Muôn màu kịch Sài gòn - Kỳ 4: Sân khấu Phú Nhuận, điểm sáng của kịch văn học

Hoàng Kim
Hoàng Kim
04/06/2020 06:25 GMT+7

Sân khấu Phú Nhuận của NSND Hồng Vân thành lập năm 2001, tiếp sau Kịch Sài Gòn, và không bao lâu đã phát triển rực rỡ. Đặc biệt là mảng kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học đã làm nên “thương hiệu” cho nơi này.


Hương sắc mới

Khi mới thành lập, Kịch Phú Nhuận cũng chỉ dựng những vở tâm lý xã hội, nhưng không lâu sau, “bà bầu” Hồng Vân cho ra mắt vở Số đỏ. Lập tức, vở diễn trở thành một định hướng cho đơn vị.
Số đỏ quả thật là tác phẩm chỉn chu và sâu sắc với lối diễn châm biếm chua cay, khán giả rần rần tới xem và thú vị vô cùng. Một phong vị Bắc đúng như tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, làm nên hương sắc mới đầy quyến rũ cho làng kịch, nhưng nó vẫn gói được chất Sài Gòn dễ chịu, thoải mái, tưng tưng, thế mới tài. Khán giả Sài Gòn dù gốc miền nào cũng cảm được hết, cho nên Số đỏ kín lịch mỗi tuần. Sau này, khi một số nghệ sĩ không diễn được nữa, Hồng Vân cứ cho thay vai đến 8 - 9 lần, và Số đỏ vẫn ăn khách suốt 7 - 8 năm.
Sau Số đỏ, Hồng Vân phấn khởi ra mắt hàng loạt vở tiếp theo như Kỹ nghệ lấy Tây, Chị Dậu, Bỉ vỏ, Chí Phèo, Con nhà nghèo, Đàn bà dễ có mấy tay (Giông tố)… đều phóng tác từ các quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Hồ Biểu Chánh… Nhìn chung các vở đều có chất lượng tốt, nghiêm túc, rất xứng đáng để các em học sinh và sinh viên thưởng thức, coi như hoạt động ngoại khóa cho môn văn học. Và nếu kể luôn vở Nỏ thần phóng tác từ câu chuyện cổ về chiếc nỏ thần và mối tình Trọng Thủy - Mỵ Châu thì mảng kịch văn học có thêm một nét son sáng giá. Nỏ thần có thể nói là niềm tự hào của kịch Phú Nhuận và của làng kịch Sài Gòn.
Ngoài những vở văn học thì Phú Nhuận còn làm nhiều vở tâm lý gia đình khá sâu sắc như Mẹ và người tình, Nước mắt người điên, Cánh đồng gió...
Điều đáng khen của Sân khấu Phú Nhuận là đã dành đất cho các diễn viên trẻ. Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội như Hồng Vân, Minh Hoàng, Minh Nhí, Bảo Quốc, Anh Vũ, Đức Hải… thì người ta thấy rất nhiều gương mặt mới như Ốc Thanh Vân, Lan Phương, Mai Phương, Hòa Hiệp, Huỳnh Đông, Thái Hòa, Bình Minh, Hoàng Thy, Xuân Trang, Kim Huyền, Đức Thịnh, Thanh Thúy… được phân vai rất nhiều. Hồng Vân nói: “Nghệ sĩ giỏi hầu như đã cộng tác cho các sân khấu khác, còn mình thành lập sau thì phải tăng cường lớp diễn viên trẻ chứ. Mà có chăm lo cho lớp trẻ thì sau này các em mới trưởng thành, mới kế thừa. Chỉ cần vài năm là các em vững vàng, còn mình sẽ già đi, quy luật cuộc đời vậy thôi. Không trồng cây mà đòi hái quả sao được”. Quả đúng vậy, sau này nhiều tên tuổi đã thành “sao”, tham gia trong lĩnh vực giải trí.

Kịch ma và sự xuống dốc

Kịch ma ở Phú Nhuận nổ phát súng đầu tiên bằng vở Người vợ ma. Vở trở thành một “hiện tượng” lúc bấy giờ. Khán giả muốn mua vé xem không phải dễ, dù cả tuần xếp lịch dày đặc. Thế là Phú Nhuận tiếp tục làm kịch ma hàng loạt, như Quả tim máu, Ngôi nhà hoang, Sám hối… và sau này có thêm Sân khấu Superbowl nữa thì kịch ma càng dày đặc, có thể nói chiếm đến 80% kịch mục. Thậm chí bây giờ nói đến Kịch Phú Nhuận thì người ta nghĩ ngay tới chữ “ma”, vì 7 - 8 năm nay nó đã nhuộm màu gần như toàn bộ sân khấu.
Thực sự, nếu Người vợ ma hoặc Quả tim máu nội dung đầy đặn, yếu tố kinh dị không quá nhiều, mang thông điệp nhân văn thì đa số các vở kịch ma về sau lại đẩy yếu tố kinh dị câu khách lên hàng đầu, nội dung ngày càng mỏng, dễ dãi, thiếu logic và lặp lại những mảng miếng hù dọa quen thuộc. Người ta nhận thấy thiếu bàn tay chăm chút của bà bầu Hồng Vân. Đành rằng bà bầu tin cậy giao việc cho lớp trẻ, nhưng công tác biên kịch và đạo diễn ở những vở sau khá yếu, khiến ngay cả những khán giả gắn bó với Phú Nhuận cũng ngán ngẩm dần và rời xa dần. Thiết nghĩ đó là một trong những lý do quan trọng khiến Kịch Phú Nhuận xuống dốc. Nhiều nghệ sĩ giỏi đã chia tay sân khấu này, vì họ không thích diễn loại kịch như thế.
Hiện nay nghệ sĩ Hồng Vân đã đóng cửa sân khấu ở Superbowl và vừa ký hợp đồng thuê mới với Sân khấu Phú Nhuận. Chị nói: “Tôi định sẽ làm mới lại tất cả. Đầu tiên là dựng lại Mẹ và người tình, một vở tâm lý gia đình từng được yêu mến, hy vọng khán giả sẽ ưng ý. Rồi sẽ làm lại kịch văn học, với mong ước bán vé cho các trường học, chinh phục lớp trẻ, giúp các em thêm yêu môn văn cũng là mơ ước của tôi”. Thật sự sân khấu này vẫn còn nhiều thực lực, chỉ cần sự chăm chút của người quản lý và sự quan tâm, tiếp sức của hệ thống giáo dục thì mảng kịch văn học sẽ sống lại. Đừng nên bỏ đi một “thương hiệu” từng làm hãnh diện cho kịch Sài Gòn, cũng như đừng bỏ đi một hương vị lạ lẫm làm phong phú cho mâm tiệc nghệ thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.