Nằm xuống cảm thấy chóng mặt là dấu hiệu bệnh gì?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
08/09/2023 00:05 GMT+7

Không chỉ khi bị xoay vòng vòng hoặc khi đang đứng mới bị chóng mặt mà đang nằm cũng có thể gặp tình trạng này. Cảm giác chóng mặt chỉ kéo dài vài chục giây nhưng có thể ảnh hưởng đến người bệnh nhiều phút sau đó.

Với những triệu chứng chóng mặt thông thường, chẳng hạn như do đứng dậy quá nhanh hoặc choáng váng do mất nước, thì người mắc thường phải tìm cách ngồi hoặc nằm xuống. Nhưng cũng có những trường hợp chóng mặt xảy ra khi đang nằm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Nằm xuống cảm thấy chóng mặt là dấu hiệu bệnh gì ? - Ảnh 1.

Xoay chuyển đầu nhiều khi nằm hoặc nằm lâu một chỗ có thể gây chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

SHUTTERSTOCK

Nguyên nhân phổ biến nhất gây chóng mặt khi nằm là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Cơn chóng mặt này thường chỉ kéo dài từ 10 đến khoảng 20 giây. Loại chóng mặt này thường xảy ra sau khi chúng ta thay đổi đột ngột vị trí đầu, chẳng hạn do lăn lộn trên giường hoặc chuyển tư thế từ ngồi sang nằm.

Trên thực tế, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là một dạng rối loạn tiền đình. Tiền định là cấu trúc gồm nhiều xương rất nhỏ ở tai trong, ngay phía sau ốc tai, có tác dụng giúp cơ thể giữ thăng bằng. Ở tai trong còn có các tinh thể canxi đóng vai trò quan trọng giúp hệ tiền đình hoạt động, cảm nhận trọng lực và sự cân bằng.

Tuy nhiên, các tinh thể canxi lại tách khỏi tai trong và di chuyển đến ống bán khuyên bên cạnh. Khi lượng tinh thể canxi tích tụ đủ nhiều thì sẽ cản trở khả năng phát hiện chuyển động đầu. Tình trạng này kích hoạt dây thần kinh ở tai gửi tín hiệu đến não là đầu đang chuyển động dù thực tế thì không. Hậu quả là dẫn đến chóng mặt.

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có triệu chứng chính là chóng mặt nhưng người bệnh cũng cảm thấy buồn nôn, ói mửa và mất thăng bằng. Một triệu chứng khác của bệnh còn là rung giật nhãn cầu, tức chuyển động nhãn cầu không tự chủ và lặp đi lặp lại.

Nằm xuống cảm thấy chóng mặt là dấu hiệu bệnh gì? - Ảnh 2.

Các nghiên cứu cho thấy chấn thương đầu mức độ nhẹ, đạp xe trên địa hình gồ ghề (ảnh), tập aerobic cường độ cao và viêm tai trong sẽ làm tăng nguy cơ mắc chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

SHUTTERSTOCK

Các nghiên cứu cho thấy chấn thương đầu mức độ nhẹ, đạp xe trên địa hình gồ ghề, tập aerobic cường độ cao và viêm tai trong sẽ làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này. Ngoài ra, giữ đầu ở cùng một vị trí trong thời gian dài cũng có thể gây chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Những tình huống này thường là ngồi lâu trên ghế nha sĩ hoặc nằm trên giường bệnh thời gian dài.

Vật lý trị liệu có thể được áp dụng để điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ thực hiện một số động tác chuyển động đầu cho bệnh nhân để dẫn các tinh thể canxi ra khỏi ống bán khuyên và trở lại vị trí ban đầu.

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chỉ gây ra các cơn chóng mặt đột ngột và ngắn. Nếu người bệnh thường xuyên bị chóng mặt thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh khác, đặc biệt là khi chóng mặt đi kèm với các triệu chứng thần kinh như tê, khó nói và mất khả năng phối hợp tay chân, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.