Mỹ - Nga tranh cãi về chương trình vũ khí hạt nhân không gian

22/02/2024 08:00 GMT+7

Một nguồn tin Mỹ vừa tiết lộ thêm thông tin về chương trình mà Washington cho rằng đang được Nga theo đuổi nhằm phát triển vũ khí hạt nhân diệt vệ tinh, nhưng Moscow dứt khoát bác bỏ khả năng này.

Nhiều thông tin bắt đầu xuất hiện sau khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 14.2 bất ngờ đưa ra lời cảnh báo về "một mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng", và yêu cầu Nhà Trắng phải giải mật toàn bộ thông tin liên quan đến mối đe dọa mới. Ông John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, sau đó xác nhận mối đe dọa liên quan đến năng lực diệt vệ tinh.

Mỹ - Nga tranh cãi về chương trình vũ khí hạt nhân không gian- Ảnh 1.

Mô phỏng một vụ bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo trái đất

3DSculptor

Cáo buộc từ Mỹ

Ngày 17.2, tờ The New York Times đưa tin từ vài tuần qua, một lời cảnh báo được lan truyền trong cộng đồng các cơ quan tình báo Mỹ. Theo đó, Nga có lẽ đang chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh quân sự bí mật, và điều mà Mỹ muốn biết là liệu Moscow sẽ nhân cơ hội này đưa vũ khí hạt nhân vào không gian hay không. Cùng ngày, Đài CNN dẫn lời 3 nguồn thạo tin cảnh báo vũ khí được Nga phát triển khi phát nổ sẽ tạo ra một đợt sóng năng lượng khổng lồ và đủ sức phá hoại nhiều vệ tinh cùng lúc.

Đến ngày 20.2, Hãng Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho hay Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân hoặc đầu đạn mô hình vào không gian, sớm nhất là trong những tháng đầu năm nay. Cũng theo các nguồn tin, Mỹ nhận định Nga không có kế hoạch kích hoạt thiết bị. Thế nhưng, chưa thể loại trừ nguy cơ xảy ra sự cố gây nổ trên thực tế, khiến nhiều vệ tinh bị tê liệt.

Hôm qua, Reuters dẫn một nguồn tin không nêu tên tiết lộ vũ khí hạt nhân diệt vệ tinh trên không gian đang được Nga phát triển có thể gây gián đoạn mọi thứ, từ các hệ thống liên lạc quân sự đến dịch vụ điện thoại trên mặt đất. Theo hiểu biết của người này, hệ thống có liên quan đến một thiết bị nổ hạt nhân trên quỹ đạo.

Phản ứng của Nga

Trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ở Điện Kremlin hôm 20.2 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi rõ ràng và minh bạch: Chúng tôi luôn dứt khoát phản đối và hiện tiếp tục chống lại việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian".

"Chúng tôi không những tuân thủ mọi thỏa thuận hiện có trong lĩnh vực này, mà còn nhiều lần đề nghị tăng cường nỗ lực hợp tác nhằm ngăn chặn (vũ khí không gian được triển khai)", theo TASS dẫn lời ông Putin. Nhà lãnh đạo Nga bổ sung các hoạt động trên không gian của Moscow không hề khác những nước như Mỹ.

Về các cáo buộc cho rằng Nga đang theo đuổi năng lực diệt vệ tinh và đưa vũ khí vào không gian, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu khẳng định không hề có kế hoạch nào giống như nội dung được chính quyền Washington đề cập, và sau đó đến từ các nguồn không nêu tên của Mỹ.

"Đầu tiên, không hề có những dự án như thế - vũ khí hạt nhân trong không gian. Thứ hai, Mỹ biết điều đó", Bộ trưởng Shoigu nói với Tổng thống Putin. Bộ trưởng Nga cáo buộc Nhà Trắng đang dùng chiêu trò để "dọa sợ" các nghị sĩ Mỹ, khiến họ thông qua thêm nhiều nguồn viện trợ mới cho Ukraine. Hiện Quốc hội Mỹ vẫn chưa nhất trí về gói viện trợ quân sự mới cho Kyiv bất chấp sức ép từ chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2.2022 đã dẫn đến tình trạng đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Và theo ông Shoigu, lý do thứ hai đằng sau vụ rò rỉ thông tin là nhằm thúc đẩy Nga tham gia cuộc đối thoại về ổn định chiến lược. Về vấn đề này, Tổng thống Putin khẳng định Nga chưa bao giờ phản đối tham gia nỗ lực đối thoại về ổn định chiến lược trên toàn cầu.

Vũ khí hạt nhân trong không gian có nghĩa gì ?

Tính đến thời điểm hiện tại, cả Nga và Mỹ đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng kể và có bề dày phát triển chương trình không gian. Hai nước cũng từng lần lượt phóng tên lửa để loại trừ vệ tinh của mình bị hỏng trên quỹ đạo. Chẳng hạn, ngày 15.11.2021, quân đội Nga xác nhận phóng tên lửa phá hủy vệ tinh giám sát vô tuyến Tselina-D trên quỹ đạo trái đất, theo Sputnik News. Tháng 2.2008, Mỹ cũng từng bắn tên lửa tiêu diệt vệ tinh "chết" của mình trên quỹ đạo. Trong cả hai trường hợp trên, Mỹ lẫn Nga đều sử dụng tên lửa thường. Hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ cũng đang phát triển năng lực hạt nhân trên không gian hay không. Tuy nhiên, nếu bất kỳ thế lực nào theo đuổi năng lực này, thế giới đối mặt nguy cơ bùng nổ cuộc chạy đua trang bị vũ khí hạt nhân trên không gian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.