Mỹ củng cố mạng lưới 'vây hãm' Trung Quốc

30/08/2020 09:59 GMT+7

Mỹ đang tăng cường xây dựng nhóm “tứ giác an ninh” ở Indo-Pacific cũng như các nước khác ở nam Thái Bình Dương nhằm củng cố mạng lưới đồng minh để “vây hãm” Trung Quốc .

Cấp tập xây dựng “tứ giác an ninh”

Chiều qua (29.8), Lầu Năm Góc thông báo cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono vừa diễn ra tại đảo Guam.
Khẳng định sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật, hai bộ trưởng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở. Cả hai cùng cam kết duy trì trật tự và ổn định dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông lẫn biển Hoa Đông. Qua đó, Washington và Tokyo nhất trí tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác quốc phòng đối với các nội dung về hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tổng hợp (IAMD) cùng các chức năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Đây có thể xem là động thái thắt chặt quan hệ đồng minh nhằm ứng phó với hành động của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở khu vực Indo-Pacific nói chung, cũng như Biển Đông, biển Hoa Đông nói riêng.
Nhận xét về cuộc hội đàm, TS Satoru Nagao cho rằng đây là động thái mang nhiều ý nghĩa. Ông Kono là một người am hiểu cả chính sách đối ngoại lẫn quốc phòng, đồng thời là ứng viên sáng giá để kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - người vừa tuyên bố từ chức vào ngày 28.8. Chính vì thế, việc tăng cường tiếp xúc với Bộ trưởng Kono có thể giúp Washington thắt chặt quan hệ với Tokyo trong thời gian tới, nhất là đối với vấn đề củng cố sự hợp tác của nhóm “tứ giác an ninh” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ.
Liên quan Trung Quốc, trong sự kiện trực tuyến do Trung tâm nghiên cứu Hội đồng Atlantic (Mỹ) tổ chức vào khuya 28.8 (theo giờ VN), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert C. O'Brien cũng chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh. Về Biển Đông, Cố vấn O’Brien cho rằng Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” ở vùng biển này là một sự “lố bịch”.
Cũng tại sự kiện trên, ông O’Brien tiết lộ sẽ sớm có cuộc gặp với những người đồng cấp của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc vào tháng 10 tới, đồng thời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sẽ có cuộc gặp với các ngoại trưởng vừa nêu vào tháng 10 tới. Một trong các nội dung thảo luận của hai cuộc gặp này sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan Trung Quốc.
Thời gian qua, “tứ giác an ninh” là một trong các nền tảng quan trọng cho chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở mà Washington theo đuổi nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cho nên, việc củng cố hợp tác của nhóm “tứ giác an ninh” có vai trò quan trọng đối với chiến lược trên.
Mỹ củng cố mạng lưới 'vây hãm' Trung Quốc1

Vị trí của Palau

ẢNH: TL

Chốt chặn ở nam Thái Bình Dương

Không chỉ củng cố “tứ giác an ninh”, trước cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ở đảo Guam, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 28.8 công du Palau.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng chuyến thăm Palau có ý nghĩa quan trọng vì vị trí của đảo quốc ở nam Thái Bình Dương này. “Gần đây, Trung Quốc mở rộng năng lực tấn công của tên lửa lẫn không quân khiến cho căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản hay Philippines đều nằm trong tầm tấn công của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng mở rộng hoạt động hải quân ở vùng biển phía đông Philippines. Vì thế, Washington cần củng cố thêm các căn cứ hỗ trợ. Trong đó, đối với Washington thì các cơ sở ở Hawaii, đảo Guam và Palau có vai trò rất quan trọng khi đóng vai trò như tuyến hậu cần an toàn từ lục địa Mỹ đến Philippines”, TS Nagao phân tích.
Theo ông, trong khi đó, Trung Quốc gần đây cũng gây sức ép với Palau. Trước đây, Trung Quốc từng đầu tư rất nhiều đến đảo quốc này và lượng khách du lịch của Trung Quốc cũng là nguồn thu đáng kể của Palau. Tuy nhiên, Palau lại là 1 trong 15 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Không thay đổi được quan hệ giữa Palau với Đài Loan, Trung Quốc đã cắt đứt nguồn đầu tư lẫn du lịch với Palau khiến đảo quốc này gặp không ít khó khăn.
“Giữa bối cảnh như vậy, Mỹ cần phải tăng cường quan hệ và hỗ trợ cho Palau”, theo TS Nagao. Đây chính là một chốt chặn quan trọng cho Mỹ ở nam Thái Bình Dương trong khu vực Indo-Pacific.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.