họ khởi nghiệp và trang bị kỹ năng, thông qua việc tổng hợp và phân tích các hình mẫu cựu sinh của trường khởi nghiệp thành công, lẫn thất bại. Incubator cũng tận dụng cựu sinh khởi nghiệp thành công và các mối quan hệ với doanh nghiệp bên ngoài để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tìm vốn đầu tư, đối tác.
Các incubator cũng thay mặt chính phủ quản lý các nguồn quỹ để phân phối cho sinh viên có ý tưởng kinh doanh tốt. Đặc biệt, những dự án khởi nghiệp lớn có thể nhận từ chính phủ đến 100.000 SGD (hơn 1,6 tỉ đồng) mà chỉ đổi lại con số tượng trưng khoảng 2 - 5% cổ phần của công ty.
Doanh nhân Võ Hoàng Hải, người đã tận dụng triệt để sự hỗ trợ của các incubator cho hoạt động của Công ty Epsilon ăn nên làm ra, nhận định cách làm của Singapore là “có hệ thống và toàn diện”. Hải cũng cho biết ở ĐH Bách khoa TP.HCM, việc giáo dục khởi nghiệp cũng được tiến hành vài năm qua, nhưng chỉ ở mức “một vài bước” so với cú nhảy có tính “hệ thống” của Singapore.
“Rất nhiều sinh viên VN du học trở về nước khởi nghiệp”, Hải nhận định. Anh cũng cho rằng nếu nhà trường thay đổi tư duy giảng dạy, nhà nước có những chính sách khuyến khích như cách làm của Singapore thì “máu kinh doanh” của người Việt sẽ được khơi thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.