Mỹ trải thảm đỏ với các đảo quốc Thái Bình Dương

Ngọc Mai
Ngọc Mai
30/09/2022 08:00 GMT+7

Lần đầu tiên Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy ảnh hưởng trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại khu vực này.

Hội nghị kéo dài 2 ngày 28 - 29.9 (giờ Mỹ), với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện 14 đảo quốc nam Thái Bình Dương. Úc và New Zealand cũng tham dự sự kiện với tư cách quan sát viên. Báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin và gọi đây là hội nghị lịch sử.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong hội nghị với các đảo quốc Thái Bình Dương ngày 28.9

Reuters

Mỹ tung sáng kiến

Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ tham gia đón tiếp và thảo luận với đại biểu của các đảo quốc Thái Bình Dương trong khuôn khổ hội nghị này, bao gồm tổng thống, chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ...

Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh này phản ánh quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài của Mỹ với các đảo quốc Thái Bình Dương, được củng cố bởi lịch sử, giá trị chung và mối quan hệ bền vững giữa người dân các bên. “Chúng ta sẽ cùng thảo luận về những thách thức đang phải đối mặt, trao đổi ý tưởng và quan điểm, đồng thời đề ra hướng đi để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất đối với người dân”, ông nói. Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm trực tiếp lắng nghe những ý tưởng, ưu tiên và kỳ vọng của các đối tác nam Thái Bình Dương.

Nội dung chương trình nghị sự trải rộng trên nhiều vấn đề, từ kinh tế thương mại, biến đổi khí hậu, khủng hoảng sức khỏe, sáng kiến hợp tác. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Mỹ đã chỉ ra rằng Washington nắm bắt rõ một trong những mối quan tâm hàng đầu của các đảo quốc Thái Bình Dương chính là xây dựng và chuẩn bị các năng lực ứng phó khủng hoảng khí hậu và các hệ lụy liên quan. Mỹ hôm qua cũng công bố khoản tài trợ hơn 800 triệu USD cho khu vực.

Theo ABC News dẫn các nguồn thạo tin trong chính quyền Biden, Mỹ sẽ công bố một chiến lược mới cụ thể cho Thái Bình Dương, trong đó có việc bổ nhiệm một đặc phái viên đầu tiên phụ trách tại khu vực, cũng như triển khai thêm phái bộ ngoại giao tới 3 đảo quốc. Bên cạnh đó, Mỹ dự định khôi phục hoạt động của văn phòng viện trợ tại Fiji. Chưa rõ thỏa thuận hay tuyên bố chung về tầm nhìn có được thống nhất trong hội nghị hay không.

Chuyển hướng chính sách để cạnh tranh Trung Quốc

Trả lời Thanh Niên chiều qua, tiến sĩ Peter K.Lee (Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Sydney và Đại học Melbourne, Úc) đánh giá hội nghị lần này cho thấy Mỹ đang sẵn sàng tham gia vào khu vực Thái Bình Dương hơn để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc thay vì chỉ đóng vai trò hỗ trợ Úc và New Zealand, vốn là những đối tác truyền thống tại khu vực, như trước đây.

“Tôi nghĩ giới chức Mỹ nhìn nhận rằng thỏa thuận an ninh mà Trung Quốc và quần đảo Solomon ký với nhau hồi tháng 4 là thất bại của giới lãnh đạo Úc trong việc đáp ứng nhu cầu của các nước Thái Bình Dương trong lĩnh vực an ninh cũng như các thách thức về phát triển và môi trường. Đó là lý do các quan chức cấp cao Mỹ đột nhiên thăm Thái Bình Dương liên tục trong năm nay sau nhiều năm dường như vắng bóng”, ông nói. Theo chuyên gia này, Mỹ lâu nay ưu tiên cách tiếp cận tập thể với khu vực thông qua sáng kiến chung với các đối tác khác. Tuy nhiên, với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Washington D.C, Mỹ đang chuyển hướng chiến lược ngoại giao và phần nào tương tự như cách họ đang làm ở Đông Nam Á.

Cũng bình luận về sự kiện, chuyên gia Gregory Poling (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ) cho rằng hội nghị này mang tính biểu tượng quan trọng và việc mời cả đảo quốc không có quan hệ ngoại giao chính thức cho thấy Mỹ đang tôn trọng các đặc thù ở khu vực Thái Bình Dương, theo The Washington Post. Ông Poling cũng đánh giá: “Mỹ sẽ không để tâm nhiều đến các đảo quốc Thái Bình Dương nếu không lo sợ bị mất tầm ảnh hưởng vào tay Trung Quốc”. Ông cho rằng việc Mỹ công nhận điều đó cũng không sao, quan trọng là Mỹ sẽ dùng gì để cạnh tranh với Trung Quốc.

Tuần trước, điều phối viên Nhà Trắng về Indo-Pacific Kurt Campbell cũng nói việc thẳng thắn thừa nhận trước đây Mỹ đã không quan tâm nhiều đến khu vực trên là rất quan trọng.

Giữa bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, các đảo quốc Thái Bình Dương trở thành tâm điểm hai bên lôi kéo. Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều trấn an và nhấn mạnh tôn trọng lựa chọn của các đảo quốc trên nhưng một số nước đã tỏ ra lo ngại bị mắc kẹt trong vòng xoáy tranh giành này. Úc và New Zealand cũng cho thấy quan điểm muốn thúc đẩy các thể chế sẵn có tại khu vực và họ cũng đang nỗ lực tái cam kết với các nước láng giềng nam Thái Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.