Muôn trùng lỗi dịch

09/05/2013 03:15 GMT+7

Các lỗi dịch sai liên tiếp trên nhiều ấn phẩm suốt thời gian qua khiến độc giả bắt đầu có cái nhìn e dè về chất lượng các bản dịch. Giới phê bình và học thuật không ngớt dấy lên tranh cãi về năng lực của dịch giả và tìm kiếm người quy trách nhiệm.

Có những dịch giả từng được độc giả yêu quý chọn mua tác phẩm chỉ vì yên tâm với tên tuổi của họ, thậm chí từng có thời kêu gọi, đả phá, chỉ trích thói dịch ẩu, dịch loạn và phân tích nên những cái gọi là thảm họa dịch thuật… thì nay cũng bị vấp lỗi.

 
Một số cuốn sách bị chỉ trích là thảm họa dịch thuật - Ảnh: T.L

Dịch sai nghĩa do vốn ngoại ngữ kém

Cuốn Vô tri (tác giả Milan Kundera, người dịch Cao Việt Dũng) từng được Công ty sách Nhã Nam thừa nhận ngày 12.6.2012 rằng có 264 lỗi cần sửa, gồm: 87 lỗi sai nghĩa, 67 lỗi chệch nghĩa, 77 lỗi diễn đạt, 33 lỗi sót từ/câu so với nguyên bản. Ví dụ: “le saint breuvage de sincérité” (nước thánh mang lại sự thành thực) lại được dịch thành “nước uống thánh thiện của lòng chân thành”; “grossir en toute candeur” (vô tư lên cân) được dịch thành “béo lên một cách trong sáng nhất”; “philtre” (nước có phép bùa) bị dịch thành “cái phin”; “L’hôtel datait des dernières années du communisme” (Khách sạn có từ những năm cuối của thời cộng sản) bị dịch thành “Khách sạn xây vào những năm cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản” (trang 56); “Mourir pour son pays, cela n’existe plus. Peut-être que pour toi, pendant ton émigration, le temps s’est arrêté. Mais eux , ils ne pensent plus comme toi. - Qui? N. fit un geste de la tête vers les étages de la maison, comme s’il voulait désigner sa progéniture. “Ils sont ailleurs” (“Chết vì quê hương, điều đó không có nữa đâu. Có thể là với anh, trong quá trình lưu vong, thời gian đã ngừng trôi. Nhưng chúng nó, chúng nó không nghĩ như anh nữa đâu”. - “Ai cơ?” N. hất đầu về phía mấy tầng gác của ngôi nhà, như muốn chỉ đám con cháu mình. “Đầu óc chúng nó có ở đây đâu”) bị dịch thành “Chết vì đất nước của mình, cái đó không còn tồn tại nữa. Có thể là với anh, trong thời gian ở nước ngoài, thời gian đã dừng lại. Nhưng họ, họ không nghĩ như anh nữa đâu”. “Ai?” N. hất đầu về phía mấy tầng gác của ngôi nhà, chắc muốn chỉ đám con cháu mình. “Chúng ở nơi khác” (trang 167); “... soudain, inopinément, précocement, arriva l’été. Son tailleur, très épais, devint inutilisable. N’ayant pas apporté de vêtements légers, elle alla acheter une robe dans une boutique... (“... bất ngờ, mùa hè chợt tới sớm. Bộ vest juýp của nàng quá dày, trở nên vô dụng. Vì không mang theo đồ mỏng, nàng ra tiệm mua một chiếc áo đầm”) đã bị dịch thành “...đột nhiên, thật bất ngờ, quá sớm sủa, mùa hè tới. Cái áo khoác của cô, quá dày, trở nên vô dụng. Không mang theo quần áo mỏng hơn, cô phải đi mua một cái váy tại một cửa hiệu” (trang 34).

Hoặc ở cuốn Bản đồ và vùng đất (dịch giả Cao Việt Dũng), “ils se contentaient de se placer devant vous et de déclencher le moteur de leur appareil pour prendre des centaines de clichés au petit bonheur” (họ chỉ làm mỗi việc là đứng trước mặt bạn và bấm máy để chụp hú họa hàng trăm tấm ảnh…) lại bị dịch thành “họ chỉ làm mỗi một việc là đứng ra trước mặt bạn và nhấn nút kích hoạt động cơ chiếc máy của họ để chụp lấy hàng trăm bức ảnh trong niềm sung sướng nhỏ mọn…”, bởi người dịch không biết nghĩa của cụm từ "au petit bonheur"…

 

Tất cả những lỗi hài hước này chỉ có thể giải thích rằng người dịch đã quá ẩu khi “lướt sóng” bản dịch và “say nghề” tới mức không còn chút tỉnh táo để thẩm định những thứ phi lý như trên

Nhiều nhà ngôn ngữ cho rằng vấp phải những lỗi này vì người dịch còn yếu về thì của động từ, hổng ngữ pháp, từ vựng.

Khá nhiều Việt kiều Phần Lan từng chỉ trích những lỗi sai trầm trọng bởi dịch thuật trong cuốn sách dạy ngôn ngữ Văn phạm Phần Lan bằng tiếng Việt (NXB Đại học Helsinki 1995, Laurent Tran-Nguyen dịch từ bản tiếng Phần Lan Suomen peruskielioppi (982) và bản tiếng Anh Finnish Grammar (1983) của Giáo sư ngôn ngữ học Fred Karlsson). Do kiến thức về ngôn ngữ nguồn (tiếng Phần Lan, mà chủ yếu là tiếng Anh) của người dịch chưa tốt, khiến nhiều từ, thậm chí cả một số cấu trúc câu cũng bị dịch sai. Như: “Finnish verb forms are built up in the same way” (Các dạng động từ tiếng Phần Lan được cấu tạo bằng cách tương tự) từ “same” bị hiểu sai nên dịch thành một câu khác hẳn về nghĩa và sai nội dung “Các động từ của tiếng Phần Lan đều được cấu tạo như nhau” (trang 14)…

Dịch ẩu

Khi nhắc tới cả hai thảm họa dịch thuật từng được trao “Trái cóc xanh”, người ta không thể quên những câu dịch gây bàng hoàng người đọc. Như trong Mật mã Da Vinci có đoạn dịch giả đã dịch: “Đền thờ tôn vinh Baphomet bằng cách đi vòng quanh mô hình cái đầu bằng đá của ông ta và hát kinh cầu nguyện…”. Đền thờ biết đi, biết hát!?

Còn dịch giả Cao Việt Dũng thì lại có câu dịch “nổi tiếng” trong tác phẩm Hạt cơ bản: “Bố tôi chết vì bị ung thư tử cung”!? (nguyên văn là ung thư ruột). Tất cả những lỗi hài hước này chỉ có thể giải thích rằng người dịch đã quá ẩu khi “lướt sóng” bản dịch và “say nghề” tới mức không còn chút tỉnh táo để thẩm định những thứ phi lý như trên.

Thiếu kiến thức tổng hợp và vốn sống

Bản Những thứ họ mang của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cũng không tránh khỏi sụp bẫy lỗi dịch, mà theo phân tích của nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn, là do thiếu hiểu biết về văn chương thời chiến, không hiểu đời sống và văn hóa Mỹ, dịch máy móc từ sang từ... Ông Sơn đã chỉ ra các lỗi sai như: “military payment certificates” (phiếu quân nhu) dịch thành “chứng nhận thanh toán cho quân nhân”, “dog-tag” (thẻ bài) dịch thành “thẻ ghi tên”, “safety pins” (cái kim băng) thành “kẹp giấy”, “insignia of rank” (quân hàm) thành “phù hiệu cấp bậc”, “green marmite can” (cà mèn nhiều ngăn của lính Mỹ) thành “lon marmite màu xanh lục”, “Dr.Scholl foot powder” (thuốc bôi chân hiệu Dr.Scholl) thành loại thuốc bôi chân của bác sĩ Scholl’s, “Sterno” (xăng khô đóng hộp) thành “đồ Sterno”, “ChiCom” (Trung Cộng-ChiCom - viết tắt Chinese Communist, ý chỉ súng trường K56) để nguyên là ChiCom, “C-4 plastic explosives" (thuốc nổ dẻo) thành thuốc nổ C-4 bằng chất dẻo, “66 mm LAW's” (súng chống tăng M72) thành LAW 66 ly, “PRC 25”, “PRC77” (máy truyền tin) thành radio vệ tinh…

Tương tự, do thiếu vốn hiểu biết về lịch sử - văn hóa Phần Lan, người dịch trong cuốn Văn phạm Phần Lan bằng tiếng Việt đã gây nên những lỗi dịch trầm trọng như: “Politically, Finland was part of Sweden until 1809” (Về chính trị, Phần Lan là một phần của Thụy Điển cho đến năm 1809) bị dịch thành “Về chính trị, nước Phần Lan đã là thuộc địa của nước Thụy Điển cho đến năm 1809”. Hoặc “During the Swedish period Finnish was very much a secondary language in official comtexts” (Trong thời kỳ thuộc Thụy Điển, tiếng Phần Lan chỉ là ngôn ngữ thứ hai trong các bối cảnh chính thức) bị dịch thành “Tiếng Phần Lan chỉ là ngôn ngữ thứ nhì trong thời gian còn là thuộc địa của Thụy Điển”... (Còn tiếp)

Ngọc Bi

>> Xuất khẩu công nghệ làm sách điện tử
>> Sinh viên “quên” đọc sách
>> Khai mạc Ngày hội đọc sách
>> Để ai cũng quý sách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.