Mỹ phát triển vi khuẩn dò bom mìn

13/11/2019 19:08 GMT+7

Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu phát triển một loại vi khuẩn có thể phát hiện bom mìn dưới mặt đất.

Theo hợp đồng với Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA), tập đoàn Raytheon và đối tác là Học viện Bách khoa Worcester sẽ phát triển hai chủng vi khuẩn biến đổi gien có thể được dùng để dò tìm vật liệu nổ.
Cụ thể, các chuyên gia sẽ nuôi, “lập trình” chủng vi khuẩn thứ nhất có khả năng phát hiện chất nổ và chủng thứ hai có thể tự phát sáng. Quân đội có thể điều động máy bay không người lái để khảo sát các khu vực có vi khuẩn phát sáng.
"Chúng tôi biết rõ một số loại vi khuẩn có thể được ‘lập trình’ để phát hiện chất nổ trên mặt đất, nhưng dưới lòng đất thì khó hơn. Chúng tôi đang nghiên cứu phát triển hệ thống vận chuyển vi khuẩn đến độ sâu cần thiết dưới lòng đất và sau đó đẩy chủng vi khuẩn phát sáng lên mặt đất", tiến sĩ Allison Taggart, chuyên gia của Raytheon, cho hay.

Hiện vẫn chưa rõ cách thức phát tán loại vi khuẩn dò tìm thuốc nổ này

AFP

Tiến sĩ Taggart cho biết thêm: “Ngoài mục đích phát hiện chất nổ, chúng ta có thể dùng vi khuẩn đóng vai trò bộ cảm ứng vi sinh học để phát hiện những mối đe dọa đối với chất lượng nguồn nước và không khí”.
Mặc dù Lầu Năm Góc khẳng định dự án vi khuẩn rà bom mìn này chỉ nhằm mục đích phòng vệ, nhưng một số chuyên gia cho rằng ý tưởng quân sự hóa vi khuẩn có thể là xu hướng mới trong phát triển vũ khí sinh học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.