Năm 2022, giải tỏa 'chợ Cũ nhà giàu' Tôn Thất Đạm: Ký ức Sài Gòn khu trung tâm

27/12/2021 13:47 GMT+7

Những ngày cuối năm 2021, không khí trong ‘Chợ Cũ, ‘chợ nhà giàu’ Tôn Thất Đạm trầm buồn trước thông tin giải tỏa. Đây là khu chợ nằm lọt thỏm giữa trung tâm, chứng kiến sự chuyển mình của thành phố náo nhiệt, phát triển nhất cả nước.

UBND Q.1 vừa có báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động chợ Tôn Thất Đạm (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) dự kiến trong quý 2 năm 2022. Thông tin được đưa ra ngay thời điểm cuối năm khiến nhiều tiểu thương gắn bó với chợ mấy chục năm trời dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng vẫn đầy tiếc nuối.

Nỗi lòng tiểu thương chợ cũ Tôn Thất Đạm trước ngày giải tỏa

Vì sao gọi “chợ nhà giàu”, Chợ Cũ?

Chợ Tôn Thất Đạm hoạt động trên lòng lề đường Tôn Thất Đạm, đoạn từ đường Hàm Nghi đến đường Huỳnh Thúc Kháng. Chợ không có quyết định công nhận hoạt động chợ của UBND TP.HCM, không có nhà lồng chợ, các hộ tự trang bị gian hàng bán kiên cố bằng các vật liệu nhẹ đặt cố định trên lòng lề đường Tôn Thất Đạm để mua bán thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây, tạp hóa, bánh kẹo, đồ hộp, thực phẩm chế biến, quần áo, ăn uống.

Ga trạm tramway ở Sài Gòn (trước Chợ Cũ) đi Chợ Lớn. Đằng sau hình là mái nhà gian hàng ở Chợ Cũ

ẢNH CHỤP LẠI TỪ SÀI GÒN - CHỢ LỚN KÝ ỨC CON NGƯỜI VÀ ĐÔ THỊ

Với người Sài Gòn và cả tiểu thương buôn bán lâu năm ở đây, mọi người không gọi là chợ Tôn Thất Đạm mà gọi là “Chợ Cũ” hoặc “chợ nhà giàu”. Trong nhiều tài liệu về Sài Gòn xưa, các tác giả thông tin Chợ Cũ nằm ở trung tâm vận chuyển đường thủy qua kinh rạch ở thế kỷ XIX, quanh Chợ Cũ tập trung nhiều cơ sở buôn bán của người Hoa, Việt và Ấn. Từ sau 1910, kinh rạch trong thành phố bị lấp dần để trở thành các lộ sá, vai trò của Chợ Cũ trong nền kinh tế giảm sút dần cho đến khi có Chợ Mới (chợ Bến Thành ngày nay) vào năm 1914.

Trải qua nhiều thăng trầm, Chợ Cũ vẫn âm thầm chứng kiến sự chuyển mình của thành phố, các tòa nhà cao tầng mọc lên, đường phố tấp nập ô tô, xe máy. Trong Chợ Cũ, có những quầy hàng đã truyền tới nhiều đời về sau, có những tiểu thương chỉ vừa gắn bó chừng chục năm, nhưng câu chuyện về Chợ Cũ thì ai cũng biết.

Chợ Cũ chứng kiến sự chuyển mình của thành phố nhộn nhịp nhất cả nước

V.P

Bà Phạm Minh Phương (62 tuổi) có đến hơn nửa cuộc đời gắn bó với khu chợ Tôn Thất Đạm bằng quầy bán giày dép. Trong ký ức của bà Phương, chợ Tôn Thất Đạm ngày trước lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán. Vài chục năm về trước, cả bà và những tiểu thương xung quanh đều không có nổi miếng bạt che nắng mà ngồi bệt xuống đất hoặc đi qua đi lại trong chợ để mời khách. Theo lời bà Phương, những người lớn tuổi gắn bó với chợ kể lại người Sài Gòn xưa gọi đây là “chợ nhà giàu” vì các hàng hóa bán ở chợ đều được nhập từ nước ngoài về qua Bến Nhà Rồng.

“Cứ nhắc tới hàng ngoại là người ta liên tưởng đến sự đắt đỏ nên gọi là chợ nhà giàu rồi gắn tên đó tới ngày nay, chứ tiểu thương nơi đây không giàu đâu, các mặt hàng được bày bán ở chợ bây giờ giá bình dân lắm”, bà chia sẻ.

UBND Q.1 đề xuất chấm dứt hoạt động chợ Tôn Thất Đạm trong quý 2 năm 2022

T.H

Người Sài Gòn quen thuộc với tên gọi Chợ Cũ

T.H

Nhìn dòng người qua lại chợ thưa thớt, bà Phương nhận xét, khung cảnh chợ từ ngày bà đến bán cho đến hiện nay không có quá nhiều thay đổi, vài sạp
có thêm mái che nắng che mưa, vài sạp phải dẹp đi trả lại mặt bằng cho các quán bar, khách sạn mới mọc lên. Nhưng sau đợt dịch vừa qua, nhiều sạp đóng cửa chưa mở lại.

Một tiểu thương gần 80 tuổi cũng kể, ngày trước kinh tế chưa phát triển, hiếm lắm mới thấy người chạy xe máy ngoài đường, vậy mà khách đến Chợ Cũ mua đồ lại có rất nhiều người đi xe máy. “Người xưa hay dùng từ dân dã là khách “sộp”, gọi cho oai vậy chứ giá cả ở chợ không đắt đỏ. Có lẽ vậy nên truyền tai nhau dần dần có tên chợ nhà giàu”, bà nói.

Ký ức Sài Gòn xưa trong Chợ Cũ

Một ngày cuối năm, rảo bước quanh chợ và bắt chuyện với nhiều tiểu thương, chúng tôi nhận ra Chợ Cũ của năm 2021 hay năm 2017 mà tôi từng ghé đến và của cả nhiều năm về trước (theo lời tiểu thương) vẫn giữ được “chất” riêng của mình. Mọi người buôn bán trong chợ đều quý mến nhau, chưa nghe ai nhắc đến chuyện lời qua tiếng lại trong chợ, lại càng không có chuyện chèo kéo hay nạt nộ khách.

Chợ Tôn Thất Đạm vắng vẻ sau dịch Covid-19

T.H

Quầy dép vắng khách

T.H

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (63 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), chủ của 2 quầy quần áo 32 năm cho biết, ngày trước bà mua lại 7 tấc để buôn bán tại chợ với giá 3 cây vàng. Ngày chưa có dịch, nhiều người chọn đi Chợ Cũ vì không phải gửi xe mà có thể chạy thẳng vào quầy cần mua rồi đi được liền. Đặc biệt, ở đây hiếm khi xảy ra tình trạng người chen lấn nhau đi chợ.

Tuy nhiên sau dịch, bà Cúc cho rằng lượng khách chỉ bằng một phần mười trước kia, có những ngày bà ngồi từ sáng đến chiều nhưng chỉ bán được duy nhất 1 bộ quần áo. “Mấy chục năm buôn bán ở đây, tôi nhớ nhất là có nhóm khách mới ghé đến mua đồ xong nói rất ngạc nhiên khi thấy ngay trung tâm mà có khu chợ thông thoáng, giá cả phải chăng. Còn lại khách đến chợ phần đông là khách mối mấy chục năm, ban đêm ở đây bán thức ăn nhanh nên cũng rất nhộn nhịp”, bà cho hay.

Chợ nằm trên đường Tôn Thất Đạm, kéo dài từ đoạn giao nhau với Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng

T.H

Sau dịch ế ẩm, bà Hà vẫn cố gắng duy trì tiệm tạp hóa và việc làm cho nhân viên

T.H

Tiếp quản quầy tạp hóa từ mẹ chồng để lại, bà Huỳnh Thị Thu Hà (52 tuổi, ngụ Q.4) có 10 năm gắn bó với chợ Tôn Thất Đạm cũng nhận xét, sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19, đến nay chợ vắng hơn rất nhiều, khách quen cũng ít lui tới. “Nhớ nhất là có lần một ông Tây là chủ của một hãng phô mai nổi tiếng đến ngồi chụp hình lưu niệm ngay trước tiệm tạp hóa của tôi, rồi tiệm được đăng trên một tạp chí du lịch, mừng lắm”, bà Hà cười tươi nhắc lại kỷ niệm.

Dù vậy, khi nhắc đến chuyện đề xuất chấm dứt hoạt động chợ Tôn Thất Đạm từ quý 2.2022, bà Hà cùng một số tiểu thương khác lại bùi ngùi vì đã có thời gian gắn bó lâu dài với nơi này cùng nhiều nỗi lo khác cho tương lai.



Chợ Tôn Thất Đạm có 201 hộ kinh doanh và 2 đơn vị với 21 hộ kinh doanh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chợ tạm ngưng hoạt động từ ngày 16.6 đến 15.10.2021 đến nay với khoảng 85 hộ đang kinh doanh.

Theo UBND Q.1, việc các hộ trong chợ tự trang bị gian hàng bán kiên cố bằng các vật liệu nhẹ đặt cố định trên lòng lề đường Tôn Thất Đạm để mua bán hàng hóa không đảm bảo an toàn về PCCC, giao thông, vệ sinh môi trường. Mặt khác, trong khu vực chợ có trường tiểu học Hòa Bình, hoạt động chợ gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sư phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.