Muôn màu kịch Sài gòn: Kỳ 2: Kịch Idecaf vùng vẫy ngược dòng

Hoàng Kim
Hoàng Kim
02/06/2020 06:47 GMT+7

Sân khấu Kịch IDECAF thành lập năm 1997, là sân khấu xã hội hóa thứ hai sau 5B; đến giờ vẫn là sân khấu vững mạnh nhất Sài Gòn.

IDECAF thành lập từ sự ăn ý của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và NSƯT Thành Lộc với sự phân công rất cụ thể: Huỳnh Anh Tuấn lo việc quản lý, Thành Lộc lo chuyên môn nghệ thuật. Mỗi người tập trung làm rất tốt lĩnh vực của mình, đưa IDECAF lên vị trí hàng đầu trong làng kịch.

Nghệ sĩ gạo cội, đa năng

IDECAF đã có 24 năm tồn tại và công diễn hơn 300 vở kịch. Sân khấu này chuyên dựng chính kịch và kịch nước ngoài, với những vở rất “nặng ký” như Khoảnh khắc tình yêu, Đứa con tiền kiếp, Chuyện hai người, Người mua hạnh phúc, Đèn lồng đỏ cao cao, Người đàn bà đức hạnh, Chuyện văn chương, Âm mưu và tình yêu, Cậu đồng, Tôi chờ ông đạo diễn, Một cuộc đời bị đánh cắp, Tám người đàn bà, Mặt nạ bong bóng, Ngôi nhà không có đàn ông… Về sau có thêm nhiều vở hoành tráng khác chuyên diễn ở sân khấu lớn như Nhà hát Bến Thành: Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, Tiên Nga, đã làm nên một bộ mặt đáng tự hào cho kịch Sài Gòn.
Khoảng 10 năm nay thì kịch hài chiếm số lượng đáng kể, vì theo ông Huỳnh Anh Tuấn: “Xu thế xã hội giờ thích xem hài, chúng tôi cũng dựng thôi”. Tuy nhiên những vở hài của IDECAF thường rất thâm thúy, châm biếm sâu cay, như Hợp đồng mãnh thú, Mưu bà tú, Cái đẹp đè bẹp cái nết…
Một nét nổi bật nữa của IDECAF là kịch thiếu nhi. Đã có hơn 30 vở kịch lung linh, hấp dẫn như Người đẹp và quái vật, Hoàng tử Sọ Dừa, Cậu bé rừng xanh, Cô bé lọ lem, Nàng tiên cá, Aladin và đủ thứ thần... hớp hồn các bé lẫn phụ huynh. Chưa kể mảng kịch lịch sử dành cho thiếu nhi đã lưu diễn khắp các quận huyện như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Sơn Tinh Thủy Tinh, Đinh Tiên Hoàng. Hai mảng kịch này ngoài IDECAF không đơn vị nào kham nổi vì quá tốn kém và đòi hỏi năng lực biểu diễn rất công phu, vất vả. IDECAF trở thành đơn vị cực kỳ chuyên nghiệp với một xưởng chế tác phục trang, đạo cụ cho kịch thiếu nhi đẹp đến mê hồn. Bối cảnh của quốc gia nào xưởng cũng làm được, bởi có một đội ngũ chuyên viên lành nghề và hùng hậu.
Với kịch mục như trên, IDECAF phải tập trung dàn nghệ sĩ gạo cội, chẳng những biết diễn bi lẫn hài thật giỏi mà còn phải biết nhảy múa, ca hát, kịch câm... đúng nghĩa là đa năng. Cho nên những gương mặt trụ được ở IDECAF đều đáng ngưỡng mộ, như Kim Xuân, Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Hồng Ánh, Hương Giang, Lê Khánh, Đình Toàn, Tuấn Khôi, Đức Thịnh, Bạch Long, Phi Phụng, Phương Dung… Họ có thể hóa thân trong nhiều dạng vai, và thực hiện những động tác khó, tập luyện công phu, giữ được sức tươi trẻ, phấn khích trên sân khấu.

Kéo khán giả về thánh đường sân khấu

IDECAF vững mạnh là vậy, nhưng khoảng 3 - 4 năm nay cũng gặp khó khăn chung với cả nền sân khấu. Nhiều suất diễn dù khán giả chiếm 70% rạp mà ông bầu vẫn phải bù lỗ. Tuy nhiên, kịch mục IDECAF rất phong phú nên vở này có thể bù cho vở kia, vẫn xoay xở đủ, vẫn trả tiền cát sê diễn viên và nhuận bút cho tác giả thuộc hàng cao nhất.
Nhưng ông Huỳnh Anh Tuấn vẫn không khỏi lo lắng về tương lai: “Lý do sân khấu xuống dốc tôi nghĩ phần lớn do mảng hài đã xâm chiếm quá mạnh vào khán giả, tạo nên một thị hiếu đáng buồn. Sân khấu chấp nhận sự giản dị, bình thường trong cuộc sống, nhưng đừng biến nó thành tầm thường. Ví dụ kịch của NSND Kim Cương rất giản dị, nhưng nghe trong từng câu văn vẫn thấy tính nghệ thuật, và cách diễn không bị tầm thường. Còn bây giờ nhiều diễn viên hài và gameshow đã quên đi sự cách điệu, mà kéo sân khấu xuống y như đời thực, thậm chí khá là suồng sã. Khán giả ăn hoài món ăn như thế, trở nên ngán những vở kịch đàng hoàng với lời thoại văn chương, dù chỉ văn chương một chút thôi họ cũng không kiên nhẫn để nghe và thấm”.
Chính vì vậy IDECAF cũng dựng một số vở hài để chiều lòng khán giả, và cân bằng tài chính để nuôi anh em. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn và NSƯT Thành Lộc đã dự kiến phải “đi ngược dòng”, phải dựng lại các vở chuẩn mực, nặng ký, để kéo khán giả về với thánh đường sân khấu. Vở Chuyện văn chương của Pháp, từng gây bão với sự duyên dáng và sâu sắc của Thành Lộc - Hữu Châu, đang nằm trong tầm ngắm tái dựng; bên cạnh đó là Trong hào quang của bóng tối (Tây Ban Nha). Ông Tuấn thở dài: “Khổ nỗi nghệ sĩ chạy show quá nhiều, rất khó chuyên tâm tập dượt. Nhưng dù sao chúng tôi cũng sẽ làm, không bỏ cuộc. Và trong kế hoạch này sẽ hướng tới lớp khán giả trẻ, như sinh viên. Đó cũng là chiến lược đào tạo khán giả, chứ không thể bỏ mặc các em trôi theo những thứ dễ dãi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.