Mỹ thách thức Nga sau cảnh báo liên quan Ukraine?

Văn Khoa
Văn Khoa
22/07/2023 05:34 GMT+7

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã có đánh giá về đạn chùm và nêu khả năng cung cấp loại vũ khí mới cho Ukraine bất chấp cảnh báo từ Nga.

Tính đến hôm qua (21.7), cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 510 ngày, với những diễn biến mới cho thấy tình hình tiếp tục leo thang.

Ukraine bắt đầu dùng đạn chùm

Ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, hôm qua xác nhận đạn chùm do nước này cung cấp đã được các lực lượng Ukraine triển khai để chống lại lực lượng Nga, theo Reuters. Ông Kirby còn nói rằng phía Ukraine đang sử dụng đạn chùm "khá hiệu quả", và loại đạn này đang có tác động đến các đội hình phòng thủ và cơ động của Nga.

Tổng thống Putin nói Ukraine phản công kiểu "tự sát", cảnh báo Ba Lan

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố Moscow "có đủ" đạn chùm trong kho dự trữ, cảnh báo rằng nếu Ukraine sử dụng loại đạn này trên chiến trường, Moscow có quyền "đáp trả tương ứng", theo Đài RT.

Mỹ thách thức Nga sau cảnh báo liên quan Ukraine? - Ảnh 1.

Một binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo D-20 vào các vị trí của lực lượng Nga ở miền đông Ukraine ngày 20.7

AFP

Ngoài đạn chùm, ông Kirby cho hay Ukraine có thể sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-16 trước cuối năm nay, nhưng nhấn mạnh ông không tin rằng "một mình F-16 có thể thay đổi cục diện trên chiến trường", theo kênh Fox News. Ông Kirby nêu khả năng này không lâu sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với báo Lenta.ru rằng Nga coi việc chuyển giao F-16 cho Ukraine là một mối đe dọa hạt nhân, với lập luận F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 20.7 đề xuất một quỹ trị giá 20 tỉ euro (22,4 tỉ USD) để chi trả cho những lô vũ khí, đạn dược và viện trợ quân sự cho Ukraine trong vòng 4 năm. Đề xuất này nằm trong nỗ lực đưa sự ủng hộ của EU dành cho Kyiv lên cơ sở lâu dài, nhưng cần được chính phủ của các nước thành viên xem xét kỹ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, theo Reuters.

Tổng thống Ukraine nói cầu Crimea là mục tiêu hợp pháp để tấn công

Đêm không kích thứ 4 liên tiếp

Mỹ và EU có động thái như trên trong bối cảnh Nga bị tố liên tục tấn công các thành phố và cảng phía nam Ukraine sau khi Moscow ngày 17.7 từ chối gia hạn thỏa thuận cho phép vận chuyển ngũ cốc Ukraine an toàn qua biển Đen. Tỉnh trưởng Oleh Kiper của tỉnh Odessa sáng qua viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng tên lửa Nga đã đánh trúng một số kho ngũ cốc của một doanh nghiệp địa phương trong đêm không kích thứ tư liên tiếp vào miền nam Ukraine. Ông Kiper nói rằng cuộc tấn công mới đã khiến 2 người bị thương, và 100 tấn đậu Hà Lan cùng 20 tấn lúa mạch bị phá hủy.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) ngày 20.7 nhận định rằng quân đội Nga đang nhắm mục tiêu vào các cảng của Ukraine nhằm làm leo thang căng thẳng xung quanh thỏa thuận ngũ cốc và đạt được sự nhượng bộ từ phương Tây, theo trang The Kyiv Independent. Trước đó, Tổng thống Putin ngày 19.7 cáo buộc các nước phương Tây phá hoại thỏa thuận ngũ cốc vì mục đích riêng của họ, nhưng nhấn mạnh Nga sẽ lập tức quay lại thỏa thuận nếu tất cả các điều kiện của Moscow được đáp ứng.

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, nước nghèo Đông Phi thêm lo thiếu lương thực

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua tuyên bố Hạm đội Biển Đen của nước này đã tiến hành cuộc tập trận thực thi một cuộc phong tỏa biển, theo Đài RT. Bộ Quốc phòng Nga còn nói rằng trong cuộc tập trận, các tàu và máy bay đã thực hiện hành động nhằm "cô lập khu vực mà tàu thuyền tạm thời bị cấm lưu thông, đồng thời thực hiện một loạt biện pháp để bắt giữ tàu vi phạm". Cuộc tập trận diễn ra sau khi Nga và Ukraine đều tuyên bố rằng họ sẽ xem tất cả các tàu dân sự đến các cảng của nhau là đang chở hàng quân sự.

Ông Putin khởi động dự án LNG lớn ở Bắc Cực

Tổng thống Vladimir Putin ngày 20.7 đã khởi động phần đầu tiên của Arctic LNG 2, dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại tỉnh Murmansk của Nga ở Bắc Cực, theo AFP. Arctic LNG 2 có chi phí ước tính lên tới 21 tỉ USD, với công suất sản xuất 19,8 triệu tấn LNG/năm. Tham gia dự án gồm có công ty sản xuất khí đốt Nga Novatek (kiểm soát 60% dự án), và hai công ty Trung Quốc CNPC và CNOOC, cùng tập đoàn Nhật Japan Arctic LNG.

Arctic LNG 2 là một trong những dự án trọng điểm của Nga trong nỗ lực mở tuyến hàng hải phía bắc nối châu Á và châu Âu. Moscow hy vọng tuyến đường này sẽ có thể cạnh tranh với kênh đào Suez như một tuyến đường vận chuyển hydrocarbon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.