Mỹ với tham vọng lá chắn tên lửa

26/05/2007 20:14 GMT+7

Mỹ đang đi những bước quyết định để tiến tới việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và Czech. Nhưng trước khi kế hoạch này được triển khai, Washington cũng đã có một hệ thống lá chắn vững chắc.

Tấm khiên trên mặt đất

Tham vọng xây dựng một tấm khiên che chắn cho nước Mỹ và đồng minh đã xuất hiện từ rất lâu. Vài năm trở lại đây, Mỹ không ngừng hoàn thiện hệ thống phòng thủ đa tầng của mình. Họ đã thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa đánh chặn đặt trên mặt đất. Từ những cuộc trình diễn này, người ta đã thấy phần nào khả năng phòng thủ linh hoạt và toàn diện của Mỹ.

Vụ thử nghiệm vào ngày 14.10.2002 đánh dấu bước ngoặt mới trong việc hoàn thiện lá chắn tên lửa cho nước Mỹ và đồng minh. Trang tin điện tử Defenselink.mil cho biết trong sự kiện này, một tên lửa đánh chặn được phóng đi từ căn cứ Ronald Reagan ở Thái Bình Dương đã bắn trúng một đầu đạn giả từ cự ly 225 km. Sau vụ thử, Tổng thống G.W.Bush đã ký quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Hệ thống này bắt đầu được triển khai từ năm 2004.

Cũng theo Defenselink.mil, ngày 22.7.2004, tên lửa đánh chặn đặt trên mặt đất đầu tiên trong dự án mới của Mỹ đã được triển khai tại Căn cứ Fort Greely ở tiểu bang Alaska. Đến cuối năm 2004, Mỹ triển khai tổng cộng 6 tên lửa đánh chặn tại căn cứ này và 2 tên lửa tại Căn cứ không quân Vandenberg ở California. Sau đó một năm, có thêm 2 tên lửa nữa được lắp tại Fort Greely. Người Mỹ tin rằng hệ thống mới có thể cung cấp khả năng phòng thủ một cách cơ bản.

Song song với việc triển khai hệ thống phòng thủ, Mỹ cũng liên tục tiến hành các vụ thử mới nhằm hoàn thiện khả năng tự vệ. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng thu được kết quả như mong đợi. Ngày 15.12.2004, một tên lửa đánh chặn được phóng đi từ quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương nhằm bắn hạ tên lửa mục tiêu xuất phát từ đảo Kodiak ở Alaska đã gặp "sự cố không bình thường". Tháng 2.2005, Mỹ tiếp tục chứng kiến một thất bại trong vụ thử ở đảo Kwajalein tại Thái Bình Dương do trục trặc trong hệ thống hỗ trợ mặt đấy.


Tên lửa đánh chặn Standard Missile III được phóng đi từ tàu USS Lake Erie - Ảnh: US Navy

Sau hai lần thất bại, vào ngày 1.9.2006, hệ thống đánh chặn thuộc Lực lượng phòng thủ tên lửa mặt đất Midcourse đã có một vụ thử thành công. Tên lửa đánh chặn được phóng từ căn cứ Vandenberg ở California đã bắn trúng tên lửa mục tiêu được phóng từ Alaska, với sự hỗ trợ của hệ thống điều khiển mặt đất tại Colorado. Vụ thử này được Giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ, trung tướng Trey Obering, miêu tả là "một thành tựu lớn trong hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa".

Lá chắn dưới biển, trên trời

Cùng với lá chắn trên mặt đất, Mỹ còn triển khai các hệ thống đánh chặn sử dụng tàu chiến và máy bay. Sau nhiều năm phát triển, hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis sử dụng cho tàu chiến đã bộc lộ nhiều tính năng nổi bật. Có thể thấy được phần nào sức mạnh của hệ thống này trong vụ thử ngày 24.2.2005, khi tên lửa SM-3 được phóng từ tàu chiến đã bắn hạ được một tên lửa giả định của kẻ thù. Đây là vụ thử thành công thứ năm của hệ thống Aegis.

Cũng liên quan đến lá chắn trên biển, thông cáo chính thức của Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ cho biết vào ngày 10.11.2005, tuần dương hạm USS Lake Erie đã phát hiện, theo dõi và bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo giả chỉ hai phút sau khi tên lửa mục tiêu được bắn đi. Những sự kiện trên tiếp tục thúc đẩy người Mỹ không ngừng mở rộng hệ thống lá chắn tên lửa trên biển. Các "chiến binh biển cả" của Mỹ hiện đã có mặt khắp nơi, không chỉ ở khu vực Thái Bình Dương mà cả Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Báo Space Daily còn cho biết Mỹ đã triển khai hệ thống radar di động X-Band, giúp nâng cao tính linh hoạt cho các sứ mệnh đánh chặn trên biển.


Tên lửa đánh chặn tại Fort Greely - Ảnh: USFG

Song song với tấm khiên trên mặt đất và trên biển, Mỹ còn có chương trình phòng thủ bằng máy bay. Trọng tâm của chương trình "lá chắn giữa trời" này là chiếc máy bay YAL-1, được phát triển từ một chiếc Boeing 747-400F. Hệ thống phòng thủ YAL-1 sử dụng vũ khí laser để triệt hạ tên lửa đạn đạo chiến thuật của kẻ thù. Việc phát triển chiếc máy bay này bắt đầu vào năm 1996 và hiện đang ở giai đoạn sắp hoàn thành. Báo Space Daily cho biết trong vụ thử nghiệm dưới mặt đất vào năm 2004, hệ thống vũ khí laser của máy bay đã "phát hỏa" thành công. Một sự kiện đáng chú ý mới đây là vào ngày 15.3.2007, chiếc YAL-1 đã phóng laser trúng mục tiêu trong khi đang bay. Ngay trong năm 2007, hệ thống vũ khí trung tâm (COIL) sẽ được lắp vào chiếc YAL-1 để có thể tiến hành những vụ thử mới trước khi chính thức triển khai.

Vươn vòi bạch tuộc

Ngoài việc sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ của mình cùng mạng lưới tàu chiến hoạt động khắp nơi, người Mỹ đã không ngần ngại bộc lộ tham vọng xây dựng các lá chắn tên lửa ở nước ngoài.

Theo trang tin điện tử Fas.org, vào năm 2002, Mỹ đã đề nghị phối hợp sử dụng một căn cứ tại Anh và một tại đảo Greenland của Đan Mạch cho chương trình phòng thủ tên lửa, một phần trong dự án kéo dài từ năm 2004 tới 2009 với khoản ngân sách 53 tỉ USD. Đây là dự án ngốn nhiều ngân sách nhất của Lầu Năm Góc.


Nga nói rằng máy bay Tu-160 đủ sức phá hủy lá chắn tên lửa của Mỹ Ảnh: Airforce-Technology

Tiếp sau bước đi trên, Mỹ tiếp tục "lấn tới" bằng việc đề nghị lắp đặt hệ thống tên lửa đánh chặn ở Ba Lan cùng một trạm radar tại Czech. Nếu kế hoạch trị giá 3,5 tỉ USD này được triển khai, đến năm 2012, Mỹ sẽ có ít nhất 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan, một khu vực được coi là "sát sườn" nước Nga. Theo Hãng tin AP, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Nga, trong tuần này, Mỹ đã tiến hành đàm phán về pháp lý với Ba Lan để tiến tới việc xây dựng hệ thống đánh chặn đầu tiên của mình tại Đông u.

Bước đi trên cho thấy Mỹ muốn hệ thống phòng thủ tên lửa của mình "phủ sóng toàn cầu", hòng có thể chặn hầu hết các loại tên lửa của đối phương, từ tên lửa chiến lược đến cận chiến lược và chiến thuật. Hướng đi này được coi là nỗ lực nhằm khóa tay các quốc gia đang sở hữu hoặc có tiềm năng sở hữu các loại tên lửa đạn đạo như Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Iran, một số nước ở Nam Á và thế giới Ả Rập.

Có thể xuyên thủng

Lá chắn tên lửa của người Mỹ đang được hoàn thiện từng ngày, hướng tới mục tiêu tạo nên một hàng rào bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, người Nga lại cười nhạo vào điều đó.  Phát biểu vào ngày 5.3.2007, trung tướng Igor Khvorov - Chỉ huy trưởng lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Nga - nói rằng máy bay ném bom hạng nặng của Nga đủ khả năng lướt qua hệ thống lá chắn của Mỹ ở Đông u và ném bom phá hủy chúng.


Vũ khí phòng thủ laser của Mỹ - máy bay YAL-1 Ảnh: DoD

"Do hệ thống phòng thủ tên lửa này không được bảo vệ tốt, tất cả các loại máy bay của chúng tôi đều có thể sử dụng công nghệ chống phát hiện để vượt qua và tiêu diệt các lá chắn", tướng Khvorov phát biểu với Hãng tin Interfax. Ông này cũng cho biết Nga đang hiện đại hóa lực lượng chiến đấu của mình bằng việc bổ sung các phiên bản mới nhất của máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Việc bổ sung sẽ được thực hiện ngay trong năm nay.

Năm ngoái, ông Khvorov cũng có tuyên bố rằng máy bay Tu-160 của Nga từng bay xuyên qua hệ thống phòng thủ của Mỹ ở Bắc Mỹ mà không bị phát hiện. Tuyên bố này ngụ ý rằng máy bay ném bom tầm xa của Nga đã được trang bị công nghệ tàng hình mới nhất để "né" hệ thống radar cực kỳ tối tân của Mỹ. Cùng với lực lượng máy bay chiến lược, hiện Nga cũng không ngừng hiện đại hóa hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa đánh chặn để "trả lời" Mỹ. Khái niệm mà người ta gọi là "cuộc chạy đua vũ trang" thực sự đã diễn ra, chứ không phải là nguy cơ như lời cảnh báo của giới quan sát quốc tế.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.