Mượn phở... luận sơn mài

25/12/2023 08:20 GMT+7

Thứ để ăn, cái để ngắm, phở và sơn mài chẳng tí liên quan gì nhau, nhưng riêng với Doãn Chí Trung, kỳ nhân sơn mài đã có gần 50 năm làm nghề, cả hai ẩn hội nhiều triết lý tương đồng.

Về Doãn Chí Trung, học trò, đồng nghiệp, bạn bè đều biết anh là một tay ghi ta cổ điển cự phách. Nói đến chuyện bếp núc, anh cũng là một đầu bếp thiện nghệ với lối chế biến các món ăn tinh túy theo phong vị Hà Nội xưa, hiển nhiên trong đó có phở. Và ở lĩnh vực nghề nghiệp, Doãn Chí Trung là gương mặt hiếm hoi trong số hàng nghìn người làm sơn mài có thể "đá" chuẩn tất cả các "mặt sân" trong bộ môn nghệ thuật đắt giá, tốn thời gian này, từ làm vóc, đánh sơn, đến các kỹ thuật cẩn trứng, cẩn trai ốc, cách thể hiện hình họa… để cho ra bức sơn mài hoàn chỉnh theo một ngôn ngữ rất riêng mang thương hiệu Doãn Chí Trung, được anh đúc kết ngắn gọn: Phẳng - Nhẵn - Bền.

Mượn phở... luận sơn mài- Ảnh 1.

Một tác phẩm do Doãn Chí Trung thử nghiệm sơn mài trên sắt khối với kỹ thuật cẩn trứng vào khe rãnh có độ khó cao

Lam Phong

Một đời cần mẫn

Thật khó để định danh Doãn Chí Trung là thợ nghề, nghệ nhân, họa sĩ hay nghệ sĩ… bởi ở anh, đó là sự tổng hòa những chất nghề, chất nghệ, thể hiện qua các sản phẩm - tác phẩm của anh. Trong đó ẩn chứa những kỹ thuật kỳ diệu, là sự đúc kết từ tinh hoa năm tháng, của tổng hợp "tuyệt kỹ" từ những cao thủ sơn mài trên giang hồ mà anh dày công thọ giáo, học hỏi để xây dựng nên một phong cách, kỹ thuật, lối chế tác sơn mài chỉ tập trung tối đa vào ba yếu tố phẳng - nhẵn - bền. Để đạt được điều ấy, anh bảo: "Theo đuổi cả đời người chưa chắc đã hoàn hảo".

Nói tới mối duyên gắn bó với sơn mài, Doãn Chí Trung nhẹ nhàng kể lại, cũng với những câu từ giản dị đúng như tính cách con người của anh: "Vì tôi thấy nó hay". Tuy nhiên, những người thân quen anh đều hiểu rõ rằng để theo cái "hay" ấy thực sự là một thử thách nặng nề. Doãn Chí Trung kể: "Nhà có tôi với anh trai theo nghề sơn mài, anh làm được hơn 30 năm, khi Đông Âu vỡ, không có đơn hàng, đói, anh bỏ nghề. Tôi có lúc tiền đong gạo còn không có, vợ con đói, áp lực kinh khủng, trong khi xã hội chẳng ai nói về sơn mài. Sản phẩm làm ra bán không được, lại toàn bị chê".

Mỗi lần gặp Doãn Chí Trung, nghe anh kể chuyện sơn mài, kể cái hay của sơn mài theo lối anh cảm nhận, mới thấy ở anh một đam mê, một lối truyền cảm hứng kỳ lạ, giản dị, chân thành, gần gũi. Chuyện nấu phở được anh lái vào sơn mài, cũng là một trong những cách anh thường chia sẻ với bằng hữu thân quen. Anh bảo: "Phở thì có hàng trăm, hàng nghìn hàng phở, làm sơn mài cũng hàng nghìn người, nhưng để ra bát phở ngon, ra bức sơn mài chuẩn, không nhiều".

Mượn phở... luận sơn mài- Ảnh 2.

Những chiếc búa con mang diện mạo khác qua thể hiện bằng lớp áo sơn mài

Lam Phong

Sự "không nhiều" ấy, đi vào phân tích, bàn luận, thật lạ là càng nghe Doãn Chí Trung nói lại càng thấy phở và sơn mài rất nhiều nét tương đồng. Ngồi trước một cái khay sơn mài anh mới hoàn thiện, Doãn Chí Trung lại nói về phở. Để bát phở ngon, trước hết phải nhắc đến nồi nước lèo, cần chọn bao nhiêu xương cho đủ, rồi trong mớ xương ấy có mấy loại, từ xương ống, xương sống, xương đuôi… phối với nhau thế nào theo tỷ lệ hợp lý. Rồi khi nấu phải biết rửa xương thế nào, nấu sao cho nước trong, chưa kể phải đun xương nào trước, xương nào sau, ninh bao lâu thì dừng, sôi thế nào thì tắt bếp để nguội... Xong phần xương, đến phần gia vị, khi nào thì cho quế hồi, thảo quả, ngũ vị, nêm nếm muối mắm bao nhiêu… qua rất nhiều công đoạn, mới chỉ ra được nồi nước.

Để sơn mài tiến xa hơn

Sơn mài cũng thế, để có cái vẽ, người thợ sơn trước hết phải tiến hành làm vóc, và một tấm vóc đạt các tiêu chí phẳng - nhẵn - bền, cần đến 30 công đoạn, cùng 50 ngày công. Nghe chuyện tấm vóc thôi cũng thật dễ nản, bởi trong 30 công đoạn ấy, chỉ một thao tác sai, một quy trình bỏ sót là mất chuẩn ngay. Hỏi Doãn Chí Trung liệu anh có quá "phong thánh" cho sơn mài theo lối khắt khe đến thế, anh giải đáp ngắn gọn: "Đấy là tôi nói về sự hoàn hảo, chứ còn là thợ nghề thì yêu cầu thế nào đá cũng được. Ví dụ khách chỉ muốn phẳng, nhẵn, không cần bền, hoặc chỉ bền, phẳng, không cần nhẵn thì chỉ 10 ngày là tôi giao hàng, thậm chí có những yêu cầu chỉ cần 2 - 3 ngày cũng xong. Nó y như nấu bát phở thôi, nấu cho ra thì dễ, ai cũng có thể làm được, còn ngon hay dở, đưa được tinh hoa lên hay không là hàng trăm, thậm chí vài trăm công đoạn, kỹ thuật, sở trường, kinh nghiệm, đã qua rút tỉa theo thời gian chứ không có chuyện tự nhiên được".

Mượn phở... luận sơn mài- Ảnh 3.
Mượn phở... luận sơn mài- Ảnh 4.

“Lò” luyện sơn mài của họa sĩ Doãn Chí Trung và các học trò ở Hà Nội

Lam Phong

"Sơn mài Việt, tôi chia làm bốn giai đoạn, giai đoạn sơ khai từ hàng nghìn năm trước là chỉ dùng sơn như một chất liệu phủ bề mặt. Đến giai đoạn hai là ứng dụng vào mỹ thuật kiến trúc, tượng thờ. Giai đoạn ba là khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, kỹ thuật sơn mài đưa vào hội họa, đây là thời kỳ thăng hoa về thể hiện, sáng tác, còn kỹ thuật các cụ vẫn đang mày mò, ứng dụng chứ chưa cụ nào đạt đỉnh cao. Giai đoạn bốn là khi sơn mài sau thế hệ các cụ Mỹ thuật Đông Dương vừa lóe sáng, chuyển qua sản xuất hàng loạt, làm mỹ nghệ, thì lại suy yếu vì yêu cầu thị trường, giá thành, thời gian rút ngắn, khiến cho sơn mài chỉ nhanh, rẻ, đẹp nhưng không bền, và đây là thời kỳ sơn mài Việt tụt dốc, thất bại thảm hại, chỉ độ chục năm trở lại đây mới được xã hội để tâm, người làm nghề cũng chú trọng hơn đến các yếu tố đẹp, bền của tác phẩm", anh thuyết giải thêm.

Mượn phở... luận sơn mài- Ảnh 5.

Phẳng - nhẵn - bền, ba yếu tố được Doãn Chí Trung đúc kết để cho ra một tác phẩm hoàn thiện

Lam Phong

Âm thầm, cần mẫn làm nghề, Doãn Chí Trung cho hay anh hiếm một ngày nghỉ làm sơn mài, mỗi sáng đến xưởng, chiều hết giờ lại về nhà, cứ như thế đã gần 50 năm. Nhưng nói về nghề, anh vẫn khắc khoải: "Mới gọi là được thôi, càng làm, càng nhận ra còn nhiều điều mình chưa thể cảm thụ hết". Thọ giáo hầu hết các cao thủ sơn mài Việt theo phương cách cổ truyền để từ đó rút tỉa những kinh nghiệm riêng cho bản thân, anh lại quy sơn mài vào phở: "Phở mỗi quán ngon một kiểu, chỗ ngon nước, chỗ ngon thịt, chỗ thì thơm mùi nước xương… Sơn mài cũng vậy, các cụ mỗi người giỏi một bài và giấu bài nhau kỹ lắm, cụ giỏi cẩn trứng, cụ đá sơn hay, cụ làm vóc kỹ… Tôi theo các cụ bao năm để học hỏi từng biệt tài, ráp thành cái riêng cho mình, bỏ đi các động tác thừa, đúc kết thành bài bản, khoa học, rồi truyền lại cho học trò dễ tiếp cận hơn. Nếu cứ giấu bài thì nhiều kỹ năng, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sơn mài mai một hết, làm thế sơn mài Việt chỉ thụt lùi chứ không đi xa được".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.