Nam bộ - Những ngày Cách mạng tháng Tám: Nỗ lực hợp nhất 2 xứ ủy

19/08/2022 06:47 GMT+7

Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Lê Hữu Kiều sau thời gian khôi phục Xứ ủy lại đứng trước thử thách để hợp nhất 2 Xứ ủy Giải phóng và Tiền phong.

Gây dựng lại xứ ủy

Từ sau Nam kỳ khởi nghĩa, các cơ sở Đảng ở Nam kỳ bị thực dân Pháp triệt phá và khủng bố tan tành. Trung ương Đảng mất hoàn toàn liên lạc với Xứ ủy Nam kỳ. Trước tình hình khó khăn này, đầu năm 1943, Tổng bí thư Trường Chinh cử ông Lê Hữu Kiều vào Nam nắm tình hình, để xây dựng cơ sở Đảng và cơ sở Việt Minh tại đây.

Ông Lê Hữu Kiều kể lại trong hồi ký:

"Đầu năm 1943, tôi được gặp đồng chí Trường Chinh tại Cổ Nhuế, thuộc Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Đồng chí trao cho tôi bức thư của Trung ương gửi Đảng bộ Nam kỳ, đồng thời, căn dặn tôi vào trong đó phải truyền đạt ngay đường lối của Trung ương trong tình hình mới để các đồng chí Nam kỳ nắm được. Tôi thấy đồng chí rất quan tâm đến tình hình Nam kỳ".

Ông Lê Hữu Kiều

Tư liệu gia đình

Một thời gian sau, ông Lê Hữu Kiều viết thư gửi đồng chí Trường Chinh, báo cáo tình hình Nam kỳ đang gặp khó khăn, đề nghị Trung ương cử thêm cán bộ vào giúp cho việc xây dựng Đảng và xây dựng các đoàn thể của Việt Minh.

Cuối năm 1943, Trung ương cử ông Nguyễn Hữu Ngoạn, quê ở Đình Bảng, Bắc Ninh, có gia đình buôn bán ở Sài Gòn, vào Nam hoạt động. Từ đây, hai người đi xây dựng cơ sở cách mạng ở Tiền Giang, Hậu Giang. Và ngay cuối năm 1943, được sự trợ lực của các đồng chí Nam kỳ, ông Kiều và ông Ngoạn lập ra Ban Cán sự Đảng miền Đông (gồm Lê Hữu Kiều, Lê Minh Định, Nguyễn Hữu Ngoạn, Mai Già,...). Sau đó, ông Lê Hữu Kiều liên lạc với ông Bùi Văn Dự (lúc ấy là Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang) và một số đảng viên khác, lập ra Ban Cán sự Đảng miền Tây.

Năm sau, 1944, bà Nguyễn Thị Thập gặp các đảng viên trong Ban Cán sự Đảng miền Tây, bàn việc thành lập Xứ ủy lâm thời Nam kỳ, chủ trương khôi phục báo Giải phóng. Đầu năm 1945, Xứ ủy lâm thời xét thấy việc tổ chức các tỉnh ủy và các tổ chức cơ sở Đảng chưa chặt chẽ, muốn củng cố lại, trên cơ sở đó sẽ bầu Xứ ủy chính thức.

Tháng 3.1945, đặc phái viên của Trung ương Lê Hữu Kiều liên lạc được với các đảng viên trong Xứ ủy lâm thời như Nguyễn Thị Thập, Dân Tôn Tử... bàn việc thành lập Xứ ủy chính thức. Sự bàn bạc này dẫn tới Hội nghị ở Bà Điểm vào ngày 20.3.1945, bầu Xứ ủy chính thức, do ông Lê Hữu Kiều làm Bí thư cùng các ông bà Nguyễn Thị Thập, Dân Tôn Tử, Hoàng Dư Khương... Xứ ủy tổ chức Mặt trận Việt Minh Nam kỳ và các tổ chức nhân dân trong Mặt trận Việt Minh, đặt tên là các tổ chức cứu quốc, lấy cờ đỏ sao vàng làm biểu tượng.

Cùng thời gian đó, Xứ ủy Tiền phong xuất hiện. Hai Xứ ủy Giải phóng và Tiền phong tranh nhau giành ảnh hưởng trong quần chúng.

Phân chia và hợp nhất

Nhờ sách, báo và thông tin từ miền Nam ra, Thường vụ Trung ương biết tình hình nội bộ Đảng trong đó không đoàn kết. Ông Trường Chinh một mặt viết bài Hãy kíp đi vào đường lối đăng trên báo Cờ Giải phóng. Tổng bí thư nói rõ các khuyết điểm về khẩu hiệu đấu tranh của cả hai bên Tiền phong và Giải phóng. Ông kêu gọi hai bên hãy đoàn kết theo đường lối của Trung ương. Trong tình thế khẩn trương này, nội bộ không đoàn kết là phạm tội ác lớn.

Mặt khác, tháng 7.1945, Tổng bí thư cử ông Bùi Lâm vào Sài Gòn để thống nhất hai bên cả về mặt tổ chức. Ông Trường Chinh đã nỗ lực hợp nhất hai Xứ ủy lúc đó.

Lê Hữu Kiều (1915 - 1989), quê xã Hoằng Phúc, H.Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông đã đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (1945), Tổng biên tập báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân dân) kiêm Giám đốc đầu tiên Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật)…

Ghi nhớ công lao của người Bí thư Xứ ủy Nam kỳ này, ở Q.2, TP.HCM có con đường mang tên Lê Hữu Kiều.

Ông Hà Huy Giáp nhớ lại: “Anh Trường Chinh bảo chị Kỳ (vợ anh Văn Tiến Dũng) mang một số tài liệu và thư triệu tập đại biểu Nam bộ ra dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và dự Quốc dân đại hội cử Chính phủ Quốc dân lâm thời tại Tân Trào. Anh Ung Văn Khiêm và tôi được anh Trường Chinh chỉ định dự hai cuộc hội nghị này với tư cách là đại biểu cho "Việt Minh mới". Còn đoàn đại biểu "Việt Minh cũ" thì do Lê Hữu Kiều làm trưởng đoàn".

Hai đoàn đại biểu chia thành hai tuyến khác nhau, cùng hướng về căn cứ địa Tân Trào.

Kết thúc Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào, ông Hà Huy Giáp tức tốc trở về Nam chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Song ở Nam bộ lúc đó cũng đã chớp thời cơ giành chính quyền trước khi lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương về tới. Ông Hà Huy Giáp kể tiếp:

"Mồng 2.9.1945, chúng tôi vào tới Nha Trang. Nhưng anh em không nghe được Cụ Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay như giục chúng tôi hãy bay về cho nhanh. Lần đầu tiên tôi mới thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới bay ở khắp các nhà và ở trên các cây cao, bên cạnh cờ đỏ búa liềm. Tôi có cảm giác tôi cũng bay theo, lâng lâng giữa trời".

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, ông Hoàng Quốc Việt - Thường vụ Trung ương vào Nam bộ. Thay mặt Trung ương Đảng, ông đã xúc tiến việc thống nhất hai Xứ ủy. Ngày 15.10.1945 Hội nghị cán bộ toàn Xứ diễn ra tại Cầu Vĩ (Mỹ Tho) để quyết định thống nhất Đảng bộ và Việt Minh Nam bộ. Hội nghị đã bầu Xứ ủy mới do ông Tôn Đức Thắng làm Bí thư Xứ ủy thống nhất.

(còn tiếp)

Nam bộ - Những ngày Cách mạng tháng Tám

Phân chia Xứ ủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.