Năm học mới: Học trực tiếp hay trực tuyến ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/09/2020 07:25 GMT+7

Vì dịch Covid-19 , có một số trường sẽ phải đón và dạy học cho học sinh qua mạng. Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định tinh giản nội dung của 10 môn học từ lớp 6 đến lớp 12.

Nơi nào cách ly xã hội thì dạy học trực tuyến

Chỉ thị năm học 2020 - 2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu rõ những địa phương phải cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 sẽ dạy và học trực tuyến, trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ở cấp tiểu học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu vấn đề: “Chúng ta xác định phải sống chung với dịch bệnh. Do vậy, nếu vào năm học mà ở một số trường nguy cơ cao thì có dạy trực tuyến với lớp 1 được không, làm thế nào để đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo hình thức dạy học này?”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Hòa cho rằng nếu điều kiện không cho phép học sinh (HS) đến trường thì toàn bộ các trường sẵn sàng chuyển sang phương án 2 là dạy trực tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho hay địa phương này đã tính toán và chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến, nhưng chắc chắn hiệu quả sẽ không thể bằng dạy học trực tiếp. Do vậy, Quảng Ngãi vẫn lên phương án đón HS đến trường.

Khuyến khích học tập  trên nền tảng công nghệ

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong đợt dịch diễn ra vào năm học trước, TP đã sớm triển khai dạy học trực tuyến giúp giáo viên và HS có sự chuẩn bị trước khi triển khai chính thức theo chỉ đạo của Bộ. 
Nền tảng và nguồn tư liệu được xây dựng trong thời gian qua là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống học liệu mở, kho tài nguyên số phục vụ nhu cầu học tập. Trong năm học mới, TP tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học, kỹ năng ứng dụng lý thuyết, kỹ năng giải quyết các vấn đề của thực tế đời sống... Đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến theo quy định mới, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập, khuyến khích người dân học tập suốt đời một cách thông minh với nền tảng công nghệ.
Bích Thanh
Sở GD-ĐT Hải Dương, nơi được xem là “tâm dịch” ở miền Bắc, cho biết đã khử trùng, vệ sinh lớp học; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho HS, giáo viên, người lao động. Sở cũng sẽ có hướng dẫn việc dạy và học cho HS sau khai giảng, ứng với các điều kiện khác nhau, trong đó có diễn biến của dịch bệnh.
Tại Hà Nội, một số trường tư thục, do tựu trường sớm 4 tuần so với trường công nhưng vì dịch bệnh, đã tổ chức dạy trực tuyến thay cho học trực tiếp từ tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng lo lắng vì hiệu quả không cao và khó kiểm soát chất lượng. Hơn nữa, việc HS đến trường còn mang nhiều ý nghĩa khác ngoài việc học kiến thức.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết đến thời điểm này Bộ chưa nhận được báo cáo chính thức địa phương nào có trường sẽ phải tổ chức dạy học trực tuyến sau khai giảng. Tuy nhiên, nơi nào cách ly xã hội thì cũng chưa thể cho HS đi học trực tiếp.
Năm học mới: Học trực tiếp hay trực tuyến ?

Học sinh bước vào năm học mới 2020 - 2021 khi Bộ GD-ĐT đã có dự thảo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến bậc phổ thông

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Sẽ có 3 hình thức dạy học trực tuyến

Bộ GD-ĐT cũng đang xin ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến với cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 năm học vừa qua, Bộ nhìn thấy rất rõ những yêu cầu từ thực tiễn đặt ra cũng như những tình huống phải lường trước đối với việc dạy học trực tuyến. Theo ông Tài, thông tư này ra đời sẽ là hành lang pháp lý cho việc dạy học trực tuyến, được tiếp cận một cách đầy đủ, hệ thống nhưng vẫn có độ mở để triển khai thực hiện lâu dài, phù hợp với thực tiễn.
Dự kiến, sau khi được ban hành, Bộ sẽ đưa việc dạy học trực tuyến như một trong những nhiệm vụ thường xuyên của năm học, bắt đầu từ năm học tới. Tuy nhiên, sẽ tùy điều kiện thực tế, từng cơ sở giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp, với những mức độ khác nhau giữa các nhà trường.
Dự thảo quy định có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến. Thứ nhất là dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn HS tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp. Hình thức thứ hai là dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Tức giáo viên giao cho HS một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận, tương tác khi HS ở trường. Hình thức thứ ba là dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi HS không thể đến trường do dịch bệnh hoặc thiên tai hoặc một điều kiện cụ thể nào đó.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay dù có dịch bệnh hay không thì việc tiếp tục triển khai thực hiện việc dạy học qua internet, trên truyền hình vẫn là một trong những nhiệm vụ đối với giáo dục trung học trong năm học tới. Dù HS vẫn đến trường thì việc dạy học trực tuyến sẽ là hình thức bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp. Các bài học được xây dựng thành bài học điện tử trên mạng để giao cho HS thực hiện các hoạt động phù hợp trên môi trường mạng, ưu tiên các nội dung HS có thể tự học, tự nghiên cứu như: đọc sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng để trả lời các câu hỏi, bài tập được giao.

Tinh giản nội dung bằng cách nào ?

Bắt đầu từ năm học 2020 -2021, Bộ GD-ĐT giảm thời gian thực học ở cấp trung học từ 37 tuần xuống còn 35 tuần. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành giải thích Bộ không giảm thời gian năm học một cách cơ học mà phải có giải pháp đồng bộ để giảm được 2 tuần thực học, dù học 35 tuần không quá tải mà còn hiệu quả hơn. Giải pháp bắt buộc trước hết là phải tinh giản nội dung, tạo cơ hội cho đổi mới phương pháp dạy học, tăng thực hành, trải nghiệm cho HS.
Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Ông Nguyễn Xuân Thành giải thích việc điều chỉnh nội dung dạy học này nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nguyên tắc khi thực hiện điều chỉnh lần này là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.