Nam Ossetia ngày 17.7 trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga

14/05/2022 10:51 GMT+7

Lãnh đạo của Nam Ossetia, tâm điểm xung đột giữa Nga và Georgia năm 2008, cho biết vùng ly khai này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào nước láng giềng.

Trong một thông cáo hôm 13.5, Văn phòng nhà lãnh đạo Anatoly Bibilov cho hay ông đã ký sắc lệnh về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở "Cộng hòa Nam Ossetia", tức tên gọi tự xưng của phe ly khai. Tuyên bố nói "nguyện vọng lịch sử" của người dân Nam Ossetia là gia nhập Liên bang Nga, theo The Guardian.

Cuộc trưng cầu dân ý mà Georgia kiên quyết phản đối dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17.7.

Nam Ossetia, vùng ly khai của Georgia nằm giáp Nga, là tâm điểm trong cuộc xung đột giữa hai nước vào năm 2008. Điện Kremlin sau đó công nhận vùng lãnh thổ này - cùng với một khu vực ly khai khác, Abkhazia - là quốc gia độc lập, và thiết lập các căn cứ quân sự tại đây.

Ông Anatoly Bibilov và Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2016.

reuters

"Chúng ta sẽ trở về nhà", ông Bibilov nói trên ứng dụng nhắn tin Telegram. "Đã đến lúc đoàn kết một lần và mãi mãi. Nam Ossetia và Nga sẽ sống cùng nhau. Đây là khởi đầu của một câu chuyện mới lớn lao".

Ông Bibilov đã thua trong chiến dịch tái tranh cử vào đầu tháng này. Nga bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo sắp tới, Alan Gagloev, sẽ duy trì "tính liên tục" trong quan hệ với Moscow.

Thông báo được đưa ra vào ngày thứ 79 "chiến dịch quân sự" của Nga ở Ukraine, nơi mà phe ly khai thân Nga đã chiến đấu với quân đội Ukraine từ năm 2014 đến nay. Hai vùng ly khai Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine cũng đã bày tỏ mong muốn sáp nhập vào Nga.

Nhìn lại cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Georgia

Georgia trước đây đã lên án kế hoạch "không thể chấp nhận được" của Nam Ossetia nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên bang Nga.

Vào tháng 8.2008, Nga đã mở chiến dịch ở Georgia trong bối cảnh lực lượng chính phủ Georgia đang chiến đấu với dân quân thân Nga ở Nam Ossetia. Cuộc giao tranh kết thúc 5 ngày sau đó với một lệnh ngừng bắn do Liên minh Châu Âu làm trung gian, nhưng đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người và khiến hàng chục nghìn người Georgia phải di tản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.