Myanmar một năm từ khi chính biến nổ ra

01/02/2022 15:30 GMT+7

Tròn một năm từ khi chính biến nổ ra tại Myanmar, bạo lực vẫn tiếp diễn và phương Tây vừa ban hành lệnh cấm vận mới lên các quan chức tại quốc gia Đông Nam Á.

Ngày 1.2.2021, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và hàng loạt quan chức chính quyền bị bắt giữ trong cuộc chính biến với lý do gian lận bầu cử.

Người biểu tình tại Yangon hồi tháng 3.2021

Reuters

Phát biểu nhân dịp tròn một năm từ khi quân đội tiếp quản quyền điều hành, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing thông báo kế hoạch tổ chức bầu cử vào tháng 8.2023 với một “hệ thống đại diện phù hợp hơn”, theo Kyodo News.

Quân đội trước đó một ngày cho biết sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp tại Myanmar cho đến ngày 1.8 năm nay.

Từ khi chính biến nổ ra, biểu tình và bạo lực diễn ra thường xuyên. Theo các tổ chức quan sát, hơn 1.500 người đã thiệt mạng kể từ đó nhưng chính quyền quân sự tuyên bố con số thực tế thấp hơn nhiều.

Ông Aung Hlaing nói rằng quân đội đã hành động nhằm phản ứng lại “các cuộc tấn công khủng bố” của các lực lượng đối lập.

Quân đội Myanmar kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng

Sau một năm, kinh tế Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chính biến khi giá cả hàng hóa tăng vọt, nhiều công ty nước ngoài rút khỏi nước này.

Những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế đến nay vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể. Tuy Myanmar và các nước ASEAN đã đạt đồng thuận 5 điểm hồi tháng 4 năm ngoái nhưng đến nay những nội dung liên quan vẫn chưa được thực thi đầy đủ.

Kyodo News dẫn nguồn tin tiết lộ nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN Campuchia dự tính loại ngoại trưởng của chính quyền quân sự Myanmar tham dự cuộc họp sắp tới vì Myanmar thiếu hợp tác thực thi đồng thuận 5 điểm.

Người phát ngôn chính quyền quân sự Zaw Min Tun gần đây tuyên bố chưa đạt được sự nhất trí về đồng thuận 5 điểm và một trong số 5 nội dung là để đặc phái viên ASEAN gặp gỡ tất cả các bên liên quan, gồm bà Suu Kyi, không thể được cho phép.

Trong diễn biến, Mỹ, Anh và Canada ngày 31.1 công bố lệnh cấm vận mới đối với các quan chức tư pháp Myanmar tham gia xét xử bà Suu Kyi và một số tổ chức liên quan đến quân đội Myanmar, theo Reuters.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 1.2 lên án tình trạng bạo lực tiếp diễn tại Myanmar bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.