Mỹ - Trung leo thang đối đầu ở Trường Sa

28/10/2015 07:47 GMT+7

Giới quan sát cho rằng Mỹ đang gửi thông điệp mạnh mẽ khi điều tàu khu trục đến tuần tra sát hai đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa.

Giới quan sát cho rằng Mỹ đang gửi thông điệp mạnh mẽ khi điều tàu khu trục đến tuần tra sát hai đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa.

Tàu khu trục Mỹ USS Lassen (gần) trong một chuyến hải hành trên Thái Bình Dương - Ảnh: ReutersTàu khu trục Mỹ USS Lassen (gần) trong một chuyến hải hành trên Thái Bình Dương - Ảnh: Reuters
Sáng 27.10, khu trục hạm USS Lassen của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh hai bãi đá Xu Bi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo.
Thông tin trên đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter xác nhận trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tối qua.
Theo Reuters, tuần tra cùng tàu USS Lassen, vốn được trang bị hệ thống tác chiến hiện đại Aegis, còn có 2 máy bay giám sát P-8A và P-3. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng tàu USS Lassen bị một tàu Trung Quốc bám đuổi ở khoảng cách an toàn và không có sự cố gì xảy ra.
Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa kể từ khi Bắc Kinh tiến hành hoạt động xây đảo phi pháp vào cuối năm 2013.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại hôm qua triệu tập Đại sứ Mỹ Max Baucus, chỉ trích hành động tuần tra nói trên “cực kỳ vô trách nhiệm” và yêu cầu Washington dừng các hành động làm tổn hại cái gọi là chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Việc triệu tập diễn ra vài giờ sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lên giọng cảnh báo nếu Washington tiếp tục “tạo căng thẳng ở khu vực”, Bắc Kinh có thể phải “gia tăng và đẩy mạnh việc tăng cường các khả năng liên quan”, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì chỉ trích hoạt động tuần tra của Mỹ là “lạm dụng” quyền tự do hàng hải và tuyên bố sẽ áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ an ninh quốc gia.
Cũng theo bộ này, tàu khu trục Lan Châu thuộc lớp Lữ Dương II và tàu hộ vệ Đài Châu thuộc lớp Giang Hồ II của Trung Quốc đã phát tín hiệu cảnh cáo tàu USS Lassen khi tàu Mỹ áp sát khu vực.
Trong khi đó, một số nước đã lên tiếng ủng hộ hoạt động tuần tra của Mỹ. Cụ thể, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hôm qua 27.10 khẳng định ông cảm thấy “không có vấn đề” đối với động thái của Mỹ và hoạt động đó cho thấy “sự cân bằng quyền lực” ở khu vực, theo AFP.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne thì nhấn mạnh Canberra không tham gia hoạt động tuần tra nói trên, nhưng ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Washington duy trì tự do lưu thông ở khu vực, theo tờ The Guardian. Kyodo News cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani nhấn mạnh: “Tình hình ở Biển Đông ảnh hưởng lớn đến an ninh của Nhật, nên chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ vấn đề này trước khi đưa ra quyết định”.
Trung Quốc cần kiểm soát chính mình
Đó là một trong các ý kiến được nêu ra vào tối 27.10 khi Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, và chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore).
Ông, bà nhận định thế nào về việc Mỹ điều tàu khu trục áp sát 2 đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa?
Bà Glaser: Tôi nghĩ rằng phản ứng (của Mỹ - NV) có một sự chậm trễ kéo dài. Việc thực thi các hoạt động tự do hàng hải nên được tiến hành thường xuyên.
Ông Koh: Động thái trên của Mỹ chắc chắn nhằm thể hiện các tuyên bố của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982. Nếu Mỹ không thực thi các hoạt động tự do hàng hải thì có thể tạo điều kiện cho một số nước bóp méo, diễn giải UNCLOS 1982 theo cách họ muốn, làm suy yếu quyết tâm của Mỹ trong việc chuyển hướng tái cân bằng sang châu Á.
Diễn biến trên ảnh hưởng thế nào đến tình hình khu vực? Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?
Bà Glaser: Diễn biến trên chỉ là một phần trong chiến lược lớn để Trung Quốc nhận ra cần kiểm soát tranh chấp với các nước láng giềng thông qua hợp tác và bằng phương thức hòa bình. Trung Quốc chắc chắn không muốn xung đột quân sự với Mỹ. Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng ngoại giao. Trung Quốc có thể chỉ trích Mỹ đang quân sự hóa ở Biển Đông. Và đây cũng sẽ là cách để Bắc Kinh biện hộ cho các hoạt động quân sự của họ.
Ông Koh: Không có lý do gì để lo ngại tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn. Trung Quốc sẽ rất cẩn trọng để đưa ra các hành động phản ứng. Mặt khác, khi không có gì xảy ra thì Mỹ sẽ có nhiều lý do để tiếp tục tiến hành tuần tra như thế trong tương lai. Có lẽ, Bắc Kinh chỉ phản ứng qua đường ngoại giao.
Ngô Minh Trí
(thực hiện)
Cuộc gặp bước ngoặt
Tờ Nikkei Asian Review ngày 26.10 dẫn tiết lộ từ giới chức cấp cao Mỹ cho biết quyết định điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông được Tổng thống Barack Obama đưa ra ngay sau một cuộc gặp không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến công du của ông này đến Washington hồi tháng 9.
Với hy vọng thuyết phục Bắc Kinh ngưng leo thang gây hấn ở Biển Đông, ông Obama đã mời vị khách Trung Quốc dự một bữa tiệc không chính thức vào tối 24.9, một ngày trước khi Nhà Trắng tổ chức quốc yến chiêu đãi ông Tập và phu nhân.
Tại bữa tiệc chỉ bao gồm hai nhà lãnh đạo và vài cố vấn thân cận của cả hai, ông Obama dành nhiều thời gian thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc ngưng hoạt động xây dựng phi pháp. Tuy nhiên, điều mà Tổng thống Mỹ nhận được là sự lẩn tránh của ông Tập.
Chính vì thế, sau cuộc gặp, ông Obama đã ra lệnh ngay cho một phụ tá liên hệ với Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris truyền đạt mệnh lệnh cho phép hải quân Mỹ áp sát các đảo nhân tạo.
Giới chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết kế hoạch triển khai tàu chiến được vạch ra từ tháng 6 nhưng ông Obama đã trì hoãn phê chuẩn tiến hành vì hy vọng có thể thuyết phục được ông Tập giải quyết mâu thuẫn thông qua con đường ngoại giao.
Công Chính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.