Năm 2022 sẽ thanh tra việc tiếp nhận và phân bổ vắc xin

Liên Châu
Liên Châu
24/11/2021 17:24 GMT+7

Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2022, tập trung vào các lĩnh vực về vắc xin và tiêm chủng; khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; kinh doanh , quản lý thuốc và mỹ phẩm…

Theo kế hoạch được lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định 5388 ngày 23.11, năm 2022 sẽ có 47 cuộc thanh tra trong lĩnh vực y tế, trong đó Thanh tra Bộ Y tế thực hiện 25 cuộc về y tế dự phòng, dược phẩm, phòng chống tham nhũng...

Tiếp nhận và phân bổ vắc xin là một trong các nội dung thanh tra trong 2022

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trong đó, có 4 cuộc trong lĩnh vực y tế dự phòng về tiếp nhận và phân bổ vắc xin, an toàn sinh học; công tác quản lý nhà nước về y tế dự phòng, môi trường, an toàn thực phẩm...; 6 cuộc trong lĩnh vực khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế; 8 cuộc trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm (thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề dược, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế...); 7 cuộc về thanh tra hành chính, nội dung thanh tra về thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tài chính, ngân sách; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thanh tra việc chấp hành các quy định trong quản lý và sử dụng kinh phí đối với một số dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và một số chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Y tế.

Ngoài ra, có 22 cuộc thanh tra chuyên ngành (y tế dự phòng, khám chữa bệnh, dược, an toàn thực phẩm, dân số...).

Thanh tra chuyên ngành sẽ thanh tra các cơ quan, đơn vị, cơ sở có phòng xét nghiệm, cơ sở tiêm chủng; công tác quản lý, sử dụng vắc xin; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; về công tác giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thanh tra chuyên ngành cũng thanh tra về thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; việc thực hiện các quy định, hướng dẫn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh...

Ngày 24.11: Cả nước 11.811 ca Covid-19, 25.951 ca khỏi | TP.HCM 1.666 ca

Theo Bộ Y tế, công tác thanh tra sẽ đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về y tế, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

Tổ chức thanh tra để phát hiện các sai phạm, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách pháp luật, từ đó kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế; phát hiện các nhân tố tích cực để phát huy, thực hiện phương châm phòng ngừa, kịp thời uốn nắn các sai sót để phòng ngừa sai phạm, đồng thời phát hiện xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.

Tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc do yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc theo chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền; triển khai công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về phòng, chống tham nhũng.

Triển khai công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.