Năm 2021 sẽ đột phá bằng kinh tế số

01/01/2021 08:51 GMT+7

Theo các chuyên gia kinh tế và công nghệ hàng đầu Việt Nam, với việc tiên phong trong lĩnh vực 5G , cơ hội để Việt Nam đột phá trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số là rất lớn.

Bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 nhưng nhờ nỗ lực kiểm soát, Việt Nam thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Đặc biệt, Covid-19 tạo ra một làn sóng chuyển dịch số đồng loạt, từ các cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp (DN), người dân, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp chuyển dịch số.

Kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng mạnh

Báo cáo tóm tắt “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045” do Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) cùng Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam công bố năm 2019 nhận định: Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam đang số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính.

Nỗ lực nắm bắt cuộc cách mạng số đồng thời với sự ra đời của công nghệ 5G sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ giúp Việt Nam tạo nên những bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển các năm tới

PGS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore)

Mặc dù vẫn còn gặp nhiều thách thức, song xét trên một số tiêu chí liên quan đến nền kinh tế số thì Việt Nam đang đứng đầu ở một số lĩnh vực. Cụ thể, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm và triển khai mạng 5G. Trên các bảng xếp hạng quốc tế về các môn khoa học, đọc và toán học, học sinh THPT Việt Nam đạt vị trí ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao. Bên cạnh đó, giá cước dịch vụ internet vừa phải cũng là một trong những lợi thế. Cước dịch vụ internet băng thông rộng cố định tại Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (quy đổi theo sức mua tương đương).
Ngoài ra, các yếu tố như vị trí (nằm ở trung tâm của các quốc gia phát triển khu vực châu Á); đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh; đầu tư ngày càng nhiều vào khởi nghiệp và kỹ năng; kỹ năng nghiên cứu khoa học, toán học, đọc và viết đạt bậc phổ thông trung học; khả năng áp dụng kỹ thuật số của toàn dân ở mức độ cao, đặc biệt là sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh; xếp hạng cao về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu... là những điểm mạnh của nền kinh tế số hiện tại, có thể giúp Việt Nam sử dụng công nghệ nâng cao được năng suất và duy trì mức tăng trưởng cao hơn về lâu dài.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch tập đoàn Bkav: VN cần có chiến lược quốc gia về công nghiệp smartphone

ảnh: NVCC

Chúng ta từ chỗ thường bị miệt thị “không làm nổi con ốc vít” đã có thể sản xuất smartphone cao cấp và không ai còn nhắc đến câu chuyện con ốc vít nữa với sự tham gia của Bkav, Viettel, Vingroup trong lĩnh vực này. Chúng ta đã làm chủ các công đoạn trong chuỗi giá trị như ý tưởng, R&D (nghiên cứu - phát triển), thương hiệu, thiết kế, sản xuất, phân phối, marketing, hậu mãi. Các sản phẩm smartphone VN có độ sáng tạo, năng lực tương đương các nhà sản xuất lớn Apple, Samsung.
Qua quá trình phát triển ngành công nghiệp smartphone, chúng ta đã đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao làm chủ các công đoạn thiết kế, sáng tạo sản phẩm. Nhận thấy năng lực của VN,  Qualcomm đã đầu tư mở trung tâm R&D với lực lượng nòng cốt là những kỹ sư chúng ta đào tạo. Nhưng VN cần  có chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp smartphone. Chỉ cần 5 năm là thấy được hiệu quả, là động lực phát triển đất nước bằng công nghệ.
Tương tự, các “ông lớn” như Google, Temasek và Brain & Company trong đánh giá về kinh tế số Đông Nam Á năm 2020 cho thấy nền kinh tế số Đông Nam Á hiện đã đạt đến giá trị 100 tỉ USD với 40 triệu người dùng internet mới và dự kiến vượt mốc 300 tỉ USD vào năm 2025. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 16%, từ 12 tỉ USD năm 2019 lên 14 tỉ USD trong năm 2020. Kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, từ thị trường gọi xe, giao hàng đến thương mại điện tử... Báo cáo đưa ra dự báo vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế số Việt Nam có khả năng đạt giá trị 52 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến đó là 29%/năm.
PGS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), phân tích công nghệ 5G có tiềm năng tạo nên những tác động tích cực rất lớn trong giai đoạn 2021 - 2030 nhờ tiến bộ có tính cách mạng trên 3 thước đo: tốc độ băng thông, năng lực xử lý hệ thống internet vạn vật có mật độ cao, và mức siêu tin cậy và độ trễ cực thấp. Các tính năng này cho phép vận hành các nhà máy, cảng thông minh và thực hiện những sứ mệnh cực khó từ xa như giải phẫu y tế.
“Nỗ lực nắm bắt cuộc cách mạng số đồng thời với sự ra đời của công nghệ 5G sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ giúp Việt Nam tạo nên những bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển các năm tới”, PGS-TS Vũ Minh Khương nói. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nếu DN chỉ chú trọng vào đặc tính “tốc độ băng thông nhanh” thì mới khai thác 20 - 30% lợi ích mà 5G mang lại.
Năm 2021 sẽ đột phá bằng kinh tế số

Mạng 5G đang được triển khai tại trung tâm TP.HCM

ảnh: Nguyễn Sơn

PGS-TS Vũ Minh Khương cho rằng Việt Nam có thể rất mạnh ở đẳng cấp khu vực và quốc tế trên 3 lĩnh vực cung ứng dịch vụ điện toán đám mây; trí tuệ nhân tạo - phân tích dữ liệu lớn và y tế thông minh. Đặc biệt là dịch vụ điện toán đám mây, trước hết cho các DN có mặt ở Việt Nam, sau đó là cả vùng Đông Nam Á. Các công ty hàng đầu của Việt Nam nên coi đây là một ưu tiên hàng đầu.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung: Không phụ thuộc hoàn toàn vào DN công nghệ  đa quốc gia

ảnh: NVCC

Quan trọng hơn, điều cần thay đổi đầu tiên chính là tư duy, nhận thức của chính quyền các cấp với một quyết tâm chính trị cao nhằm đẩy nhanh sự chuyển dịch này, tránh việc triển khai theo kiểu phong trào, không thực tế. Chúng ta cần có một lộ trình và bố trí nguồn lực phù hợp với “một phương pháp triển khai rất VN”, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào DN công nghệ đa quốc gia.
“Để vượt lên mạnh mẽ với động lực kinh tế số, Việt Nam cần chú ý vào 3 ưu tiên lớn. Thứ nhất, dùng công nghệ số để vượt qua thách thức hiện tại trên tất cả các lĩnh vực. Từ kiểm soát tham nhũng đến xây dựng bộ máy công quyền ưu tú; từ nâng cao năng suất lao động đến đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp; từ giảm tải việc học của học sinh đến nâng cao chất lượng giáo dục; từ quản lý tốt hơn môi trường và tài nguyên đến nâng cao chất lượng phát triển hạ tầng và quản lý đô thị. Thứ hai, tạo nên sức mạnh cộng hưởng của toàn xã hội thông qua việc xây dựng các nền tảng số (platform) trong mọi lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt coi trọng nỗ lực học và chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm, tài nguyên. Thứ ba, xây dựng hệ thống hạ tầng số đạt chuẩn mực các quốc gia công nghiệp phát triển OECD; không chỉ về tốc độ kết nối mà cả về độ tin cậy và khả năng bảo vệ an ninh mạng”, ông Khương nói.

Dầu mỏ thì hữu hạn, data thì vô hạn

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, cũng cho rằng việc phát triển mạng viễn thông 5G là một xu thế tất yếu, các nước trên thế giới đều đang tập trung vào cuộc đua này. Mạng viễn thông 5G có thể xem là một bước tiến hóa trong việc cung cấp dịch vụ mới cho nền kinh tế.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG: Dữ liệu cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ

ảnh: NVCC

Người dân cần phải có sự tin tưởng là dữ liệu cá nhân của mình được tôn trọng và bảo vệ. Để thúc đẩy kinh tế số thì đây là việc cực kỳ quan trọng. Mỗi người có quyền được biết dữ liệu của mình do ai thu thập, vì mục đích gì và có quyền đồng ý hoặc từ chối không cho thu thập. Trên thế giới đã có khung pháp lý cho vấn đề này để VN có thể tham khảo, ví dụ như luật GDPR của châu Âu.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới phát triển mạng 5G, yếu tố mang tính nền tảng rất quan trọng để thúc đẩy các công nghệ mới phát triển. Từ đó làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho các mô hình kinh tế - xã hội, tiến tới hình thành các mô hình  chính phủ số, kinh tế số. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa các yếu tố khác như: chính sách của nhà nước để thúc đẩy các DN tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo; chính sách thử nghiệm (sandbox) phải được khuyến khích; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng smartphone; thái độ, phương pháp làm việc của công chức trên không gian mạng…
Trong bối cảnh của Việt Nam, để tạo đột phá, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, nên tập trung vào 2 nhóm ngành mà chúng ta có lợi thế là công nghệ thông tin và nông nghiệp. Có rất nhiều ứng dụng để thúc đẩy đột phá trong 2 nhóm ngành này. Chẳng hạn như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có thể xây dựng các giải pháp, phần mềm cho các thiết bị không người lái (xe không người lái, drone...), hay việc ứng dụng camera kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết bài toán về giám sát các hành vi liên quan đến an ninh trật tự; phân tích hành vi người tiêu dùng; hay như việc ứng dụng drone để đánh giá cây trồng (thời gian nào phù hợp cho thu hoạch), kiểm tra độ phì nhiêu của đất đai thông qua việc phân tích các chỉ số liên quan đến nước, độ ẩm, dinh dưỡng, hoặc phát hiện sớm tình trạng sâu bệnh trên cây…

Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: Đã có hạ tầng, cần thêm chính sách hỗ trợ thiết thực

Ảnh: Độc Lập

Cùng với nền tảng hạ tầng đi trước, nếu có thêm chủ trương khuyến khích mạnh mẽ, chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, 3 ngành kinh tế gồm ngân hàng, logistics và công nghệ thông tin hoàn toàn có thể gia nhập quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, sáng tạo và phát triển tiệm cận với thế giới.
“Dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21”, dẫn câu nói được nhiều người nhắc đến gần đây nhưng Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh nhấn mạnh thật ra vẫn có sự khác biệt. Dầu mỏ thì hữu hạn trong khi data là vô hạn. Các số liệu của thế giới cho biết trung bình mỗi người tạo ra tới 1,7 GB dữ liệu/ngày. Việt Nam tạo ra 76 tỉ GB dữ liệu/năm. Đây là nguồn dữ liệu vô cùng lớn, nhưng cũng như dầu thô, dữ liệu thô không có giá trị. Quan trọng là phải thu thập, phân tích và xử lý nó như thế nào. Đó là một thách thức lớn. Hiện nay, 99% dữ liệu là dữ liệu thô, chỉ có 1% dữ liệu được xử lý để tạo ra giá trị nhưng trong 1% này có tới 99% là do các DN đa quốc gia lớn trên thế giới xử lý, phân tích. Các DN Việt Nam chỉ phân tích, xử lý được 1% còn lại. Các nguồn dữ liệu tại Việt Nam cũng tương đối rời rạc, không liên thông, nhiều dữ liệu trùng lặp.
Tiếp cận ở góc độ đó, ông Lê Hồng Minh đưa ra 3 đề xuất cho Chính phủ để phát triển kinh tế số. Thứ nhất, Việt Nam rất cần xây dựng luật bảo vệ dữ liệu quyền riêng tư. Thứ hai là hạ tầng để phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam. Hiện tại, các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn đang nằm trong dự án của các bộ ngành, cơ quan riêng biệt. Việt Nam đang thiếu eID (định danh số) cho tất cả người dân thay cho chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch. Điều thứ ba là sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng thì làm sao khuyến khích các DN và tổ chức của Việt Nam trao đổi dữ liệu với nhau thông qua một nền tảng Exchange Data. Chính phủ tạo ra một nền tảng để các bên có thể chia sẻ, trao đổi dữ liệu vì việc này không DN nào có thể tự làm.
Năm 2021 sẽ đột phá bằng kinh tế số

Ngân hàng, logistics, công nghệ thông tin sẽ đột phá

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Bkav, lại khẳng định cần có chiến lược quốc gia về ngành smartphone. Bởi trên thế giới, những cường quốc về công nghệ đều làm chủ ngành công nghiệp smartphone, các DN sản xuất smartphone là các tập đoàn công nghệ lớn nhất và làm động lực phát triển đất nước. Có thể kể tên như Mỹ có Apple, Hàn Quốc có Samsung và Trung Quốc có Huawei. Smartphone là tinh hoa của công nghệ cao, hội tụ các công nghệ thiết kế điện tử, thiết kế cơ khí, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, công nghệ phần mềm, công nghệ camera, công nghệ âm thanh, công nghệ ăng ten, công nghệ bảo mật, công nghệ sản xuất.
Việc làm chủ công nghệ smartphone đã tạo động lực, dẫn xuất ra các công nghệ viễn thông mới như 4G, 5G; tạo ra các sản phẩm mới như IoT (internet vạn vật), AI camera. Hiện nay, ngành công nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đang nằm trong tay các DN nước ngoài. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng ngành công nghiệp smartphone do người Việt làm chủ.
Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, lại kỳ vọng ngành tài chính ngân hàng tăng tốc trong kỷ nguyên số. Theo ông Nghĩa, kinh tế số với bản chất của nền kinh tế là sử dụng các giải pháp công nghệ để thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới. Thế nên, những mô hình kinh doanh cũ phải thích nghi với vai trò của công nghệ. Tất cả các mô hình kinh doanh hiện nay, từ du lịch, dịch vụ đến sản xuất, thậm chí khai thác khoáng sản, mỏ cũng phải có giải pháp để chuyển đổi số. Quốc gia nào có quá trình chuyển đổi số tốt sẽ nhanh chóng đạt được hiệu quả về hiệu suất, năng suất, sự sáng tạo. Quá trình này sẽ thúc đẩy một số ngành công nghiệp chưa mạnh trở thành mạnh hơn hoặc chưa tiệm cận với thế giới sẽ thành tiệm cận với thế giới hơn. Trong đó, sẽ có những ngành công nghiệp áp dụng quá trình chuyển đổi số tốt, tác dụng tức thì như dịch vụ tài chính. Hiện hầu hết các ngân hàng, thị trường tài chính, thị trường cho vay... nhờ công nghệ đã thay đổi, phát triển rất mạnh.
Thứ hai là dịch vụ logistics. Trong khoảng 3 năm qua, các dịch vụ giao nhận hàng hóa, giao hàng nhanh, vận chuyển, kho vận… tại Việt Nam đã áp dụng rất nhanh chuyển đổi số, internet để cải thiện hiệu quả và mở rộng mạng lưới, mang lại lợi ích và hình thành một nền công nghiệp mới. Việt Nam có đường biển dài, có sông, có đầy đủ các phương thức vận chuyển hàng hóa và là một nước đang phát triển. Ngành logistics trong tương lai sẽ đi rất nhanh, kèm theo các dịch vụ hậu cần, kết nối quốc tế…
Thứ ba là ngành công nghệ thông tin. Trước đây, chúng ta chưa chú trọng nhiều về phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin. Thực tế có thể thấy, khi những ứng dụng từ nước ngoài bắt đầu gia nhập Việt Nam như Uber, Grab, Airbnb, các DN nội cũng nhanh chóng cho ra đời những ứng dụng tương tự. Điều đó chứng tỏ người Việt hoàn toàn có khả năng, tiềm năng về công nghệ, sáng tạo phần mềm không thua kém gì nước ngoài, chỉ là chưa có cơ hội và được quan tâm đúng mức để phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.