Muôn kiểu chống rét cho học sinh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/01/2024 06:30 GMT+7

Ngày 23.1, nhiệt độ hầu hết các địa phương miền Bắc xuống dưới 10 độ C, về nguyên tắc, các trường mầm non, tiểu học cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, mỗi địa phương và nhà trường lại có cách làm linh hoạt để vừa chống rét, vừa không gây xáo trộn quá lớn cho các gia đình.

Lùi thời gian vào lớp muộn hơn

Sáng 23.1, theo thông tin từ bản tin thời tiết sáng trong chương trình Chào buổi sáng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, nhiệt độ tại Hà Nội là 9,9 độ C. Căn cứ quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đồng loạt thông báo phụ huynh không đưa con đến trường, cho trẻ ở nhà để bảo đảm sức khỏe.

Muôn kiểu chống rét cho học sinh- Ảnh 1.

Những ngày rét đậm, rét hại ở vùng cao như H.Mèo Vạc (Hà Giang) sẽ nhiều hơn, kéo dài so với vùng đồng bằng nên việc nghỉ học theo thời tiết được đặt ra nhưng không quá cứng nhắc

TUYẾT MAI

Nhiều gia đình trẻ ở Hà Nội có con học mầm non, tiểu học từ cuối tuần trước đã phải lên phương án nếu con nghỉ học ở nhà tránh rét thì ai sẽ chăm sóc khi bố mẹ đi làm. Có những công việc có thể linh động xin phép cơ quan làm việc tại nhà, nhưng hầu hết đều phải đón ông bà ở quê lên trông hoặc cắt cử xin nghỉ phép…

Nắm bắt được khó khăn này của phụ huynh, nhiều trường tại Hà Nội vẫn duy trì việc mở cửa đón học sinh (HS), tuy nhiên sẽ lùi thời gian vào lớp muộn hơn 1 giờ so với lịch thông thường. Bà Vũ Ngọc Dư, Hiệu trưởng Trường mầm non Ánh Sao (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết dù nhà trường thông báo trẻ được nghỉ nhưng sáng 23.1 vẫn có hơn 190/730 trẻ đến trường. Nhà trường có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, các phòng học có điều hòa 2 chiều, bình nóng lạnh, cây nước uống nóng. Ban giám hiệu nhà trường cũng lưu ý suất ăn của HS bảo đảm nóng sốt, đủ dinh dưỡng. Hoạt động đón trẻ trong những ngày trời rét vẫn diễn ra bình thường để cha mẹ yên tâm.

Miền Bắc chìm trong rét hại, người dân tuyệt đối không làm gì?

Tại Trường Mầm Non A (Q.Ba Đình, Hà Nội), ban giám hiệu cho biết đã có hàng loạt giải pháp ứng phó: nhà trường lùi lịch đón trẻ buổi sáng từ 8 giờ thay vì 7 giờ như thường lệ, thời gian đón trẻ cũng được kéo dài hơn; giờ trả trẻ không thay đổi, tạo điều kiện cho cha mẹ trẻ yên tâm làm việc. Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, nếu phụ huynh phải đi làm, không thể đưa con đến trường theo giờ trên, nhà trường vẫn mở cửa theo giờ học cũ đón trẻ vào lớp.

Với các trường ngoài công lập, sự linh động này rõ rệt hơn. Hàng loạt các trường như Marie Curie, Olympia, Nguyễn Siêu, Lê Quý Đôn, Lý Thái Tổ… đều thông báo vẫn đón HS đến trường bình thường và có phương án đảm bảo sức khỏe, phòng, chống rét cho HS nếu phụ huynh có nhu cầu gửi con. HS đến trường bằng xe đưa đón, trong lớp có hệ thống sưởi ấm, thực đơn bán trú cũng được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho HS. Do vậy, các trường này cho biết sĩ số và nền nếp học tập ngày 23.1 không có thay đổi gì đáng kể.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình và chỉ đạo các phòng GD-ĐT tăng cường rà soát, kiểm tra, nắm bắt tình hình dạy học, chăm sóc HS trong những ngày trời rét đậm, rét hại tới.

Cho học sinh nghỉ học linh hoạt

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, đến sáng 23.1, trên địa bàn tỉnh có H.Bắc Hà và TX.Sa Pa đã cho HS nghỉ học để chống rét. Cụ thể, tại TX.Sa Pa có 17/59 trường với 7.402 HS nghỉ học. Tại H.Bắc Hà có 12 trường với 3.624 HS. Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, xây dựng phương án phòng chống rét cho HS.

Tại Bắc Giang, hầu hết các trường mầm non và tiểu học cho HS nghỉ học ngày 23.1. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng nơi, các trường cũng đều linh động mở cửa đón và chăm sóc trẻ nếu phụ huynh có nhu cầu gửi con. Ví dụ, tại TX.Việt Yên (Bắc Giang), do cha mẹ phải đi làm nên nhiều gia đình ở xung quanh các khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám vẫn có nhu cầu gửi con. Vì vậy, các trường mầm non đã chủ động kiểm tra cửa sổ, trải thảm, trang bị đèn sưởi tại phòng ngủ, phòng học bảo đảm không gian ấm áp cho HS.

Nhiều trường mầm non ở TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) có điều kiện đầy đủ về cơ sở vật chất đã chủ động bật điều hòa hai chiều sưởi ấm cho HS. Hay như tại H.Sơn Động (Bắc Giang), vẫn có HS một số trường mầm non, tiểu học được bố mẹ đưa đến trường. Trước mùa đông, Phòng GD-ĐT H.Sơn Động đã kết nối với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp vận động tài trợ 100 chiếc giường cho HS bán trú tại các trường còn khó khăn.

Chia sẻ xung quanh câu chuyện ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại, ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc (Hà Giang), cho biết ngày 23.1, nhiệt độ ở các khu vực núi đá của huyện xuống tầm 2 - 3 độ C. Những ngày rét đậm, rét hại ở vùng cao sẽ nhiều hơn và kéo dài so với vùng đồng bằng nên việc nghỉ học theo thời tiết cũng được đặt ra nhưng không quá cứng nhắc. Đặc thù của trường học ở đây, hầu hết HS ở nội trú tại trường nên việc cho HS nghỉ hay học rất linh hoạt. Nếu lớp học kín gió, HS mặc đủ ấm thì việc học tập vẫn tiếp tục được các nhà trường duy trì. Ngược lại, các trường có thể cho HS ở lại phòng nội trú và đảm bảo việc ăn ở cho các em phù hợp với thời tiết.

Theo ông Thư, thực tế là phần lớn HS ở H.Mèo Vạc đến trường sẽ ấm áp, ăn đủ chất hơn ở nhà. Nhiều năm gần đây, rất nhiều tổ chức, cá nhân từ thiện trên cả nước tặng chăn, áo, khăn ấm cho các trường học nên không trường nào HS còn phải chịu rét nữa. Có những trường HS được tặng tới 5 chiếc áo đại hàn khác nhau.

"Sáng 23.1, tôi có đi kiểm tra một số trường thì thấy dù ngoài trời nhiệt độ xuống rất thấp nhưng trong phòng học, phòng ở của HS vẫn ấm áp. HS mặc đủ ấm, đầu đội mũ len, chân đi giày tất, không còn cảnh phong phanh, chân trần của trẻ em vùng cao như ngày trước", ông Thư nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.