Nam Cực nóng bất thường, điềm báo về thảm họa địa cầu

Trí Đỗ
Trí Đỗ
07/04/2024 17:19 GMT+7

Nhiệt độ tăng vọt chưa từng có 38,5°C ở nơi lạnh nhất trái đất là điềm báo về thảm họa đối với con người và hệ sinh thái lục địa

Ngày 18.3.2023, các nhà khoa học tại trạm nghiên cứu Concordia (phía đông Nam Cực) đã ghi nhận nhiệt độ nhảy vọt lên 38,5°C - mức cao lịch sử từng được đo tại trung tâm khí tượng trên trái đất.

Mức nhiệt cao ngất ngưởng ở nơi lạnh nhất hành tinh, khiến các nhà nghiên cứu vùng cực quan ngại. Giáo sư Michael Meredith tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực (Anh) cho biết: "Thật là khó tin. Ở nhiệt độ dưới 0°C, mức tăng cao như vậy là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu mức nhiệt ở Anh là 40°C như hiện nay, thì diễn biến trên sẽ khiến nhiệt độ vào mùa xuân ở Anh tiếp tục nóng lên vượt ngưỡng 50°C và gây tử vong cho nhiều người".

Tháng 3 đánh dấu kỷ lục mới về nhiệt độ toàn cầu

Giáo sư Martin Siegert, nhà nghiên cứu sông băng thuộc Đại học Exeter (Anh) chia sẻ với trang The Observer: "Không ai trong nhóm chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể xảy ra. Đó là diễn biến bất thường và thực sự đáng lo ngại. Bây giờ loài người đang phải đối mặt với một điều chưa hề có tiền lệ".

Nam Cực nóng bất thường, điềm báo về thảm họa địa cầu- Ảnh 1.

Chim cánh cụt hoàng đế được nhìn thấy ở Dumont d'Urville, Nam Cực ngày 10.4.2012

REUTERS

Nguyên nhân là gì?

Theo các nhà khoa học, các cơn gió hướng về địa cực mang theo ngày càng nhiều không khí ấm và ẩm từ các vĩ độ thấp vào sâu trong lục địa, được cho là nguyên nhân chính gây ra các đợt sóng nhiệt cực đoan ở vùng cực. Tuy nhiên, bằng chứng tại sao những luồng khí này có thể di chuyển sâu vào lục địa vẫn chưa rõ ràng.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sự gia tăng nhiệt độ cao này là tổng hợp nhiều hiện tượng liên đới. Chẳng hạn, một khối lượng lớn sông băng giáp với dải băng phía tây Nam Cực tan chảy và đổ xuống đại dương, đồng thời mức độ băng biển trôi nổi trên đại dương xung quanh lục địa đã giảm đáng kể.

Trái đất "bên vực thẳm": Liên Hiệp Quốc báo động đỏ về nhiệt độ tăng

Những hiện tượng kể trên đã làm dấy lên lo ngại rằng Nam Cực - từng được cho là nơi quá lạnh và khó bị tác động ban đầu của việc nóng lên toàn cầu, nhưng giờ đây đang phải đối mặt trước sự gia tăng không ngừng của khí nhà kính thải vào bầu khí quyển.

Một lý do chính khiến Nam Cực đang mất dần lớp băng biển là do quá trình đốt nhiên liệu đã khiến các vùng đại dương lân cận tăng nhiệt. Vùng nước tối từng nằm dưới lớp băng dần hiện ra và bức xạ mặt trời không còn phản xạ trở lại không gian. Thay vào đó, nó đang bị biển hấp thụ, làm nóng thêm các đại dương xung quanh.

Giáo sư Michael Meredith cho biết: "Về cơ bản, đó là một vòng luẩn quẩn làm đại dương ấm lên và băng biển tan chảy, mặc dù nguyên nhân sâu xa là do con người và việc tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và thải ra nhiều khí nhà kính".

Nhấn chìm mọi thứ

Các nhà nghiên cứu cảnh báo về hậu quả của sự thay đổi khí tượng này có thể rất nghiêm trọng. Nếu toàn bộ băng ở Nam Cực tan chảy, khiến mực nước biển trên toàn cầu dâng cao hơn 60 m, các hòn đảo và vùng ven biển - nơi phần lớn dân số sinh sống sẽ bị nhấn chìm toàn bộ.

Giáo sư Martin Siegert nhận định rằng Nam Cực đang chạy đua "nóng lên" với Bắc Cực. "Bắc Cực hiện đang nóng lên với tốc độ gấp 4 lần so với phần còn lại của hành tinh. Nhưng Nam Cực bắt đầu bắt kịp khi tăng nhiệt độ nhanh gấp đôi so với các vùng khác của trái đất", ông nói thêm.

Trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí Khí hậu (Mỹ) của một nhóm khoa học (trưởng nhóm Will Hobbs) tại Đại học Tasmania (Úc), sau khi kiểm tra những thay đổi gần đây về độ bao phủ băng biển ở Nam Cực, nhóm nghiên cứu kết luận rằng đã có một "sự chuyển đổi quan trọng đột ngột" về khí hậu của lục địa này, có thể gây ra hậu quả cho cả hệ sinh thái ở Nam Cực lẫn khí hậu toàn cầu.

Giới khoa học lo ngại loại khí mê-tan hơn CO2 trong mối nguy ấm lên toàn cầu

Giáo sư Michael Meredith nhấn mạnh: "Độ bao phủ băng ở Nam Cực thực tế đã tăng nhẹ vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, vào giữa thập niên trước, nó đã giảm liên tục. Điều này là điềm báo về vùng đất mới với hệ thống khí hậu Nam Cực, dẫn đến mối nguy lớn cho khu vực và phần còn lại của hành tinh".

Ngày tận thế khó có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Dải băng ở Nam Cực bao phủ 14 triệu km2, gần bằng diện tích Mỹ và Mexico cộng lại, và chứa khoảng 30 triệu km3 băng - khoảng 60% nước ngọt của thế giới. Lớp phủ rộng lớn này che giấu một dãy núi cao gần bằng dãy Alps, vì vậy sẽ mất một thời gian rất dài để nó tan chảy hoàn toàn, các nhà khoa học cho biết.

Song trên thực tế, mực nước biển dâng cao sẽ xảy ra trong vài thập niên tới khi các tảng băng và sông băng ở phía tây Nam Cực ngày càng ít đi. Nếu chúng biến mất hoàn toàn, mực nước biển sẽ dâng thêm 5 m - đủ để gây thiệt hại cho người dân ven biển trên toàn thế giới.

Hiện rất khó để đánh giá tốc độ xảy ra điều này. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC), mực nước biển có khả năng tăng từ 0,3 m đến 1,1 m vào cuối thế kỷ 21.

Trước đây, nhiều người phủ nhận biến đổi khí hậu cáo buộc các nhà khoa học đã phóng đại mối đe dọa của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, các bằng chứng đang xuất hiện từ Nam Cực và các nơi khác trên thế giới đã chứng minh mức độ đe dọa "đáng báo động" mà nhân loại phải đối mặt.

Phá hủy hệ sinh thái

Tuy nhiên, những tai ương mà Nam Cực phải đối mặt không đơn thuần là vấn đề của con người. Chúng ta đang chứng kiến những tác động sinh thái nghiêm trọng, và nguy cơ lan rộng qua chuỗi thức ăn, giáo sư Kate Hendry, nhà hải dương học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực (Anh) cho biết.

Nam Cực nóng bất thường, điềm báo về thảm họa địa cầu- Ảnh 2.

Chim cánh cụt được nhìn thấy trên một tảng băng trôi ở Nam Cực ngày 15.1.2022

REUTERS

Minh chứng, tảo biển phát triển ở bên dưới và xung quanh băng biển ở phía tây Nam Cực đang dần biến mất khi bị nhuyễn thể ăn - loài giáp xác nhỏ, thường là mồi cho cá, chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi. Tuy nhiên, mối đe dọa sẽ nghiêm trọng hơn nếu loài nhuyễn thể biến mất. "Nếu nhuyễn thể biến mất sau tảo, chuỗi thức ăn sẽ bị gián đoạn", giáo sư Kate Hendry cho biết.

Tảo biển và nhuyễn thể đóng vai trò tối quan trọng trong hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Tảo sẽ hấp thụ carbon dioxide (CO2), sau đó nhuyễn thể ăn chúng và bài tiết phân CO2 và chìm xuống đáy biển. Do đó, nếu mức độ tảo và nhuyễn thể giảm đồng nghĩa với việc có ít CO2 từ khí quyển lắng đọng dưới đáy đại dương, thay vào đó sẽ ở gần mặt biển và dễ dàng quay trở lại khí quyển. Quá trình này giống như một băng chuyền, và khi xuất hiện một lỗ hổng thì mọi nỗ lực nhằm đối phó với tác động của nóng lên toàn cầu sẽ đổ vỡ. "Đó là một kịch bản đáng sợ. Tuy nhiên, thật không may, đó lại là những gì chúng ta đang phải đối mặt", ông Hendry nói thêm.

Một nạn nhân khác của quá trình biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu là chim cánh cụt hoàng đế. Năm ngoái, băng biển Nam Cực - nơi cư trú của loài này, bắt đầu tan chảy khiến chim cánh cụt con chưa kịp mọc lông để chống thấm nước. Do đó, chim cánh cụt hoàng đế đã ngừng sinh sản hàng loạt để tránh con non chết đuối.

Các nhà nghiên cứu đánh giá rằng sự mất tích của chim cánh cụt hoàng đế cho thấy hơn 90% địa bàn sinh sống sẽ bị xóa sổ vào cuối thế kỷ này, nếu xu hướng nóng lên toàn cầu tiếp tục với tốc độ nhanh chóng mặt như hiện nay.

Cuộc khủng hoảng mà Nam Cực đang phải đối mặt có những tác động sâu rộng. Hơn 40 quốc gia đã ký kết giao thức môi trường của Hiệp ước Nam Cực nhằm bảo vệ lục địa này khỏi một loạt các mối đe dọa khác nhau. Trong đó, suy thoái môi trường sống là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, thực tế là lục địa này hiện đang trải qua những thay đổi đáng báo động về lớp băng bao phủ, hệ sinh thái và khí hậu là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bảo vệ này không còn hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.