Năm 2023: Sửa chính sách để giáo viên yên tâm với nghề

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
02/01/2023 06:32 GMT+7

Năm 2022 khép lại với nhiều âu lo của ngành GD-ĐT khi tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn đang nổi cộm. Vì vậy, năm 2023 được kỳ vọng sẽ có những bước sửa chính sách để giáo viên yên tâm với nghề.

Xây dựng luật Nhà giáo

Năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ đầy lo âu về tình trạng hơn 16.000 giáo viên (GV) các cấp học nghỉ việc và cho rằng thực trạng này “ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động dạy và học” trong bối cảnh cả nước đang thiếu hơn 100.000 GV. Để tình trạng này không tiếp tục diễn ra ở năm 2023 và những năm sau, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu hàng loạt giải pháp. Trong đó, đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Nhà giáo mong chờ có những thay đổi về chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác đáp ứng nhu cầu của cuộc sống

nHẬT THỊNH

Tiền lương và chế độ ưu đãi

Đề nghị nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống; đối với GV mới vào nghề, GV hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học… Ngoài chính sách chung của nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho GV.

Về phần Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về chế độ làm việc, chính sách với nhà giáo theo thẩm quyền, tạo động lực và động viên nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ. Rà soát các quy định về hồ sơ, sổ sách của GV, về tổ chức các hội thi, hội thao, về thi đua, khen thưởng… để đảm bảo tính thiết thực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường và quản lý đội ngũ để giảm bớt áp lực cho GV. Các địa phương thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ GV hiệu quả, bền vững và chất lượng…

Năm 2023 sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về chế độ làm việc, chính sách với nhà giáo

NHẬT THỊNH

Ưu tiên tuyển GV dạy môn mới, GV mầm non

Thực trạng thiếu GV diễn ra trầm trọng nhất ở các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và GV mầm non. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đã đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế GV cấp mầm non và phổ thông bổ sung năm 2023. Việc tuyển dụng biên chế sẽ ưu tiên tuyển dụng GV các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, GV mầm non vùng khó khăn...

Những chính sách mới về giáo dục dự kiến trong năm 2023

Tăng lương: Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.2023. Theo đó, lương GV cũng sẽ tăng.

Mua sách giáo khoa cho HS mượn: Bộ GD-ĐT xây dựng phương án nhà nước mua sách giáo khoa cho 70% số HS mượn sử dụng. Qua tính toán, số tiền bỏ ra mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho HS mượn lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỉ, hằng năm bổ sung khoảng 20%. Nếu được Chính phủ thông qua, chính sách này sẽ được thực thi từ năm học 2023 - 2024.

Dự kiến thay đổi quy chế hoạt động của trường chuyên: Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên thay thế quy định hiện hành để lấy ý kiến. Trong đó có một số thay đổi như: bỏ quy định “tổng số HS các lớp chuyên chiếm tối thiểu 2% số HS THPT của tỉnh, thành phố đó; không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”.

Quy định mới về bồi dưỡng thường xuyên GV: Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và GV trung tâm giáo dục thường xuyên. Thông tư có hiệu lực từ 20.1.2023.

Ngoài ra, cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; chỉ đạo sắp xếp các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương... Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thành lập các trường công lập, xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách...

Ngoài ra, xây dựng thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015 theo hướng không quy định “tối đa” định mức GV/lớp, nhóm trẻ để các địa phương có cơ sở tuyển dụng, hợp đồng GV bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non...

Đề xuất hơn 4.000 tỉ đồng/năm cho GV mầm non

Trong dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận, Bộ GD-ĐT thông tin trước đây đã có những quy định về phụ cấp đối với GV, tuy nhiên hiện hành không còn phù hợp. Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ đào tạo GV mầm non là cao đẳng, GV mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,10 - 4,89.

Giáo dục hướng đến tương lai

Ảnh

Công nghệ góp phần thay đổi rất lớn việc dạy học hiện nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Năm 2023, ngành giáo dục bước vào giai đoạn quan trọng thực hiện giáo dục phổ thông mới ở những lớp gần cuối cấp để chuẩn bị đến năm 2025 hoàn tất chương trình. Năm học 2022-2023 tuy mới thực hiện một nửa quãng đường thay sách giáo khoa trong đổi mới giáo dục phổ thông nhưng không phải không nghĩ đến những thay đổi tiếp theo của cuộc sống mà trong đó giáo dục là một mắt xích. Đó chính là sự tác động quá lớn của công nghệ trong mọi lĩnh vực.

Một người bạn đang làm quản lý ở một tập đoàn công nghệ có tham gia quản lý giáo dục khi được hỏi bao lâu nữa thì việc học ngoại ngữ sẽ thay đổi, đã trả lời là khoảng 5-7 năm nữa. Đó là khi việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp theo nhu cầu cá nhân sẽ không còn là vấn đề khi máy móc sẽ thông dịch bằng hàng loạt ngôn ngữ mà với tư cách một cá nhân bạn không thể học để sử dụng.

Hiện nay HS có khoảng 800 tiết học ngoại ngữ trong trường học nếu bắt đầu học từ năm lớp 3 (và khoảng gần 1.000 giờ nếu học từ lớp 1). Khoảng thời gian này đúng bằng số giờ mà một sinh viên đại học có thể hoàn thành chương trình cử nhân. Trước thực tế phát triển của công nghệ và thực trạng học ngoại ngữ đang diễn ra, liệu có cần phải có những thay đổi trong chiến lược phát triển giáo dục, trong đó có việc dạy và học ngoại ngữ ở phổ thông?

Trí tuệ nhân tạo (AI) còn can thiệp vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống và đang làm thay đổi tư duy giáo dục. Có nhiều câu hỏi đặt ra cho nhà quản lý giáo dục hiện nay: Cần phải làm gì để thay đổi giáo dục trong những năm sắp tới? Vai trò của thầy cô giáo, của nhà trường phổ thông và đại học sẽ ra sao? Những gì sẽ được dạy và những gì người học có thể tự thiết kế cho mình một chương trình học cho phù hợp?

Không thay đổi, không sáng tạo, giáo dục sẽ không đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống. Cuộc sống sẽ có lời giải nhưng chủ động tìm dự báo để có lời giải thích hợp bao giờ cũng thuộc về giáo dục.

Hy vọng một mùa xuân mới đến với giáo dục nước nhà với những suy nghĩ mới, đổi mới trong giáo dục.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Với mức phụ cấp 35%, thu nhập GV mầm non thấp hơn nhiều so với GV các cấp học khác có cùng thời gian công tác. Do đó, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với GV mầm non. Cụ thể: nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với GV mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên 70%; GV mầm non công tác tại vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Theo thống kê, với mức đề xuất này sẽ có hơn 200.000 GV thuộc đối tượng điều chỉnh. Dự kiến nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp tăng thêm khoảng 336 tỉ đồng/tháng (4.032 tỉ đồng/năm).

Bộ GD-ĐT đang có phương án tăng mức phụ cấp đối với GV mầm non

đào ngọc thạch

Chế độ ưu đãi đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: các nhà giáo, kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng thuộc biên chế trả lương, đang dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; nhà giáo làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội; hướng dẫn tại các phòng thí nghiệm; cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương, trực tiếp dạy học đủ số giờ theo quy định…

Theo Bộ GD-ĐT, mục đích của việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo là nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương có căn cứ thực hiện, đảm bảo quyền lợi nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.