Muốn trở thành 'HUB' du lịch MICE, cần có chiến lược ngay từ bây giờ

13/10/2023 07:15 GMT+7

Giải thưởng World MICE Awards 2022 đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp TP.HCM được đề cử và giành chiến thắng tại hạng mục "Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á", vượt qua những cái tên lớn như Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc)...

Thế nhưng, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist, vẫn tiếc nuối khi TP.HCM chưa tận dụng được hết được tiềm năng để thật sự trở thành "hub" du lịch MICE của khu vực.

Muốn trở thành 'HUB' du lịch MICE, cần có chiến lược - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist

*Nhìn lại 2023, tốc độ hồi phục của ngành du lịch VN có như ông kỳ vọng?

-Ông Nguyễn Hữu Y Yên: Thật ra, đầu năm 2023 tôi đã hy vọng tốc độ sẽ nhanh hơn bởi đà chạy của 2022 khá tốt. Chúng ta chứng kiến nhiều đợt du lịch bùng nổ và nếu vẫn giữ tốc độ như vậy thì đến 2024 du lịch VN có thể sẽ hồi phục bằng thời điểm trước dịch 2019. Tuy nhiên, do 2023 kinh tế ngấm đòn dịch bệnh, tổng cầu giảm mạnh ảnh hưởng lớn tới nhu cầu du lịch nên nhịp chạy lại trùng xuống, chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với kỳ vọng. Nhưng với chính sách điều hành chung của kinh tế các nước cũng như VN thì tôi cho rằng đến cuối năm du lịch sẽ chạm đáy và bắt đầu trở lại từ 2024.

*Nhưng tôi thấy thời gian qua Lữ hành Saigontourist vẫn liên tục phục vụ những đoàn khách lên tới hàng ngàn người. Ngay cả trong mùa lễ 2.9, dù "nhiệt độ" chung của du lịch khá trầm lắng thì Lữ hành Saigontourist vẫn ghi nhận lượng khách tăng trưởng tốt. Ông có thể cho biết kết quả này có được nhờ đâu?

-Đúng thế, có những lúc chúng tôi phục vụ đoàn khách lên tới vài chục ngàn người của 1 tập đoàn. Từ bắc chí nam, họ ký chung 1 hợp đồng và Saigontourist phục vụ tất cả nhà máy, xí nghiệp, khách hàng của họ trên 63 tỉnh, thành. Như hè 2022, ở Hạ Long tràn ngập khách của Saigontourist. Điều đó cho thấy sau đại dịch dù tình hình khó khăn nhưng lượng khách vẫn có. Tuy nhiên, khách sẽ dồn vào 1 - 2 đơn vị phục hồi sớm nhất, giữ được lực lượng lao động nhiều nhất, khả năng tài chính đáp ứng được theo nhu cầu của họ. Vì sau dịch, khi ký kết hợp đồng với những đơn vị lớn thì tiềm lực tài chính rất quan trọng, hầu hết các đối tác nhà hàng, khách sạn, dịch vụ hậu cần đều yêu cầu phải ứng cọc trước. Lữ hành Saigontourist đáp ứng được tất cả điều kiện đó. Chưa kể, hai đối tượng khách chủ lực của Lữ hành Saigontourist hiện nay là khách tàu biển và khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), đặc biệt là khách MICE.

*Kinh tế toàn cầu vẫn đang khó khăn, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề đều đang chật vật kiếm từng đơn hàng, những yếu tố này có ảnh hưởng đến lượng khách MICE không, thưa ông?

-Có chứ! Dĩ nhiên tất cả các dòng khách đều giảm do tình hình kinh tế khó chung nhưng khách truyền thống đi lẻ, theo gia đình hoặc nhóm bạn sẽ giảm mạnh hơn và tốc độ giảm nhanh hơn. Bởi đối tượng khách cá nhân sẽ phải suy tính nhiều hơn khi quyết định đi du lịch trong giai đoạn phải tiết giảm chi tiêu. Nhưng doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh. Ví dụ họ vẫn phải thưởng cho các đại lý, thưởng cho nhân viên đạt KPI… Thế nên dù cắt giảm chi phí nhưng các công ty vẫn sẽ phải tổ chức chương trình du lịch như một phần trong hoạt động thúc đẩy kinh doanh. Vì thế, đây vẫn là tập khách hàng tiềm năng. Nếu trước dịch, tỷ lệ khách MICE - khách lẻ, gia đình… là 50 - 50, thì hiện nay lượng khách MICE chiếm tỷ lệ khoảng 55 - 60% trong tổng các loại hình phục vụ của chúng tôi.

Muốn trở thành 'HUB' du lịch MICE, cần có chiến lược - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm tour xích lô ở TP.HCM

T.T

*TP.HCM vừa được vinh danh là "Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á", ông đánh giá thế nào về khả năng khai thác dòng khách du lịch MICE của TP nói riêng và VN nói chung?

-Như tôi đã phân tích ở trên, khách MICE luôn là dòng khách đầy tiềm năng và có tính ổn định cao. Họ đi số lượng đông, chi tiêu nhiều, là đối tượng sẽ suy giảm ít hơn, chậm hơn trong khủng hoảng. Điển hình như Singapore, khách MICE không chỉ là động lực của ngành du lịch mà còn là lực đẩy của cả nền kinh tế. Trước Covid-19, MICE đã tạo ra giá trị gia tăng hơn 3,8 tỉ SGD cho nước này. Sự trở lại mạnh mẽ của khách du lịch nhập cảnh và các sự kiện, hội nghị quy mô lớn trong

2 quý cuối năm 2022 cũng đã góp phần giúp Singapore trở thành nước có mức tăng trưởng ngành du lịch nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Các chuyên gia kinh tế nước này chỉ ra rằng sự suy giảm trong hoạt động sản xuất và thương mại có thể là lực cản cho kinh tế Singapore trong năm 2023; song sự phục hồi của du lịch và lữ hành quốc tế chính là yếu tố thúc đẩy phần nào lĩnh vực dịch vụ của Singapore.

Ở nước ta, du lịch MICE cũng đang được thúc đẩy đầu tư nhưng thú thực, tôi cho rằng để cạnh tranh hoặc vượt qua Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bangkok… trở thành "hub" du lịch MICE của khu vực, chúng ta vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là TP.HCM. Tôi thật sự tiếc vì cho đến bây giờ TP.HCM vẫn chưa bứt phá được ở loại hình dịch vụ này.

Muốn trở thành 'HUB' du lịch MICE, cần có chiến lược - Ảnh 3.

Du khách Pháp ở VN

MAI HÀ

*Theo ông thì vì sao...?

-Muốn trở thành trung tâm MICE của khu vực thì đầu tiên, điểm đến đó phải là trung tâm về kinh tế, tài chính của khu vực. Có nghĩa là những cuộc họp, những sự kiện kinh tế, tài chính mang tầm quốc tế tổ chức cho khu vực sẽ diễn ra ở đây. Nhu cầu đó đòi hỏi hạ tầng cơ sở vật chất như những khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, những phòng hội nghị quốc tế đủ phục vụ những đoàn khách lớn, dịch vụ hậu cần chuyên nghiệp chuyên phục vụ những sự kiện lớn và đặc biệt là hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Đại biểu tới ban ngày tham dự hội nghị, họp hành rồi đến ban đêm phải có nơi ăn chơi, nghỉ ngơi, những điểm tham quan và tiêu tiền. Như vậy mới thật sự khai thác được hết tiềm năng cũng như giá trị của đối tượng khách này.

*Vậy làm thế nào để biến "danh hiệu" thành hiện thực: TP.HCM là điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á?

-Chúng ta có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, có nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan thế giới. Trong đó, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đang phát triển trở thành trung tâm tài chính, trung tâm kinh tế, trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ của khu vực. TP.HCM hội tụ đủ lợi thế để trở thành "hub" du lịch MICE tầm quốc tế nhưng lại thiếu những hạ tầng thiết yếu. Đó là hệ thống các trung tâm hội nghị, hội chợ, những điểm tổ chức sự kiện quy mô lớn và rất lớn. Đó là hệ thống dịch vụ thương mại, những khu mua sắm lớn, đa dạng, phục vụ mọi nhu cầu như những khu factory outlet, những cửa hàng miễn thuế dưới phố hay những khu trung tâm vui chơi, giải trí đẳng cấp như casino… 

Nếu chúng ta định hướng là "hub" du lịch MICE thì phải có chiến lược. Từ xây dựng hệ thống sản phẩm, hạ tầng cho tới truyền thông, đều phải tập trung, xoay quanh những cái đó, đáp ứng nhu cầu thực của dòng khách MICE. Còn nếu chỉ dựa vào điểm tham quan, di tích này, di sản kia thì chỉ mang tính phục vụ khách du lịch nói chung thôi.

Tài nguyên chúng ta hơn hẳn các nước trong khu vực. Các chính sách thị thực mới cũng hỗ trợ rất nhiều tăng lợi thế cạnh tranh. Nếu được tập trung đẩy mạnh đầu tư thì chắc chắn TP.HCM sẽ hút được các hội nghị, sự kiện lớn trên thế giới từ các nước đổ về bởi chúng ta xây dựng sau, đồng nghĩa với cơ sở hạ tầng của chúng ta mới hơn, đẹp hơn…Thực tế, định hướng của TP.HCM là phát triển thành trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ thì du lịch cũng nên theo hướng này để cùng hỗ trợ, thúc đẩy nhau phát triển. Không nên dàn trải quá nhiều loại hình, làm giảm tập trung đầu tư mà tổng thể lại kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.