Mỹ tập trung khu trục hạm 'khủng' để săn tàu ngầm Trung Quốc ?

Văn Khoa
Văn Khoa
18/05/2022 20:00 GMT+7

Hải quân Mỹ đã điều 5 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke thuộc phiên bản mới đến Nhật, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden xem Trung Quốc là “mối đe dọa”.

Trong tháng 3, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản thực hiện một cuộc tập trận ngư lôi ở Vịnh Tokyo lần đầu tiên, theo tờ Nikkei Asia ngày 10.5. Từ trên không, một trực thăng MH-60R thả quả ngư lôi dành cho huấn luyện xuống vùng biển Nhật, mô phỏng cuộc tấn công vào một tàu ngầm. Trước đó, những cuộc tập trận ngư lôi tương tự được tiến hành ở ngoài khơi thành phố San Diego thuộc bang California (Mỹ).

“Âm thầm thay đổi chiến lược”

Cuộc tập trận trên diễn ra khi Hải quân Mỹ âm thầm thay đổi chiến lược bố trí tàu ở Nhật, đưa các chiến hạm có khả năng và mới hơn đến gần eo biển Đài Loan và phản ánh những ưu tiên đang thay đổi trong sứ mệnh toàn cầu của lực lực lượng này, theo Nikkei Asia.

Một trực thăng MH-60R trên USS Ralph Johnson, một khu trục hạm lớp Arleigh Burke đóng ở Yokosuka, đi qua Biển Đông trong tháng 1.2022.

Hải quân Mỹ

Kể từ mùa hè năm ngoái, 5 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke thuộc phiên bản mới Flight IIA đã đến Yokosuka, căn cứ hải quân ở nước ngoài của Mỹ lớn nhất trên thế giới. Số tàu đó thay những tàu như USS John S. McCain và USS Curtis Wilbur, đã được triển khai đến Nhật trong 1/4 thế kỷ.

Những chiếc tàu cũ như trên tập trung vào phòng thủ tên lửa đạn đạo nên được triển khai với mục đích đối phó CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, những tàu mới hơn được kỳ vọng thực hiện nhiều nhiệm vụ, có thể đối phó chiến đấu cơ tiên tiến của Trung Quốc, săn tàu ngầm, đánh chặn tên lửa hành trình mới nhất cũng như tên lửa đạn đạo.

Hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke ở thành phố Yokosuka

Hải quân Mỹ

Trong số tàu khu trục mới có 4 chiếc có nhà chứa trực thăng, có thể chứa trực thăng MH-60R như chiếc đã tham gia cuộc tập trận nói trên. Được trang bị bệ phóng sonobuoy (hệ thống được thả/phóng từ máy bay/tàu để thực hiện cuộc chiến chống tàu ngầm), radar, ngư lôi và tên lửa chống hạm, MH-60R có thể phát hiện, theo dõi và phá hủy tất cả mối đe dọa dưới mặt nước. Đây được xem là công cụ chính cho việc săn tàu ngầm kẻ thù, và được kỳ vọng trở thành một phần quan trọng trong các chiến dịch của Hải quân Mỹ chống lại Trung Quốc và Nga, theo Nikkei Asia.

Trong cuộc tập trận ở Vịnh Tokyo nói trên, trực thăng bay từ các căn cứ trên bộ ở Nhật. Tuy nhiên, những tàu khu trục mới được trang bị nhà chứa trực thăng, giúp mở rộng tầm hoạt động của hải quân Mỹ. “Những khu trục hạm Flight IIA của Hải quân Mỹ, với trực thăng và các thành viên phi hành đoàn, mở rộng đáng kể các khả năng tác chiến chống tàu ngầm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có thể đưa trực thăng đến những khu vực vượt xa tầm hoạt động của những trực thăng được triển khai từ trên bộ”, trung úy Mark Langford thuộc Hạm đội 7 của Mỹ khẳng định, theo Nikkei Asia.

Chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng?

Hiện có 8 tàu khu trục lớp Arleigh Burke ở Yokosuka, cùng với tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge, tàu sân bay USS Ronald Reagan và 3 tuần dương hạm. Với 13 tàu chiến này, Yokosuka được xem là một trong những căn cứ quan trọng nhất về mặt chiến lược trong quân đội Mỹ. Tầm quan trọng của Yokosuka chỉ được nâng lên dưới thời của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn xem Trung Quốc là “mối đe dọa” giữa lúc có quan ngại Bắc Kinh vào một ngày nào đó có thể cố tái thống nhất Đài Loan với đại lục, theo Nikkei Asia.

Từ Yokosuka, các chiến hạm Mỹ mất khoảng 1 ngày rưỡi để đến eo biển Đài Loan với vận tốc hơn 55 km/giờ, nhanh hơn so với việc xuất phát từ đảo Guam (mất 1,9 ngày), Singapore (2,5 ngày), Trân Châu Cảng, Hawaii (5,9 ngày), Everett, Washington (7,3 ngày) hay San Diego (8,2 ngày), theo ước tính của Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ. Hải quân Mỹ còn có một căn cứ lớn khác tại Nhật, nằm ở thành phố Sasebo thuộc tỉnh Nagasaki. Vị trí này thậm chí gần Đài Loan hơn và hiện có 9 tàu Mỹ. Trong đó có tới 5 tàu đổ bộ cỡ lớn có khả năng đưa hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ ở đảo Okinawa đến chiến trường ở eo biển Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tàu ngầm Trung Quốc trong một cuộc thao diễn ở Biển Đông vào năm 2018

Reuters

Tuy đang chuyển những tàu có khả năng nhất gần eo biển Đài Loan hơn, quân đội Mỹ không có nguồn lực để mở rộng hạm đội để có thể đối chọi với Trung Quốc về số lượng tàu. Do đó, chiến lược của Mỹ là hoạt động cùng với các đồng minh và đối tác để duy trì ưu thế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại một cuộc điều trần ở Hạ viện vào ngày 3.5, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nhấn mạnh “có thêm tàu là luôn luôn tốt, nhưng điều quan trọng nhất là có những tàu mà chúng ta phải có, đặt chúng trong tình trạng sẵn sàng”. Ông Milley còn nhấn mạnh: “Chúng ta có nhiều đồng minh và đối tác. Trung Quốc không có. Hải quân Nhật (Lực lực Phòng vệ trên biển), hải quân Úc, các đồng minh và đối tác khác có thể làm việc với Mỹ”.

Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 10.5, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines đánh giá mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Đài Loan từ bây giờ đến năm 2030 là “nghiêm trọng”, theo hãng thông tấn CNA. Bà Haines cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực chuẩn bị các khả năng quân sự đến mức có thể kiểm soát Đài Loan ngay cả khi có sự can thiệp của Mỹ. Bà Haines còn tin rằng Trung Quốc đang theo dõi sát sao chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng chiến dịch này không làm tăng tốc kế hoạch của Bắc Kinh liên quan Đài Loan. Bà Haines cũng nhất trí với Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ Scott Berrier rằng Trung Quốc sẽ muốn theo đuổi mục tiêu tái thống nhất bằng biện pháp hòa bình hơn là sử dụng vũ lực, nhưng cho rằng Đài Loan vẫn cần chuẩn bị phòng thủ về mặt quân sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.