Nam sinh 18 tuổi 'cách tân' sách giáo khoa: Cơ hội để nhà xuất bản nhìn lại

13/02/2022 06:01 GMT+7

Theo các chuyên gia, học sinh thiết kế lại sách giáo khoa là một tín hiệu tốt cho thấy sự tham gia của cộng đồng và phù hợp với định hướng phát triển của chương trình giáo dục phổ thông mới .

Sáng tạo nhưng lưu ý vấn đề bản quyền trí tuệ

Đó là nhận xét của PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Tổng biên tập sách giáo khoa (SGK) lịch sử và địa lý từ lớp 6 - 12, về dự án thiết kế của Trần Lâm Nam Bảo (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM). “Tư duy ấy có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới về cách đưa hình ảnh vào SGK”, ông Hồng nói.

Theo PGS-TS Hồng, Nam Bảo có quan điểm sáng tạo phù hợp với lứa tuổi học sinh (HS) nên dự án nhanh chóng được bạn trẻ hưởng ứng. “Thầy cô giáo hay họa sĩ làm SGK dù có giỏi đến mấy cũng đã qua lứa tuổi học trò khá lâu rồi, chỉ có thể phán đoán sở thích HS theo tư duy cá nhân”, ông Hồng chia sẻ.

Đánh giá cao sự sáng tạo, nhưng PGS-TS Hồng cho hay HS cần lưu ý đến vấn đề bản quyền trí tuệ khi thực hiện những dự án thiết kế lại. Học sinh không thể tùy tiện đưa hình ảnh vào trong sách mà chưa xin phép tác giả.

“Việc có HS thiết kế như thế còn là cơ hội tuyệt vời để nhà xuất bản nhìn lại. Và nếu họ muốn dùng phiên bản ấy để in thành sách thì phải trả tiền bản quyền cho các em”, ông Hồng khẳng định.

Nhiều phong cách, màu sắc khác nhau trong dự án thiết kế lại sách giáo khoa của nam sinh 18 tuổi tại TP.HCM

NVCC

Cần cộng đồng tham gia

Quá trình biên soạn SGK, theo ông Hồng, được thực hiện bởi 2 nhóm: Một nhóm tập trung hoàn toàn vào nội dung khoa học và hình ảnh kèm theo, sau đó là một nhóm họa sĩ làm hình minh họa. Để đạt hiệu quả học thuật, việc viết SGK phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định bố trí nội dung.

PGS-TS Hồng cho biết: “Viết SGK phải đảm bảo tính khoa học và tính nghệ thuật, làm sao để quyển sách khiến bạn trẻ thích học, thích khám phá, có những gợi mở để HS tự tìm kiếm thêm thông tin”.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn vấn đề bất cập trong quá trình phát hành SGK là ở phần giá bán. “Nếu nhà nước tài trợ giá để đảm bảo kênh hình, kênh chữ được như tác giả mong muốn thì tôi nghĩ SGK sẽ dày hơn rất nhiều so với hiện nay và thông điệp cũng được truyền tải tốt hơn”, PGS-TS Hồng nói.

Trong chương trình, SGK mới vừa qua, thời gian dạy thực nghiệm dường như không có nên thiếu đi sự góp ý của thầy cô giáo và HS. Ngoài ra, việc phải giảm đến mức tối đa tổng số trang của SGK cũng tạo ra những hạn chế trong quá trình thực hiện SGK, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng sách.

Tham khảo ở các nước phương Tây, ông Hồng ví dụ ở Úc SGK to, dày và nặng như một giáo trình đại học, trong đó kênh hình rất nhiều còn kênh chữ thì ít, chú trọng học qua hình ảnh. Còn ở Anh, có nơi tác giả chuyên môn chỉ phụ trách những kiến thức khoa học, sau đó nhà văn dựa trên đó để viết SGK sao cho hấp dẫn.

Dù hiện tại SGK Việt Nam đã áp dụng kỹ thuật in mới giúp trang sách đa dạng màu sắc và chất lượng giấy tốt hơn, nhưng theo ông Hồng, chúng ta hiện chỉ ở mức độ “một bảy một mười” so với sách ngoại.

Để SGK thêm thu hút, PGS-TS Hồng cho rằng sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là giáo viên và HS - những người thụ hưởng trực tiếp. “Tôi mong xã hội sẽ nhìn nhận giáo dục theo góc độ mới, đó là các thầy cô giáo không hẳn biết tất cả mọi thứ, đặc biệt khi internet phát triển. Sự góp ý của xã hội là cần thiết để ngành giáo dục trở nên tốt hơn, giống như cách HS đã thiết kế lại, giúp quyển SGK thêm hấp dẫn”, PGS-TS Hồng kết luận.

Cách tiếp cận phù hợp với định hướng mới

Theo tiến sĩ Vũ Thị Bắc, giảng viên khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, mục đích việc thiết kế lại SGK của HS thực sự xuất phát từ niềm đam mê thiết kế và sự ham thích tìm tòi, học hỏi, khám phá, nên điều này thật sự đáng khen. Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng hướng đến việc lấy người học làm trung tâm, đề cao khả năng tự học, phát triển năng lực của người học, nên hiện có nhiều bộ SGK để các em lựa chọn và tham khảo dựa trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, cách HS tiếp cận cũng là phù hợp với định hướng mới.

Có thể do kiến thức và khả năng thiết kế của HS còn giới hạn nên chưa hoàn chỉnh, nhưng hy vọng xa hơn HS này có thể có những dự án dài hơi hơn ở bậc ĐH. Đó cũng là điều thầy cô và những nhà giáo dục tâm huyết muốn hướng đến, góp phần định hướng các em sáng tạo trên nền tảng khung chương trình mới.

Rất đáng trân trọng và khích lệ

Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường Marie Curie (Q. 3, TP.HCM), nhận xét: Khi đưa màu và nhiều font chữ vào sách thì sẽ trực quan sinh động hơn, là điểm nhấn để người đọc dễ ghi nhớ và nhớ lâu hơn.

Khi thiết kế bài học về tia X, HS còn tưởng tượng được phần nào màu của tia X, nó cũng giống như việc ghi nhớ màu của thương hiệu. Cách trình bày của bài năng lượng cũng rất đẹp và phù hợp. Với thiết kế môn hóa thì sơ đồ bài trí đẹp nhưng màu sắc không được thẩm mỹ.

Trình bày và thiết kế môn vật lý, văn học, sinh học, lịch sử khá đẹp và hợp lý. Các bài về môn địa lý trình bày nhìn vào gần giống một tờ báo.

Đương nhiên một HS làm không thể hoàn hảo và hoàn chỉnh, nhưng đó là điều rất đáng trân trọng và khích lệ.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.