Mỹ trả lại Campuchia nhiều đồ cổ bị cướp từ di tích lịch sử

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
07/11/2022 07:23 GMT+7

Các quan chức xác nhận Mỹ trả lại cho Campuchia 30 cổ vật bị cướp, bao gồm cả tượng đồng và đá của các vị thần Phật giáo, Ấn Độ giáo được tạo tác cách đây hơn 1.000 năm.

Một số đồ cổ thời đại đồ đồng đến thế kỷ 12 đã bị đánh cắp từ cố đô Koh Ker của Đế chế Angkor khi nhiều địa điểm khảo cổ của Campuchia - bao gồm Koh Ker, cố đô của Đế chế Angkor - hứng chịu nạn cướp bóc trên diện rộng trong các cuộc xung đột từ giữa những năm 1960 kéo dài đến 1990.

Chính phủ Campuchia tìm cách hồi hương cổ vật bị đánh cắp

Damian Williams, công tố viên liên bang ở Manhattan (Mỹ), cho biết các cổ vật nói trên do Douglas Latchford, tay buôn lậu cổ vật khét tiếng người Anh, bán cho các nhà sưu tập phương Tây. Người này bị cáo buộc làm giả tài liệu để che giấu nguồn gốc số cổ vật bị trộm cướp và buôn lậu, theo tờ The Guardian.

Một số cổ vật trao trả cho Campuchia được trưng bày trong cuộc họp báo ở New York vào ngày 8.8.2022

THE WASHINGTON POST

Cụ thể hơn, tờ The Washington Post đưa tin Latchford, còn được gọi bằng cái tên Thái Lan “Pakpong Kriangsak” và là chủ một tiệm đồ cổ tại Bangkok, bị buộc tội vào năm 2019 vì âm mưu lừa đảo qua điện thoại và các tội danh khác liên quan đến buôn lậu cổ vật Campuchia trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Tuy nhiên, người này qua đời vào tháng 8.2020 nên vụ việc được gác lại.

Công tố viên Williams cho biết các cổ vật, bao gồm bức tượng sa thạch có từ thế kỷ thứ 10 mô tả thần chiến tranh Skanda cưỡi trên lưng con công và một tác phẩm điêu khắc thần Ganesha, được các bảo tàng ở Mỹ và các nhà sưu tập tư nhân tự nguyện trả lại sau khi văn phòng của ông nộp đơn yêu cầu lệnh tịch thu dân sự. Cả hai tác phẩm điêu khắc đều bị đưa bất hợp pháp khỏi Campuchia rồi nhập khẩu vào Mỹ dựa trên tài liệu giả về nguồn gốc.

“Những bức tượng và đồ tạo tác này có giá trị văn hóa lớn đối với người dân Campuchia”, Williams nói tại một sự kiện tổ chức ở Manhattan tháng 6.2022 nhằm công bố thông báo việc trả lại cổ vật.

Bức tượng bằng sa thạch có từ thế kỷ 10 mô tả vị thần chiến tranh của người Hindu Skanda đang cưỡi trên lưng con công

THE GUARDIAN

“Những cổ vật mà chúng tôi trả lại hôm nay đã rời khỏi Campuchia trong thời gian dài. Nhiều cổ vật linh thiêng bị trộm từ các ngôi đền, cung điện rồi buôn lậu qua biên giới và bán rong qua tay những con buôn mà không hề quan tâm đến giá trị văn hóa của chúng đối với người dân Campuchia”, ông tuyên bố.

Reuters dẫn lời Đại sứ Campuchia tại Mỹ Keo Chhea cho hay các cổ vật vừa hồi hương sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Campuchia ở Phnom Penh. “Nó tựa như một sự trở lại phần hồn của nền văn hóa, trở lại với người dân Campuchia. Mỗi tác phẩm đều có mối liên hệ đáng kể với con người, văn hóa và lịch sử của đất nước. Chúng tôi hy vọng thế giới giờ đây sẽ không chỉ đánh giá cao vẻ đẹp của những cổ vật này mà còn cả ý nghĩa tâm linh và văn hóa của chúng đối với người dân Campuchia. Chúng tôi rất biết ơn!”, Đại sứ Chhea phát biểu.

Trước đó, vào năm 2014, các công tố viên liên bang của Mỹ cũng công bố lệnh trả lại tác phẩm điêu khắc Duryodhana bằng sa thạch có niên đại từ thế kỷ 10 cho Campuchia sau khi thỏa thuận với nhà đấu giá Sotheby's - công ty đã mua lại cổ vật này. Năm ngoái, chính quyền New York còn trả lại 27 cổ vật bị cướp khác cho Campuchia.

Đại sứ Campuchia tại Mỹ Keo Chhea kêu gọi các nhà sưu tập, người buôn bán đồ cổ và bảo tàng xem xét liệu những món đồ cổ mà họ đang giữ có thể là đồ bị đánh cắp hay không

THE NEW YORK TIMES

Đại sứ Keo Chhea ca ngợi sự hợp tác giữa Mỹ và Campuchia để thu hồi các cổ vật nhưng ông cũng cho biết họ đang phải đối mặt với một “vấn đề toàn cầu” vẫn tiếp diễn. Ông nói thêm rằng “chúng ta cần cam kết và tiếp tục chiến đấu” để ngăn chặn nạn cướp bóc tiếp tục diễn ra đồng thời ngăn chặn nạn trộm các tác phẩm nghệ thuật quý giá. Điều này đôi khi dẫn đến việc các tác phẩm điêu khắc bị bọn tội phạm cắt nhỏ để dễ tẩu tán”.

Năm 2021, nhà sưu tập người Mỹ Michael Steinhardt từng trả lại khoảng 180 cổ vật bị đánh cắp từ khắp nơi trên thế giới trong những thập niên gần đây như một phần thỏa thuận với chính phủ Mỹ.

Thỏa thuận giữa hệ thống tư pháp Mỹ và Steinhardt giúp ông không bị truy tố nhưng cấm ông mua các tác phẩm trên thị trường nghệ thuật hợp pháp trong suốt phần đời còn lại của mình.

Từ mùa hè năm 2020 đến cuối năm 2021, hàng ngàn cổ vật được chính quyền Mỹ trả lại cho 14 quốc gia bao gồm Campuchia, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Iraq, Hy Lạp, Ý...

Ricky J Patel, đặc vụ phụ trách điều tra an ninh nội địa ở New York, ca ngợi các tác phẩm điêu khắc của Campuchia có “vẻ đẹp và sự khéo léo lạ thường”

THE GUARDIAN

Theo các quan chức của cả Mỹ và Campuchia, hiện vẫn còn nhiều cổ vật khác có nguồn gốc bất hợp pháp vẫn nằm trong tay các nhà sưu tập và bảo tàng tư nhân. Ông Williams khuyến khích “bất cứ ai tin rằng họ đang sở hữu cổ vật trái phép của Campuchia hoặc các cổ vật khác mà họ sở hữu, hãy trao trả chúng”.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.