Mỹ muốn ASML ngừng bán thiết bị chế tạo chip cho Trung Quốc

07/07/2022 12:55 GMT+7

Washington đang nỗ lực kiềm chế kế hoạch thúc đẩy lĩnh vực chip của Bắc Kinh, bằng cách đề nghị nhà cung cấp Hà Lan ASML Holding ngừng bán công nghệ sản xuất chủ đạo.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, quan chức Mỹ đang vận động các đối tác Hà Lan để ngăn cấm ASML bán một số hệ thống in thạch bản cực tím sâu (deep ultraviolet litho - DUV) cho Trung Quốc. Dù những chiếc máy này không bằng thiết bị tiên tiến hiện có, nhưng chúng vẫn là phương pháp phổ biến nhất để tạo ra một số loại chip theo yêu cầu có trong ô tô, điện thoại, máy tính và thậm chí cả robot.

ASML thống trị thị trường hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến nhất thế giới

Bloomberg

Đề xuất hạn chế của Mỹ sẽ mở rộng lệnh cấm hiện tại đối với việc bán các hệ thống sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc, nhằm ngăn cản kế hoạch của Bắc Kinh trong việc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất chip. Nếu ASML đồng ý, thì phạm vi và loại thiết bị sản xuất chip hiện bị cấm nhập khẩu vào đại lục sẽ tăng lên đáng kể, đồng thời có khả năng giáng một đòn nghiêm trọng vào các nhà sản xuất chip Trung Quốc từ Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) đến Hua Hong Semiconductor.

Vấn đề trên nảy sinh trong chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Don Graves tới Hà Lan và Bỉ vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.2022 để thảo luận về vấn đề chuỗi cung ứng. Trong chuyến đi đó, ông Graves cũng đến thăm trụ sở của ASML và gặp Giám đốc điều hành Peter Wennink.

Được biết, chính phủ Hà Lan vẫn chưa đồng ý với bất kỳ hạn chế bổ sung nào đối với xuất khẩu của ASML sang các nhà sản xuất chip Trung Quốc, một động thái có thể làm tổn hại mối quan hệ thương mại của hai nước. Hiện tại, ASML không thể vận chuyển hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến nhất của mình, có giá khoảng 160 triệu euro (khoảng 164 triệu USD/chiếc), cho Trung Quốc vì không thể xin được giấy phép xuất khẩu từ chính phủ Hà Lan.

“Cuộc thảo luận không phải là mới. Không có quyết định nào được đưa ra và chúng tôi không muốn suy đoán hoặc bình luận về điều này”, một phát ngôn viên của ASML nói.

Việc Mỹ thúc đẩy ASML diễn ra khi Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc nới lỏng một số thuế quan từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Dù vậy, chính quyền ông Biden vẫn tiếp tục nỗ lực của người tiền nhiệm nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ Mỹ.

Suy yếu tham vọng của Trung Quốc

ASML là nhà sản xuất hệ thống in thạch bản hàng đầu thế giới. Đây là loại thiết bị thực hiện bước quan trọng trong quá trình tạo ra chất bán dẫn. ASML thống trị thị trường in thạch bản cũng có nghĩa là tham vọng của Trung Quốc trong việc tự cung cấp năng lực sản xuất các linh kiện điện tử quan trọng hơn sẽ bị suy yếu, vì khó tiếp cận được sản phẩm của nhà cung cấp Hà Lan.

“Thị phần của Trung Quốc trên thị trường thiết bị chip toàn cầu là không đáng kể. Việc sản xuất chip là điểm nghẽn trong kế hoạch tăng trưởng bán dẫn của Trung Quốc”, ông Alex Capri, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Hinrich có trụ sở tại châu Á, nói.

Theo nguồn thạo tin, quan chức Mỹ cũng đang cố gắng gây áp lực để Nhật Bản ngừng vận chuyển công nghệ tương tự cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc. Nikon của Nhật Bản cạnh tranh với ASML trong lĩnh vực này.

Nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip bắt đầu dưới thời ông Trump. Chính quyền Washington lúc đó đã gây sức ép với chính phủ Hà Lan để ngăn chặn việc bán hệ thống EUV độc quyền của ASML cho Trung Quốc.

Các nhà sản xuất thiết bị chip lớn của Mỹ bao gồm Applied Materials và Lam Research Corp cũng bị cấm bán một số sản phẩm tiên tiến nhất định cho SMIC do lo ngại về an ninh quốc gia. Lệnh cấm DUV tiềm năng nêu trên có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến SMIC và các công ty khác ở Trung Quốc.

“Thiết bị in thạch bản là thiết bị khó thay thế nhất đối với Trung Quốc trong sản xuất chất bán dẫn. Nếu không có thiết bị in thạch bản DUV của nước ngoài, sự phát triển của ngành công nghiệp chip của Trung Quốc có thể bị dừng lại”, ông Johnson Wang, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.