'Nam Jazz Night' đưa nhạc jazz đến gần hơn với khán giả

19/10/2020 15:03 GMT+7

Sự hòa giọng của các ca sĩ được nhiều đối tượng khán giả mến mộ: Lê Hiếu, Soobin Hoàng Sơn, Đinh Hương, Dương Hoàng Yến và rapper Hà Lê trong Nam Jazz Night khiến đêm nhạc jazz của Tuấn Nam dễ cảm, gần gũi với người nghe.

Nếu đêm nhạc ở Hà Nội là cuộc chơi “không thoả hiệp” đánh dấu sự trở về đúng nghĩa trái tim jazz của pianist Tuấn Nam bên cạnh cặp đôi nghệ sĩ Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc... thì đêm “Nam tiến” của Nam Jazz Night (tại Nhà hát TP.HCM tối 18.10) lại là một "cuộc chơi" đầy ngẫu hứng, tươi trẻ, sôi nổi với ý nghĩa “không khoảng cách”.

Đinh Hương và rapper Hà Lê phiêu cùng Killing me softly

Ảnh: NSCC

Về sự không khoảng cách trong thưởng thức này, nghệ sĩ Tuấn Nam cho biết: “Tôi muốn nhạc jazz được đến gần với người nghe để họ cảm nhận được thứ âm nhạc này hoàn toàn không khó nghe, trái lại rất thi vị, ngọt ngào và sang trọng". Theo anh, việc mời rapper Hà Lê hay nhiều ca sĩ trẻ như Soobin, Đinh Hương, Dương Hoàng Yến hoặc giọng hát tưởng không thể "mix" với jazz như Lê Hiếu ở đêm thứ hai thuộc chuỗi Nam Jazz Night thể hiện nhiều ca khúc nhạc Việt, từ những sáng tác gần đây như Có em chờ, Mình yêu nhau bình yên thôi, Những ngày mơ khép lại đến những ca khúc vượt thời gian như: Xin còn gọi tên nhau  hay nhạc Hoa lời Việt... theo tinh thần jazz , không ngoài mong muốn chứng minh jazz chảy trong các dòng nhạc. Đó cũng là lý tưởng mà pianist Tuấn Nam  muốn Nam Jazz Night sẽ là một sân chơi không khoảnh cách, một nhạc hội sôi nổi cho jazz Việt.

Dương Hoàng Yến cuốn hút với phiên bản mới mẻ của Có em chờ

Ảnh: NSCC

Soobin Hoàng Sơn là ca sĩ tạo bất ngờ và khá thú vị cho Nam Jazz Night

Ảnh: NSCC

Bây giờ tháng mấy, Xin còn gọi tên nhau được Lê Hiếu thể hiện màu sắc hơn cùng ban nhạc Nam Jazz Night

Ảnh: NSCC

Nếu Đinh Hương hay Dương Hoàng Yến khi dịu ngọt lúc trào dâng cùng men jazz thì Hà Lê mang đến những tiết mục đầy phá cách, vừa lạ mà đủ quen trong giai điệu của nhạc Trịnh (Mưa hồng, Ở trọ) khi được jazz hóa. Thể hiện những bài hát tưởng rất chuẩn mực về nghệ thuật ấy với tinh thần sáng tạo phóng khoáng, tự do, theo chia sẻ Hà Lê, là bởi anh nhận thấy vạn vật, mọi thứ trên đời đều hữu hạn về mặt thời gian, vì thế trong lúc "ở trọ" cùng âm nhạc hay bất cứ "sân chơi" nào, anh cũng muốn dành tất cả năng lượng tích cực nhất mà mình có được để khoảnh khắc "ở trọ" luôn ý nghĩa nhất. 

Việc tiếp tục thực hiện đêm nhạc thứ 2 thuộc chuỗi Nam Jazz Night ở Nhà hát TP.HCM sau đêm đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội thực sự là nỗ lực rất lớn của Tuấn Nam và ê kíp trong khát vọng thổi bùng ngọn lửa đam mê, kiến tạo sân chơi cho những người yêu jazz ở Việt Nam

Ảnh: NSCC

Nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh "tặng" học trò Tuấn Nam sáng tác mới của ông trong đêm nhạc

Ảnh: NSCC

Tiết mục gấp giấy origami trên nền nhạc jazz của nghệ nhân Đào Cương Quyết - quán quân Origami thế giới năm 2009 do Colombia tổ chức

Ảnh: NSCC

"Chủ nhân" đêm nhạc - nghệ sĩ Tuấn Nam, người duy nhất của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được đặc cách tuyển thẳng vào Học viện Âm nhạc Malmo (Thuỵ Điển) vào năm 2017, nhận học bổng toàn phần khóa đào tạo cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Piano Jazz mà không phải qua bất kỳ vòng thi tuyển nào.

Ảnh: NSCC

Trong khi đó, đến với không gian của Nam Jazz Night, Soobin Hoàng Sơn tạo không khí thưởng thức thật nhẹ nhàng, thư giãn với bản nhạc Hoa lời Việt vốn được nhiều thế hệ người yêu nhạc nhớ đến - Dĩ vãng nhạt nhòa, nhưng trong lời Việt mới: Vẫn nhớ. Chia sẻ trong đêm nhạc, Soobin bày tỏ mong muốn những đêm jazz gần gũi như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn, để những ca sĩ trẻ như anh có nhiều cơ hội tham gia, trải nghiệm cũng như khán giả trẻ có thể đến nhiều hơn với thể loại âm nhạc vốn có nguồn gốc từ cộng đồng âm nhạc người châu Phi ở Mỹ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.